Tiếng Việt | English

14/12/2022 - 11:36

Chung tay nâng giá trị cho thanh long

Thanh long là loại trái cây giàu giá trị dinh dưỡng, từng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng gần đây, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, doanh nghiệp (DN), chính quyền và nông dân (ND) đang chung tay nâng cao giá trị trái thanh long.

Tâm huyết với thanh long

Đến nay, anh Trần Quốc Trọng có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc chế biến các sản phẩm thanh long. Công ty (Cty) TNHH MTV Sản xuất Rượu thanh long (xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) của anh hiện cung cấp ra thị trường 6 loại rượu vang và dầu hạt thanh long. Tất cả sản phẩm của Cty đều được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Anh Trọng rất tâm huyết với việc chế biến các sản phẩm từ trái thanh long, góp phần vào việc đa dạng hóa đầu ra và nâng cao giá trị trái thanh long quê nhà. Anh Trọng cho biết: “Sống ở “thủ phủ” thanh long, tôi luôn mong muốn có thể phát huy tối đa giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm mang thương hiệu thanh long Châu Thành để giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế”.

Anh Trần Quốc Trọng đang trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm son và nước hoa khô từ dầu hạt thanh long

Một trong những dự án tâm đắc của anh Trọng chính là dầu hạt thanh long. Hạt vốn là phế phẩm trong quá trình làm rượu thanh long nhưng nhờ đầu tư nghiên cứu, anh chiết xuất được dầu từ hạt thanh long, một sản phẩm giá trị cao trong lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm và mỹ phẩm. Thời gian gần đây, anh Trọng nghiên cứu sản xuất thành công son thanh long và nước hoa khô từ dầu hạt thanh long. Bước đầu thử nghiệm, sản phẩm nhận được sự đánh giá cao từ người dùng.

Những thỏi son đầu tiên đa dạng tông màu, dưỡng môi và “có thể ăn được” chính thức ra đời. Theo anh Trọng, để sản phẩm son môi, nước hoa khô được hoàn thiện và tung ra thị trường còn cần rất nhiều điều kiện. Tuy nhiên, anh sẽ nỗ lực khắc phục khó khăn, sớm giới thiệu đến khách hàng những sản phẩm mới từ thanh long.

Sản phẩm son thanh long đang được anh Trần Quốc Trọng nghiên cứu phát triển

Cũng xuất phát từ ý tưởng nâng cao chất lượng trái thanh long, chị Dương Thị Trúc Giang (Giám đốc Cty Cổ phần Thực phẩm HG) cùng chồng nghiên cứu cách sản xuất thanh long sấy giòn. Trước khi xuất bán được sản phẩm, chị Giang bỏ hàng tấn nguyên liệu do sai sót trong quá trình chế biến. Không bỏ cuộc, chị tiếp tục nghiên cứu, khắc phục các hạn chế trong quy trình sản xuất đến khi có được sản phẩm hoàn hảo cung cấp ra thị trường.

Một công đoạn sản xuất, đóng gói thanh long sấy HG (Ảnh NVCC)

Theo chị Giang, toàn bộ hệ thống máy móc, công nghệ trong nhà máy của Cty đều được đầu tư hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu, nguyên liệu đầu vào là thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Hiện tại, sản phẩm thanh long trắng sấy giòn và thanh long đỏ sấy giòn HG được công nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh và được thị trường miền Trung, miền Bắc đặc biệt ưa chuộng. Ngoài ra, thanh long sấy giòn HG còn xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Cty đang trong quá trình thử nghiệm bột thanh long nguyên chất phục vụ trong công nghệ thực phẩm, mỹ phẩm.

Sản phẩm thanh long sấy HG

Các sản phẩm được phát triển từ thanh long ngày càng được nhiều DN quan tâm, đầu tư sản xuất như bột thanh long hòa tan Chavi (Cty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt), thanh long sấy Long Châu (Cty TNHH Chế biến Xuất nhập khẩu Nông sản Long Châu),... Đó đều là những nỗ lực nhằm nâng cao giá trị trái thanh long trên địa bàn tỉnh.

Chung tay nâng giá trị

Để có những sản phẩm từ thanh long cung cấp ra thị trường, ngoài sự nỗ lực của các DN, còn có sự hỗ trợ từ nhiều phía. Chị Dương Thị Trúc Giang cho biết, đa số các khách hàng hiện tại của Cty chị đều có được thông qua các hội chợ thương mại do Sở Công Thương tổ chức. Thông qua việc tham gia hội chợ, chị kết nối được với khách hàng, khách hàng tiềm năng. Chị Giang chia sẻ: “Trong quá trình làm hồ sơ công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP, tôi nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tôi cũng nhận được sự động viên, giúp đỡ của các anh, chị đi trước. Đây là động lực lớn để tôi tiếp tục phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh”.

Sư hỗ trợ nhiệt tình từ phía chính quyền, các sở, ngành chính là động lực mạnh mẽ cho Cty của chị Giang, anh Trọng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác tiếp tục nghiên cứu, phát triển những sản phẩm từ thanh long, góp phần nâng cao chất lượng cho trái thanh long tỉnh nhà.

Nước hoa khô từ dầu hạt thanh long được anh Trần Quốc Trọng nghiên cứu phát triển

Anh Trần Quốc Trọng cho biết, các sản phẩm son môi, nước hoa khô từ dầu hạt thanh long đang nghiên cứu chính là một phần của Dự án Sản xuất thử nghiệm dầu hạt thanh long chất lượng cao của Cty, được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ một phần kinh phí. Khi sản phẩm dầu hạt thanh long chính thức ra mắt trên thị trường, Cty TNHH MTV Sản xuất Rượu thanh long của anh Trọng được tạo điều kiện tham gia các hội chợ thương mại, diễn đàn, các cuộc gặp gỡ với DN nước ngoài,... để tìm kiếm đối tác, đầu ra cho sản phẩm. Ngoài ra, Cty còn được hỗ trợ không gian trưng bày và làm việc với đối tác dành cho các DN khoa học và công nghệ. Đó chính là nền tảng vững chắc giúp anh Trọng có thể tìm thêm đối tác và mở rộng việc sản xuất, kinh doanh.

Không chỉ có nỗ lực từ phía chính quyền, cả ND cũng đang trong hành trình từng bước xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao cung cấp cho thị trường. Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây thanh long tại Châu Thành đang được đẩy mạnh hướng tới mục tiêu toàn huyện có 3.000ha thanh long được cấp giấy chứng nhận sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP và 300ha được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Anh Trần Quốc Trọng là người tiên phong trong sản xuất rượu thanh long tại địa phương. Ảnh: Huỳnh Hương

Bà Trần Thị Hường (ấp Long Thành, xã Long Trì) có khoảng 1.000 trụ thanh long. Bà đang duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trái từ vườn thanh long của bà được Hợp tác xã (HTX) thanh long Long Trì thu mua. Bà Hường cho biết: “Tôi là thành viên của HTX nên khi có đơn hàng về thanh long đạt chuẩn, tôi sẽ ưu tiên bán cho HTX. Khi HTX không có đơn hàng, tôi sẽ bán cho các đơn vị khác có nhu cầu về thanh long sạch. Trồng được trái thanh long sạch, tôi không quá lo lắng về đầu ra”.

Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đa số ND huyện Châu Thành đồng thuận sản xuất thanh long theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Huyện ủy, UBND huyện Châu Thành triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ ND vay vốn, kỹ thuật trồng và đăng ký mã số vùng trồng cho ND.

Câu chuyện về nâng cao giá trị, tìm kiếm đầu ra cho trái thanh long đang được thực hiện nhờ sự chung tay của cả 3 nhà: Nhà nông, Nhà nước và nhà DN./.

Diện tích thanh long trên toàn tỉnh đến cuối năm ước khoảng 8.330,36ha. Trong đó, diện tích cho trái khoảng 8.087,42ha, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành, TP.Tân An, huyện Tân Trụ, Bến Lức. Sản lượng thu hoạch năm 2022 ước đạt 220.623,40 tấn. Tình hình tiêu thụ trái thanh long sang thị trường Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn khi nước này tiếp tục thực hiện chính sách Zero Covid nên kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất, nhập khẩu. Giá bán thanh long giảm so cùng kỳ.

(Nguồn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết