Tiếng Việt | English

18/08/2020 - 16:45

Chung tay gỡ 'thẻ vàng' cho thủy sản Việt Nam

Sau hơn 1 tuần, Đoàn công tác của Quân chủng Hải quân đã hoàn thành các nội dung nắm tình hình thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tại 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang. Qua nắm tình hình thực tế để Quân chủng Hải quân tham mưu cấp có thẩm quyền những giải pháp sát đúng góp phần tích cực trong việc gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản Việt Nam.

Trung tá Lê Thanh Sơn - Trưởng phòng Kinh tế Hải quân, tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân trên tàu cá tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Trung tá Lê Thanh Sơn - Trưởng phòng Kinh tế Hải quân, tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân trên tàu cá tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có gần 2.900 tàu đánh bắt xa bờ, xu hướng vươn khơi khai thác của ngư dân ngày càng rõ nét. Nhiều ngư dân đã mạnh dạn đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu vươn khơi đánh bắt đạt hiệu quả kinh tế cao. Một trong những yếu tố then chốt mà tỉnh quyết tâm thực hiện để ngăn chặn đánh bắt trái phép là việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đến nay, toàn tỉnh đã có 2.334/2.896 tàu cá có chiều dài trên 15m (đạt 82,5%) lắp đặt thiết bị giám sát hành trình khi khai thác ở vùng khơi, trong đó nổi bật là đội tàu có chiều dài trên 24m trở lên đã lắp đặt được 265/279 tàu (đạt hơn 95%). Quy trình kiểm soát tàu cá ra khơi rất chặt chẽ, qua 3 lớp kiểm tra, trong đó bước

đầu tiên nằm ở Chi cục Thủy sản, trước khi ra khơi, tàu cá phải có đầy đủ giấy tờ khai thác, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, thiết bị định vị,… Tiếp đến là các cảng cá sẽ rà soát thêm một lần nữa và cửa cuối cùng là các trạm, đồn biên phòng sẽ kiểm tra trước khi cho tàu vươn khơi.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu - Nguyễn Văn Xinh cho biết: “Để đạt những kết quả trên, tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và người đứng đầu có ý thức, trách nhiệm đối với công tác này. Trên cơ sở Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định do Thủ tướng Chính phủ ban hành, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhằm triển khai thực hiện các biện pháp kiểm soát tàu cá, hoạt động khai thác hải sản và giám sát trong công tác hỗ trợ ngư dân đánh bắt vùng biển xa bờ; mở nhiều lớp tập huấn, in ấn, phát tờ rơi tuyên truyền các văn bản hướng dẫn luật, quy định về khai thác thủy sản của Việt Nam và một số nước trong khu vực để ngư dân nắm rõ, tránh sai phạm khi hoạt động trên các vùng biển”.

Tỉnh Kiên Giang hiện có 9.849 tàu cá hoạt động đánh bắt ở các vùng biển. Tính đến ngày 30-6, toàn tỉnh lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 3.394/3.990 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên. Từ năm 2018 đến tháng 6-2020, tỉnh có 199 tàu cá và 1.859 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang - Quảng Trọng Thao cho biết: “UBND tỉnh đã tổ chức 32 lớp tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản, cấp phát 4.221 bộ tài liệu về ghi, nộp báo cáo khai thác, nhật ký khai thác và quy định các hành vi khai thác bất hợp pháp. Từ năm 2019 đến nay, lực lượng thanh tra chuyên ngành Thủy sản đã tổ chức thanh tra, kiểm tra các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản được 105 cuộc, xử lý 415 vụ, số tiền xử phạt trên 6,4 tỉ đồng và kiểm tra hơn 7.600 lượt tàu cá cập, rời cảng”.

Trung tá Lê Thanh Sơn - Trưởng phòng Kinh tế Hải quân, tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân trên tàu cá tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghiên cứu các nội dung trong tờ rơi sau khi nhận từ bộ đội Hải quân

Ngư dân Hồ Văn Quân - thuyền viên tàu cá BV-93388TS thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chia sẻ: “Thời gian qua, tàu cá của ngư dân luôn có lực lượng Hải quân Việt Nam đồng hành vươn khơi, bám biển và hỗ trợ pháp lý; kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi tàu cá và ngư dân gặp nạn. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh phối hợp chặt chẽ các đơn vị của Quân chủng Hải quân thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”, hỗ trợ ngư dân trong các hoạt động ứng phó thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn; có biện pháp bảo vệ, hỗ trợ ngư dân và tàu cá hoạt động khai thác hải sản tại các vùng biển xa bờ”.

Trung tá Lê Thanh Sơn - Trưởng phòng Kinh tế Hải quân, Trưởng đoàn công tác, cho biết: “Sau khi nắm tình hình thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg tại các địa phương sẽ là cơ sở để Quân chủng Hải quân tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ giúp đỡ, đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển; tham mưu, đề xuất các cấp có thẩm quyền thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển nền kinh tế biển bền vững gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển. Đây cũng là cách để Hải quân Việt Nam góp sức, chung tay cùng với chính quyền các cấp gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam”.

Quang Tiến

Chia sẻ bài viết