Tiếng Việt | English

27/09/2024 - 08:42

Chung tay hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo

Xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An nỗ lực thực hiện công tác giảm nghèo, nhất là giảm nghèo về thông tin, qua đó khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống cho hộ nghèo, cận nghèo.

Cung cấp những thông tin bổ ích

Muốn vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo bền vững, người dân phải có nghị lực lớn, quyết tâm cao và nắm những thông tin về giảm nghèo để có hướng đi đúng, phù hợp. Hiện nay, xã Long Thuận còn 20 hộ nghèo và 31 hộ cận nghèo, cao hơn so với mặt bằng chung của huyện.

Do vậy, xã xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2024 về thực hiện giảm nghèo bền vững là tuyên truyền, phổ biến đến người dân những thông tin thiết thực giúp họ có thêm ý chí, nghị lực và thay đổi hành vi, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình.

Trong đó, các nhóm đối tượng hưởng lợi từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo) được đặc biệt quan tâm, theo sát để hỗ trợ giảm nghèo về thông tin.

Địa phương quan tâm, thăm hỏi tình hình sản xuất của gia đình anh Nguyễn Khánh Duy (bìa phải, ấp 1, xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa)

Phó Chủ tịch UBND xã Long Thuận - Bùi Văn Khương cho biết: “UBMTTQ Việt Nam và các đoàn thể xã làm nòng cốt hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo theo đối tượng phụ trách. Trong đó, việc cung cấp thông tin và hướng dẫn tiếp cận các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, các lớp dạy nghề nông thôn,... được thực hiện kịp thời, nhanh chóng. Qua đó, các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp thêm động lực, có điều kiện trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán,... để vươn lên trong cuộc sống”.

Xã Long Thuận còn thực hiện mô hình Tổ tự quản giảm nghèo năm 2024 nhằm nắm thông tin và cập nhật những biến động tăng, giảm số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn; nắm những tiêu chí đạt thấp, nhu cầu đáp ứng tăng thu nhập, điều kiện nhà ở, sinh hoạt, rủi ro có thể xảy ra, điều kiện hỗ trợ để giảm nghèo, từ đó kịp thời giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tổ giúp đỡ 5 hộ nghèo, cận nghèo nuôi ếch và buôn bán nhỏ với tổng số tiền 10 triệu đồng. Qua mô hình này, dự kiến có 3 hộ thoát nghèo bền vững trong năm nay.

Ngoài ra, xã Long Thuận còn thực hiện mô hình Đa dạng hóa sinh kế với 6 thành viên là hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Mô hình hỗ trợ con giống, kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ, từ đó có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

Ngay từ đầu năm, Đảng ủy chỉ đạo Khối Vận triển khai đến UBMTTQ Việt Nam, đoàn thể, các chi bộ tập trung tuyên truyền giảm nghèo về thông tin, giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, nắm bắt từng hoàn cảnh của hộ nghèo, cận nghèo để có giải pháp giúp đỡ kịp thời, phù hợp. Với những hộ có hoàn cảnh đặc biệt như người già neo đơn, bệnh hiểm nghèo, có con trong độ tuổi đi học thì trợ cấp hàng tháng, nhận nuôi dưỡng,... giúp giảm gánh nặng cho hộ nghèo, cận nghèo. Trong năm 2024, xã quyết tâm hỗ trợ, giúp đỡ 5 hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Bí thư Đảng ủy xã Long Thuận - Ngô Thị Thu Trang

Nỗ lực vươn lên trong cuộc sống

Là hộ nghèo, lại là trụ cột chính của gia đình nên anh Nguyễn Khánh Duy (ấp 1, xã Long Thuận) luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Sau thời gian đi làm xa chưa thành công, anh Duy trở về nhà, tập trung trồng rau màu, chăn nuôi để lo cho bà ngoại, cha, mẹ và vợ, con. Được xã hỗ trợ 2 triệu đồng, anh Duy làm nhà lưới nhỏ để trồng rau sạch, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Anh Nguyễn Khánh Duy (ấp 1, xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa) chọn trồng rau sạch để phát triển kinh tế gia đình

Anh Duy chia sẻ: “Tôi chọn trồng rau sạch để phát triển kinh tế gia đình bởi nông sản làm ra, gia đình tôi sử dụng đầu tiên; đồng thời, tôi muốn góp phần thay đổi thói quen của người tiêu dùng là nên ưu tiên sử dụng sản phẩm sạch, có chất lượng tốt. Do trồng rau màu theo phương pháp chỉ sử dụng phân bón hữu cơ nên năng suất không cao, thêm vào đó mưa làm ứ đọng nước nên rau bị bệnh nấm. Hiện tôi xử lý hệ thống thoát nước cũng như tìm giải pháp hiệu quả để trị bệnh nấm cho rau màu”.

Sắp tới, gia đình anh Duy được hỗ trợ bò từ mô hình Đa dạng hóa sinh kế. Anh Duy dự định tập trung nguồn vốn để mua thêm bò về nuôi với số lượng nhiều, sử dụng phân bò nuôi trùn quế và lấy trùn quế để nuôi cá, gà,…

“Tôi đang nuôi cá, gà, vịt và tiếp tục phát triển thêm chăn nuôi khi được hỗ trợ con giống. Hy vọng rằng, với sự nỗ lực đó, gia đình tôi sẽ tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo trong năm nay” - anh Duy tâm sự.

Ngoài ra, mẹ của anh Duy - bà Nguyễn Thị Sanh buôn bán nhỏ từ số tiền còn lại (500.000 đồng) sau khi anh Duy làm nhà lưới. Bà mua rau, củ bán lại trong chợ phiên vào thứ hai hàng tuần trên địa bàn xã. Tích cóp từ từ, bà duy trì và phát triển nguồn vốn để tiếp tục buôn bán, giúp gia đình có thêm thu nhập.

Nhờ nỗ lực tuyên truyền giảm nghèo về thông tin và sự chăm lo kịp thời, các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Long Thuận có thêm ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo bền vững./.

An Nhiên

Chia sẻ bài viết