Phòng, chống ma túy - trách nhiệm của mọi người, mọi nhà. Ảnh: Kim Khánh
Theo thống kê, tỉnh Long An hiện có 2.060 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó, ở cơ sở cai nghiện 35 người, cơ sở giam giữ 67 người, còn lại ở ngoài xã hội. Những người nghiện ma túy thường tập trung ở nam giới, độ tuổi từ 20-35. Nguyên nhân dẫn đến nghiện ma túy do thích đua đòi, thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình, không có nghề nghiệp, việc làm, trình độ học vấn thấp,...
Loại ma túy sử dụng phổ biến là heroin chiếm 58%, ma túy tổng hợp Methamphetamine chiếm 39,6%, các loại khác 2,4%. Tình hình hoạt động mua, bán, tàng trữ và sử dụng chất ma túy có ở khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, tuy nhiên, tập trung nhiều nhất ở các địa phương phát triển công nghiệp, có tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân số cao như các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An.
Việc cai nghiện ma túy vẫn gặp nhiều khó khăn
Qua tìm hiểu, dù việc phòng, chống ma túy được triển khai về tận các địa bàn dân cư, khu phố; công tác này cũng được lồng ghép tuyên truyền thường xuyên qua hội họp, sinh hoạt, qua các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng nông thôn mới,... Tuy nhiên, số người nghiện ma túy những năm gần đây liên tục tăng; hiện tại tăng lên 48 người so với năm 2014. Tác hại của ma túy đã rõ, bởi không chỉ hủy hoại sức khỏe con người mà còn khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh tan cửa, nát nhà, tán gia bại sản, là con đường dẫn đến trộm cắp, giết người. Đồng thời, từ hành vi tiêm chích ma túy còn là con đường dễ dẫn đến sự lây truyền đại dịch HIV/AIDS,...
Trước tình hình nghiện ma túy đang diễn biến phức tạp, ở 192/192 xã, phường, thị trấn thành lập tổ công tác cai nghiện, tổ tư vấn, tham vấn cho người nghiện. Tuy nhiên, việc gia tăng sử dụng các loại ma túy tổng hợp khiến công tác phòng ngừa và cai nghiện phục hồi cho nhóm người nghiện ma túy gặp rất nhiều khó khăn. Hiện có các hình thức như: Cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội, cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội - Trần Văn Sinh cho biết: “Mặc dù đạt những kết quả bước đầu song còn nhiều nguyên nhân nên việc cai nghiện vẫn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ tái nghiện cao”.
Phòng chống ma túy trong học đường. Ảnh Kim Khánh
Để phòng, chống ma túy đạt hiệu quả cao, theo Chủ tịch UBND xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức - Phạm Duy An cho rằng, chính quyền các cấp phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong việc đẩy mạnh công tác phòng, chống, triệt phá tội phạm mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy. Việc phát hiện ma túy cần phát huy vai trò của quần chúng nhân dân. Ngoài ra, các ngành cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh xóa bỏ các điểm nóng, không để phát sinh địa bàn phức tạp về ma túy.
Còn theo Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa - Hồ Thanh Liêm, để phòng, chống ma túy đạt hiệu quả, cần đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của ma túy bằng nhiều hình thức. Việc tuyên truyền này cần triển khai thường xuyên ngay tại các trường học. Song song đó, cần có các phòng điều trị cắt cơn tại cộng đồng, có trang thiết bị phục vụ công tác cai nghiện, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ y tế cấp cơ sở thực hiện công tác cai nghiện. Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa người nghiện, gia đình, địa phương. Việc cai nghiện ma túy phải kiên trì, lâu dài, quyết tâm cao của người nghiện và có sự vào cuộc, giúp đỡ tích cực của các cấp, các ngành. Đồng thời, cần phải tạo điều kiện cho người cai nghiện hòa nhập cộng đồng, tạo việc làm để họ có thu nhập, ổn định cuộc sống./.
Vũ Quang