Tiếng Việt | English

15/01/2020 - 16:55

Chung tay chống rác thải nhựa

Long An triển khai nhiều chương trình, hành động cụ thể hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân chung tay chống rác thải nhựa và túi nylon” của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc tham gia bảo vệ môi trường.

Đoàn viên, thanh niên tái chế chai nhựa để làm vật trang trí
Đoàn viên, thanh niên tái chế chai nhựa để làm vật trang trí 

Bàn họp vắng dần chai nhựa 

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Nguyễn Tân Thuấn, thói quen sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa dùng 1 lần ở nước ta nói chung, tỉnh Long An nói riêng còn rất phổ biến. Tuy nhiên, rác thải nhựa mất rất nhiều thời gian để phân hủy, làm bẩn, độc đất đai, ảnh hưởng dòng chảy và len lỏi vào các mạch nước ngầm,… gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường cũng như tác động tiêu cực đến sức khỏe của con người. Việc xử lý rác thải nhựa đòi hỏi cả một quá trình và tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức lẫn tiền bạc,…

Để chủ động chống rác thải nhựa, tỉnh triển khai nhiều chương trình, hành động cụ thể. Trong đó, tại các cuộc họp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, huyện bắt đầu thực hiện việc hạn chế sử dụng chai đựng nước uống 1 lần bằng nhựa, thay thế vào đó bằng những chai thủy tinh để đựng nước. Bên cạnh đó, một số cửa hàng ăn uống, siêu thị,… cũng bắt đầu chuyển sang dùng ly giấy, ống hút bằng chất liệu bột để thay thế ly nhựa, ống hút nhựa thường dùng.

“Tôi thường dự họp tại UBND tỉnh, Sở TN&MT và một số cơ quan khác, nhận thấy việc thay thế chai nhựa đựng nước bằng chai thủy tinh, ly sứ,… rất hợp lý. Không chỉ gây thích thú, tạo vẻ mỹ quan mà còn giúp tôi nhận thức rõ tác hại của việc sử dụng chai nhựa 1 lần, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Về công ty, chúng tôi cũng hạn chế việc sử dụng chai nhựa 1 lần và tuyên truyền đến người lao động nắm bắt, hiểu được ý nghĩa của việc này. Chúng tôi bắt đầu hạn chế sử dụng chai nhựa 1 lần tại một số cuộc họp của đơn vị” - đại diện Ban Quản lý Khu công nghiệp Hòa Bình (huyện Thủ Thừa) chia sẻ.

“Các tổ chức Đoàn trong tỉnh thường xuyên tuyên truyền, kêu gọi đoàn viên, thanh niên chung tay bảo vệ môi trường và phòng, chống rác thải nhựa. Một số huyện đoàn sáng tạo, lồng ghép nhiều hoạt động: Ra quân vệ sinh môi trường, phân loại rác tại nguồn, làm đường, biến điểm đen rác thải thành bích họa, tổ chức kêu gọi người dân tham gia chống rác thải nhựa, thay đổi thói quen sử dụng túi nylon, túi nhựa,… Trong đó, mô hình bàn họp không có chai nhựa bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực, thay đổi nhận thức và tạo dựng thói quen mới cho đoàn viên, thanh niên” - quyền Bí thư Tỉnh đoàn - Võ Trần Tuấn Thanh cho hay.

Từ nhiều tháng qua, các cuộc họp tại huyện Cần Giuộc vắng dần các chai nhựa đựng nước mà thay thế vào đó là các chai thủy tinh hoặc ly sứ để dùng, bước đầu đem lại những thay đổi tích cực trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn. Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần nhằm tránh gây ảnh hưởng đến môi trường. Tại các cuộc họp, huyện đã triển khai dùng chai thủy tinh hoặc ly sứ để đựng nước thay thế các chai nhựa, ly nhựa như trước. Bước đầu, nâng cao được nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong việc chống rác thải nhựa và tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. Thời gian tới, huyện tiếp tục duy trì, tăng cường tuyên truyền đến người dân để mọi người nắm bắt và thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần, túi nylon trong sinh hoạt hàng ngày.

Sử dụng chai thủy tinh trong cuộc họp thay cho chai nhựa

Sử dụng chai thủy tinh trong cuộc họp thay cho chai nhựa

Chung tay chống rác thải nhựa

Việc chung tay chống rác thải nhựa là trách nhiệm của mỗi người chúng ta. Bằng cách này hay cách khác, cộng đồng cần nhận thức rõ tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của việc chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.

Tại huyện Đức Hòa, chính quyền địa phương tổ chức nhiều chương trình, hành động cụ thể nhằm kêu gọi người dân nâng cao nhận thức và có cách nhìn đúng đắn về những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người do rác thải nhựa mang đến. Từ đó, huyện tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần, sử dụng túi vải hoặc chất liệu khác thay thế cho túi nylon trong sinh hoạt hàng ngày. 

Theo bà Trần Thị Hằng, ngụ thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa: “Địa phương tổ chức chương trình hết sức ý nghĩa, giúp người dân chúng tôi hiểu rõ những tác hại tiêu cực từ rác thải nhựa, túi nylon,…Từ đó, gia đình tôi hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần. Nếu như trước đây, tôi thường dùng chai nhựa đựng nước để trong tủ lạnh thì giờ đã chuyển sang dùng chai thủy tinh. Khi đi chợ, tôi cũng dùng túi vải để đựng đồ dùng thay cho túi nylon. Ngoài ra, tôi còn tham gia tuyên truyền, vận động các hộ xung quanh chung tay chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường”. 

Ra quân nhặt rác trên đường

Ra quân nhặt rác trên đường

Ông Nguyễn Tân Thuấn thông tin: Việc kêu gọi cộng đồng chung tay chống rác thải nhựa trên địa bàn được các cấp lãnh đạo tỉnh, địa phương quan tâm, chú trọng thực hiện. Một số hành động cụ thể như hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần; thay thế chai nhựa đựng nước bằng chai thủy tinh; thay thế các túi nylon, túi nhựa bằng túi vải; trồng cây xanh;… góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, nhất là chống rác thải nhựa. Thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu, đề xuất một số giải pháp, chương trình hành động cụ thể, hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường.

Để phong trào “Chống rác thải nhựa” thành công và thật sự lan tỏa trong cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các địa phương tập trung triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Một là, các cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực môi trường phải phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc đề xuất các giải pháp quản lý, xử lý chất thải và phế liệu, trong đó tập trung vào chất thải nhựa. Triển khai các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu chất thải nhựa đối với môi trường tự nhiên. Tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải. Tập trung các nguồn lực để giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải, rác thải đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân. Xử lý nghiêm khắc đối với các đơn vị có hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải và phế liệu, quản lý chất thải nguy hại. 

Hai là, tổ chức các hoạt động có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như: Chiến dịch “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”, chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh, mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước. Tổ chức các lớp học giáo dục môi trường, thực hiện các hoạt động thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi nylon tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư tập trung,... nhằm khuyến khích người tiêu dùng cắt giảm tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa và túi nylon cũng như từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng.

Ba là, từng bước xây dựng quy trình phân loại và thu gom phế thải nhựa có thể tái chế của người tiêu dùng và triển khai hình thức dán nhãn mác rõ ràng lên tất cả các vật liệu để xác định khả năng tái chế của sản phẩm. Khuyến khích người dân hướng đến sử dụng các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại và siêu thị cắt giảm sử dụng nhựa, giảm thiểu đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và nylon, tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường thay thế túi nylon, sử dụng các sản phẩm nhựa có khả năng tái chế, tái sử dụng. Khuyến khích các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội, trong đó có trách nhiệm bảo vệ môi trường./.

Lực Nguyễn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích