Tiếng Việt | English

15/01/2020 - 20:10

Chung tay phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em

Xâm hại tình dục (XHTD) xảy ra ảnh hưởng rất lớn đến trẻ em. Vì vậy, sự chung tay của các cấp, các ngành và xã hội trong việc phòng, chống XHTD trẻ em là rất cần thiết.

Trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ và chăm sóc
Trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ và chăm sóc

Mọi trẻ em đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục 

Thời gian qua, tình trạng xâm hại trẻ em, nhất là XHTD là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội. Hậu quả của vấn đề này gây ảnh hưởng nghiêm trọng về thể xác và tinh thần đối với trẻ em. Theo số liệu thống kê, từ năm 2015-2019, toàn tỉnh Long An có 182 trẻ em bị xâm hại. Tình trạng xâm hại trẻ em xảy ra ở các huyện có nhiều khu, cụm công nghiệp và tiếp giáp TP.HCM như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Thủ Thừa và TP.Tân An,...

Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đức Hòa - Lê Thị Hồng Thắm cho hay: “Năm 2019, huyện xảy ra 6 vụ XHTD trẻ em. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến XHTD trẻ em, trong đó chủ yếu là cha mẹ, người chăm sóc trẻ thiếu nhận thức về nguy cơ, kỹ năng phòng ngừa XHTD trẻ em; hạn chế trong nhận thức của trẻ về các hình thức XHTD, sự tò mò khám phá về giới tính của trẻ; công tác truyền thông về XHTD trẻ em hạn chế, nhất là vấn đề giáo dục giới tính và giáo dục trẻ cách tự bảo vệ mình,...”.

Theo Luật Trẻ em số 102/2016/QH13, ngày 05/4/2016, XHTD trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức. 

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Thị Bạch Huệ cho biết: “Mọi trẻ em trong cộng đồng đều có nguy cơ bị XHTD. XHTD trẻ em gây hậu quả nặng nề về thể xác và tâm hồn. Sau khi bị xâm hại, nạn nhân thường không dám kể về những gì xảy ra với mình, còn các bậc phụ huynh khi phát hiện chưa mạnh dạn tố giác vì sợ ảnh hưởng đến uy tín của gia đình. Hầu hết những người XHTD là người quen của gia đình, lợi dụng sự tin tưởng, dụ dỗ, đe dọa để thực hiện hành vi XHTD đối với trẻ”.

Trách nhiệm không của riêng ai 

Tình trạng XHTD trẻ em là vấn đề đáng quan tâm. Phòng, chống XHTD trẻ em không là trách nhiệm của riêng ai. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Phan Thị Dạ Thảo cho biết: “Năm học 2019-2020, ngành có 592 trường học từ mầm non đến THPT với hơn 324.000 học sinh. Ngay từ đầu năm học, ngành xác định công tác xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Theo đó, ngành không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em; nhân rộng mô hình Trường học xanh, sạch, an toàn, Giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện những quy định về đạo đức nhà giáo và phòng, chống bạo lực học đường tại nhiều địa phương trong tỉnh; phối hợp các đơn vị liên quan rèn luyện kỹ năng sống, góp phần giúp học sinh biết cách tự bảo vệ khi có nguy cơ bị xâm hại,...”.

Trước đây, TP.Tân An là địa phương có số vụ trẻ em bị xâm hại nhiều. Trước thực trạng này, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND TP.Tân An chỉ đạo các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến XHTD trẻ em, trong đó chú ý đến các cụm dân cư; nhân rộng và duy trì Câu lạc bộ Quyền trẻ em, mô hình Ngôi nhà an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích; trợ giúp trẻ em bị XHTD,...

Bà Nguyễn Thị Bạch Huệ cho biết thêm: “Thời gian tới, ngành lao động - thương binh và xã hội tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả mô hình Kết nối chuyển gửi, tìm gia đình chăm sóc thay thế cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và Cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục trợ giúp pháp lý và các dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc cơ nguy cơ bị bạo lực bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý, cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em cho cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em; tăng cường thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về hình sự, hôn nhân - gia đình, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; hỗ trợ vật chất và tinh thần cho những gia đình có trẻ em bị xâm hại thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo”./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết