Tiếng Việt | English

25/02/2021 - 14:38

Chung tay vì môi trường xanh

Ngày nay, bảo vệ môi trường (BVMT) trở thành vấn đề được nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm, cùng góp sức, chung tay hạn chế rác thải vì môi trường sống xanh, sạch.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Thanh Phú Long ra mắt mô hình Xách giỏ đi chợ và Chi hội 5 không - 3 sạch, góp phần bảo vệ môi trường (Ảnh: Hội cung cấp)

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã Thanh Phú Long ra mắt mô hình Xách giỏ đi chợ và Chi hội 5 không - 3 sạch, góp phần bảo vệ môi trường (Ảnh: Hội cung cấp)

1. Chúng tôi về xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An để được nghe về câu chuyện chị em phụ nữ (PN) trong xã nhắc nhau xách giỏ đi chợ. Từ năm 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) xã Thanh Phú Long đã triển khai mô hình Xách giỏ đi chợ, tặng giỏ xách cho hội viên kết hợp tuyên truyền, vận động chị em hạn chế sử dụng túi nylon khi đi chợ. Giỏ được tặng từ nguồn kinh phí xã hội hóa và được các hội viên hưởng ứng rất nhiệt tình.

Chủ tịch Hội LHPNVN xã Thanh Phú Long - Nguyễn Thị Mỹ Trang cho biết, đến nay, Hội triển khai mô hình tại 2 ấp Bàu Dài và Phú Tây A với gần 70 PN được tặng giỏ. Sắp tới, mô hình tiếp tục được nhân rộng.

Chị Trang kể: “Được nhận giỏ, nhiều chị em rất hào hứng, chia sẻ với những người khác khiến mô hình có sức lan tỏa khá tốt. Thấy hiệu quả của hoạt động hội, một số chị em tự nguyện xin tham gia tổ chức Hội”. Mô hình Xách giỏ đi chợ được Hội LHPNVN tỉnh phát động nhằm giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa và được các cấp Hội hưởng ứng, triển khai có hiệu quả. Thông qua mô hình Xách giỏ đi chợ, các hội viên - PN đang nhắc nhau thay đổi thói quen từ những điều nhỏ nhất.

Chị Hồ Thị Tuyết Anh nhận thu pin cũ để mang đến cơ sở xử lý  tại TP.HCM

Chị Hồ Thị Tuyết Anh nhận thu pin cũ để mang đến cơ sở xử lý  tại TP.HCM

2. Ý thức BVMT đã được hình thành trong một bộ phận không nhỏ người dân. Mỗi người, với việc làm nhỏ của mình sẽ góp phần vào công cuộc BVMT chung của toàn xã hội. Tại TP.Tân An, chị Hồ Thị Tuyết Anh cũng tham gia hoạt động BVMT bằng cách nhận thu pin cũ đã qua sử dụng. Khi số lượng pin nhiều, chị tập hợp lại, mang đến cơ sở thu pin xử lý tại TP.HCM.

Chị chia sẻ: “Gia đình tôi có kinh doanh nên thường xuyên đi TP.HCM lấy hàng. Trên ấy có nhiều địa điểm thu pin cũ để tái chế. Tiện đường tôi có thể mang pin đi gửi vào các điểm thu pin đó. Theo tôi biết, chất độc có trong một viên pin có thể gây ô nhiễm đất, nước đến mấy mươi năm”. Tại cửa hàng của mình, chị ưu tiên sử dụng túi nylon tự hủy cho khách hàng mặc dù chi phí cao hơn nhưng chị nghĩ đó là việc nên làm và có thể làm trong khả năng của mình.

Mỗi người tùy vào điều kiện cụ thể của mình có những cách thức khác nhau nhưng đều là những việc làm có ích cho môi trường. Chúng tôi đến nhà ông Đào Hồng Phước (xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) là một căn nhà nhỏ với đầy ắp những vật dụng tái chế xinh xắn và hữu ích. Những chậu hoa được làm bằng vải nhúng xi măng, những chiếc đèn treo tái chế từ ống nhựa cũ, gáo dừa và nhiều mô hình khác đều là sản phẩm tái chế,... có tính thẩm mỹ và ứng dụng cao.

Với ông Đào Hồng Phước, niềm vui là khi biến những vật tưởng chừng bỏ đi thành vật dụng hữu ích, có thể sử dụng lâu dài

Với ông Đào Hồng Phước, niềm vui là khi biến những vật tưởng chừng bỏ đi thành vật dụng hữu ích, có thể sử dụng lâu dài

Với ông Đào Hồng Phước, niềm vui là khi biến những vật tưởng chừng bỏ đi thành vật dụng hữu ích, có thể sử dụng lâu dài

Với ông Đào Hồng Phước, niềm vui là khi biến những vật tưởng chừng bỏ đi thành vật dụng hữu ích, có thể sử dụng lâu dài

Ông Phước cho biết, từ khi nghỉ hưu, ông có nhiều thời gian nên tìm hiểu các clip tái chế trên Youtube, sau đó làm theo. Càng làm càng cảm thấy say mê. Từ chiếc vỏ dừa bỏ đi đến ống nước nhựa cũ, muỗng nhựa, ly, chén, dĩa nhựa đã qua sử dụng, qua bàn tay ông Phước đều biến thành những sản phẩm hữu dụng, đẹp mắt dùng trong nhà, tặng bè bạn và bán cho người có nhu cầu. Ông chia sẻ: “Tôi thấy làm những sản phẩm này vừa vui, vừa tái chế được những thứ bỏ đi. Giờ đi đâu thấy chai lọ hay vật gì có thể tái chế được, tôi đều nhặt hoặc xin mang về. Nhiều người nói tôi lạ lùng nhưng thấy sản phẩm tôi làm ra đều thích thú”.

Với ông Phước, đó là niềm vui khi biến những vật tưởng chừng bỏ đi thành vật dụng hữu ích, có thể sử dụng lâu dài. Nâng niu một chiếc đèn từ ống nước cũ, ông Phước cho biết: “Cái này nhìn vầy chứ cũng còn nhiều lỗi do tôi không có đủ dụng cụ. Nhiều khi xem clip hướng dẫn nhưng tùy thực tế mà tôi sáng tạo ứng dụng cho phù hợp với điều kiện của mình”. Cứ thế, mỗi ngày, ông lại tỉ mẩn thu nhặt “ve chai” và tạo ra những sản phẩm hữu dụng khác nhau, phần để nhà dùng, phần tặng bè bạn và bán cho những khách hàng có cùng sở thích, quan tâm đến môi trường. Những chiếc bình hoa treo tường nho nhỏ, những chậu hoa từ vải nhúng xi măng của ông đã theo bạn bè, khách hàng có mặt ở TP.Tân An, làm đẹp cho khuôn viên nhà và cửa tiệm nơi ông trao đến.

Câu chuyện về môi trường không còn mới mẻ nhưng để tạo thành ý thức, thói quen trong toàn xã hội thì cần có thời gian. Sự chung tay của tất cả mọi người, từ tổ chức đoàn thể, chính quyền đến mỗi người dân là điều cần thiết để ý thức BVMT sẽ dần trở thành nếp sống của mỗi người dân./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết