Tiếng Việt | English

10/07/2018 - 17:21

Chuyển đổi nông nghiệp bền vững

Qua thời gian triển khai thực hiện Dự án "Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam" góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Long An.

Mô hình điểm trình diễn "3 giảm 3 tăng", ấp Gò Cát, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng

Dự án "Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam" tỉnh Long An (gọi tắt là Dự án VnSAT tỉnh Long An) được triển khai thực hiện tại 23 xã của 5 huyện vùng Đồng Tháp Mười: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường, với tổng diện tích 49.593ha, có 25.140 hộ nông dân tham gia.

Dự án được thực hiện từ năm 2015-2020. Tổng nguồn vốn 289,304 tỉ đồng, trong đó vốn vay từ nguồn ưu đãi (IDA) của Ngân hàng Thế giới là 179,439 tỉ đồng, vốn đối ứng 46,762 tỉ đồng và vốn tư nhân là 63,102 tỉ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm tăng thu nhập cho nông dân sản xuất lúa gạo; tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo; giảm tác động tiêu cực tới môi trường đối với sản xuất lúa, góp phần triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao chuỗi giá trị cho ngành hàng lúa gạo.

Đến nay, các hoạt động của dự án đạt nhiều kết quả: Đào tạo, tập huấn cho nông dân trong và ngoài dự án về quy trình canh tác lúa bền vững (3 giảm, 3 tăng; 1 phải 5 giảm); xây dựng nhiều mô hình trình diễn để nông dân tham quan, thực hành các thao tác hướng dẫn của quy trình theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

Với phương pháp tập huấn cho học viên “vừa học, vừa hành”, nông dân được thuyết phục hơn trong việc sử dụng giống xác nhận, sạ thưa, bón phân cân đối, quản lý dịch hại tổng hợp,... đem lại hiệu quả kinh tế cao so với nông dân canh tác truyền thống. Sau khi dự tập huấn, có 1.598 hộ, với diện tích 4.922ha áp dụng quy trình sản xuất 3 giảm, 3 tăng (chiếm 28,1%).

Bên cạnh các hoạt động đào tạo, dự án còn triển khai các hoạt động hỗ trợ thành lập và nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức nông dân. Tính đến nay, nguồn vốn đã giải ngân cho dự án là 15.437 tỉ đồng, trong đó 11,441 tỉ đồng từ nguồn vốn IDA, 3,917 tỉ đồng nguồn vốn đối ứng của tỉnh, 0,079 tỉ đồng nguồn vốn tư nhân.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Ban Quản lý VnSAT tỉnh - Nguyễn Chí Thiện nhận định: "Từ khi triển khai, Ban Chỉ đạo dự án VnSAT tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện theo lộ trình dự án. Để phát huy hiệu quả cần phối hợp tốt với các đề án khác của tỉnh như đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kế hoạch xây dựng và hỗ trợ hợp tác xã điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,…".

Bên cạnh hiệu quả bước đầu, dự án còn một số khó khăn, hạn chế như nông dân tham dự tập huấn chưa đầy đủ, lượng giống sử dụng còn cao, vốn đối ứng hạ tầng khó khăn, năng lực hoạt động các hợp tác xã còn hạn chế,... Để dự án mang lại hiệu quả, trong thời gian tới, nông dân cần phát huy tính chủ động, vai trò chủ thể của mình trong việc thực hiện dự án. Ngành nông nghiệp các huyện, thị xã nằm trong vùng dự án cần nghiên cứu kỹ dự án và phối hợp chặt chẽ cùng các xã, các ngành liên quan để tiếp tục triển khai dự án, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, tăng thu nhập cho nông dân./.

Ban QLDA VnSAT Long An

Chia sẻ bài viết