Người dân được tạo điều kiện tiếp cận nhiều kiến thức mới giúp duy trì việc học
"Chìa khóa" để "mở ra cánh cửa" thành công
Trong Lễ phát động phong trào Cả nước thi đua xây dựng XHHT, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta phải chung sức, đồng lòng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt để tạo ra động lực, truyền cảm hứng cho người người học tập, nhà nhà học tập, cộng đồng học tập, xã hội học tập và cả nước học tập. Học tập phải được thực hiện mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh lực. Học tập để không ngừng hoàn thiện mình về đức, trí, thể, mỹ; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng; góp phần nâng cao đời sống người dân. Học tập để sánh vai với cường quốc 5 châu; xây dựng đất nước, dân tộc không thua kém một đất nước, dân tộc nào trên thế giới”.
Theo đó, việc học tập là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội; “học để chung sống, học để biết, học để làm và học để tồn tại”;...
Qua phong trào Cả nước thi đua xây dựng XHHT, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030, tỉnh Long An nỗ lực đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, xây dựng XHHT. Đặc biệt, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người học tập suốt đời, chung tay xây dựng XHHT.
Hoạt động khuyến học của huyện Bến Lức, tỉnh Long An được diễn ra thường xuyên, thiết thực. Hội Khuyến học huyện tập trung triển khai mô hình Công dân học tập; phối hợp tổ chức lớp tập huấn thực hiện phần mềm về đánh giá công nhận danh hiệu Công dân học tập; thực hiện kế hoạch “xây dựng XHHT” năm 2024; duy trì, phát triển xây dựng 4 mô hình học tập: Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập, Đơn vị học tập.
Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Bến Lức - Đặng Thị Bích Loan cho biết: “Toàn huyện có 39.162 hộ gia đình đăng ký danh hiệu Gia đình học tập, đạt 94%; 21 dòng họ đăng ký danh hiệu Dòng họ học tập, đạt 100%; 106 ấp, khu phố đăng ký danh hiệu Cộng đồng học tập, đạt 100%; 176 cơ quan, đơn vị, trường học đăng ký danh hiệu Đơn vị học tập, đạt 100% cơ quan, đơn vị thuộc xã quản lý; 15 xã, thị trấn đạt danh hiệu Cộng đồng học tập cấp xã, đạt 100%. Ngoài ra, huyện có 1.235 người đạt danh hiệu Công dân học tập. Qua đây, cho thấy tinh thần tích cực trong học tập suốt đời của cán bộ, đảng viên, người dân trên địa bàn huyện”.
Học sinh tại huyện Đức Hòa được nhận học bổng, giúp các em vững bước đến trường, hiểu ý nghĩa của việc học để duy trì học tập suốt đời
Ngoài xây dựng các mô hình học tập, Hội Khuyến học huyện Đức Hòa còn đẩy mạnh hoạt động khuyến học qua trao tặng học bổng, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên vững bước đến trường, hiểu ý nghĩa của việc học để duy trì học tập suốt đời.
Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Đức Hòa - Trương Thị Kim Tiến chia sẻ: “đến tháng 9/2024, Hội Khuyến học huyện có 35.542 con heo đất khuyến học với số tiền hơn 17,7 tỉ đồng; vận động các nguồn lực hơn 115 tỉ đồng; trao 3.434 suất học bổng với số tiền hơn 3,3 tỉ đồng; tặng hơn 3.000 phần quà với số tiền hơn 5,8 tỉ đồng;... Qua đó, góp phần tiếp thêm động lực cho học sinh, sinh viên vững bước đến trường, cập nhật kiến thức mới, để “mở ra cánh cửa” thành công”.
"Ngoài nâng cao kiến thức chuyên môn, tôi còn học thêm cao đẳng ngành Dược để nâng cao sự hiểu biết, bổ trợ cho công việc hiện tại. Trong đời sống, tôi cũng không ngừng học tập, cập nhật kiến thức mới để thích nghi với những thay đổi của thời đại 4.0”.
Chị Nguyễn Thị Phương Thảo (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An)
"Tôi có sở thích cắm hoa nên tham gia khóa học về cắm hoa tại TP.HCM để thỏa đam mê và mở tiệm hoa. Sau khi mở tiệm hoa, tôi tiếp tục học kỹ thuật cắm hoa trên Internet để nâng cao tay nghề và cập nhật xu hướng mới, phục vụ việc kinh doanh của mình”.
Chị Phạm Thị Ngọc Anh (thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa)
|
Lan tỏa tinh thần học tập suốt đời
Thi đua đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị là nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng XHHT và đẩy mạnh học tập suốt đời. Đặc biệt, mỗi công dân có ý thức về học tập thường xuyên, học tập suốt đời góp phần xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập.
Một tấm gương học tập tiêu biểu là bà Nguyễn Thị Hồng Lựu (SN 1948, ngụ ấp Ngãi Lợi A, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An). Từng là giáo viên tiểu học, sau khi nghỉ hưu, bà Lựu tiếp tục học ngành Dược ở tuổi 55. Trong 20 năm (từ năm 2003-2023), bà Lựu học từ sơ cấp Dược đến tốt nghiệp đại học loại giỏi ngành Dược của Trường Đại học Nam Cần Thơ ở tuổi 75.
Bà Nguyễn Thị Hồng Lựu (ấp Ngãi Lợi A, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) tự học, nghiên cứu vào thời gian rảnh để nâng cao kiến thức
Bà Lựu chia sẻ: “Khi còn là giáo viên, tôi ham học hỏi để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Chồng tôi theo ngành Y và có ước mơ mở đại lý thuốc Tây. Tuy nhiên, do bệnh nặng, chồng tôi qua đời, ước mơ mở nhà thuốc còn dang dở. 15 năm sau, tôi nghỉ hưu nên quyết định “viết tiếp” ước mơ của chồng. Ở tuổi 55, tôi quyết định đi học sơ cấp Dược ở tỉnh Tiền Giang. Sau khi có bằng cấp, tôi mở được đại lý thuốc Tây. Tôi rất vui và hạnh phúc vì đã thực hiện được tâm nguyện của chồng”.
Dấn thân vào ngành Dược, bà Lựu càng yêu thích và có trách nhiệm với nghề. Không dừng ở kiến thức đã có, bà tiếp tục học lên trung cấp ngành Dược, cao đẳng ngành Dược và đại học ngành Dược. Trong đó, bà học đại học tại Trường Đại học Nam Cần Thơ vào cuối tuần. Khó khăn, vất vả trên con đường chinh phục tri thức vì tuổi tác, khoảng cách địa lý nhưng bà không nản lòng mà luôn cố gắng học tập để mở rộng kiến thức chuyên môn.
Bà Lựu kể: “Quá trình đi học của tôi có nhiều kỷ niệm đẹp. Tôi được thầy cô, các bạn cùng lớp quan tâm, giúp đỡ rất nhiều. Ấn tượng nhất là năm 2008, tôi thi đầu vào trung cấp Dược. Lịch thi thay đổi đúng ngày đám hỏi của con gái tôi, nếu bỏ lỡ đợt thi này phải đợi thêm 1 năm nữa. Vậy là tôi cố gắng sắp xếp thời gian, hoàn thành bài làm sớm để kịp về nhà tổ chức đám hỏi cho con. May mắn “mỉm cười” khi 2 việc điều ổn thỏa, tôi cũng đậu vào trung cấp Dược năm đó”.
Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2023, đến nay, bà Lựu vẫn duy trì việc học thông qua cập nhật kiến thức mới trên Internet, sách, tài liệu và học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp. Với tinh thần học tập đó, bà Lựu góp phần lan tỏa cho các con, cháu trong gia đình và mọi người xung quanh.
Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, xây dựng XHHT là chiến lược quan trọng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống hiện đại. Và học tập chưa bao giờ là quá muộn, cũng không bao giờ là đủ. Xây dựng XHHT giúp thúc đẩy sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân và cộng đồng./.
An Nhiên