Tiếng Việt | English

29/03/2023 - 11:32

Chuyển đổi số - 'Chìa khóa' phát triển kinh tế - xã hội

Xác định chuyển đổi số (CĐS) là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển, thay đổi phương thức quản lý của hệ thống chính trị, mô hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và đời sống của người dân, thời gian qua, tỉnh Long An tập trung chỉ đạo, ban hành các chương trình, kế hoạch bám theo định hướng của Trung ương, triển khai, thực hiện công tác CĐS đạt nhiều kết quả tích cực.

Đồng bộ nhiều giải pháp chuyển đổi số

Thông tin từ Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, hiện tỉnh đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC), Kho cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh, Cổng dữ liệu mở của tỉnh, nền tảng “Long An IOC”. Bên cạnh đó, ứng dụng di động Long An Số cũng được triển khai rộng rãi. Đây là kênh tương tác hai chiều trên thiết bị di động giữa người dân, DN với chính quyền nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền số và phát triển xã hội số của tỉnh. Toàn tỉnh có trên 19.300 người dùng quan tâm cài đặt app Long An Số. Hệ thống 1022 giúp người dân có thể gửi các kiến nghị đến cơ quan nhà nước qua trang web 1022.longan.gov.vn và tổng đài 1022. Đây là công cụ quan trọng giúp các cơ quan chính quyền kịp thời lắng nghe, giải quyết phản ánh của người dân, DN, góp phần phát triển trụ cột xã hội số.

Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) và Kho cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh đã đi vào hoạt động phục vụ chính quyền và người dân

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Bá Luân cho biết, công tác triển khai thí điểm CĐS toàn diện cho 3 đơn vị cấp xã: Xã Dương Xuân Hội (huyện Châu Thành); thị trấn Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc); phường 4 (TP.Tân An) bước đầu đạt kết quả tốt. Các địa phương tổ chức nhiều đợt tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức CĐS cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, tạo sự lan tỏa trong người dân. Nhiều mô hình thúc đẩy người dân tham gia CĐS được triển khai như Ngày thứ tư không hẹn, Thanh niên với CĐS, Đội hình IT xanh,… Thời gian tới, tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình CĐS cấp xã trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, chính sách để khuyến khích và thu hút người dân, DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) như giảm 50% lệ phí thực hiện DVCTT; chỉ đạo quyết liệt các cơ quan, địa phương lấy tuần lễ đầu tiên hàng tháng làm cao điểm triển khai các hoạt động ra quân tuyên truyền, hướng dẫn người dân nộp hồ sơ (HS) trực tuyến. Tỉnh triển khai mỗi ấp, khu phố thành lập 1 tổ công nghệ số cộng đồng, đến nay, có 996 tổ với 5.324 thành viên.

Đoàn viên, thanh niên thị trấn Cần Giuộc hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng Long An Số

Phó Bí thư Đoàn thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc - Tô Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ, mỗi ngày, Đội hình IT xanh tiếp đón từ 30-50 lượt người dân đến nộp HS. Từ khi khởi động đến nay, Đoàn thị trấn hỗ trợ hướng dẫn cho trên 12.000 HS trực tuyến, góp phần giảm áp lực cho bộ phận “một cửa” trong việc hướng dẫn người dân nộp HS giấy theo cách truyền thống.

Bí thư Đoàn khối Cơ quan và DN tỉnh - Võ Thúy An cho biết, hiện nay, Đoàn khối giao Đoàn cơ sở Văn phòng UBND tỉnh thành lập Đội IT xanh trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ người dân nộp HS trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Từ đầu năm 2023 đến nay, HS nộp trực tuyến tại Trung tâm trên 90%, vượt mức năm 2022 là khoảng 70%, vượt xa chỉ tiêu do UBND tỉnh giao.

Thông qua những mô hình, hoạt động cụ thể, tỷ lệ HS thủ tục hành chính nộp trực tuyến tăng cao so với năm trước, vượt chỉ tiêu đề ra. Đến đầu năm 2023, Cổng DVCTT của tỉnh cung cấp 1.690 DVCTT mức độ 3, 4, bảo đảm 100% dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4; có 600/677 DVCTT mức độ 3, 4 phát sinh HS trực tuyến (đạt 88,63%); có 527.403/894.714 HS nộp trực tuyến (đạt 58,95%).

Tuổi trẻ TP.Tân An ra mắt công trình thanh niên Số hóa di tích lịch sử Nhà Tổng Thận

Chuyển đổi số đi sâu trong các lĩnh vực

Về kinh tế số, đến nay, toàn tỉnh có 56.882 tổ chức, cá nhân bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử (https://postmart.vn, https://voso.vn), với 8.025 sản phẩm được đăng ký bán trên sàn. Ngoài ra, có 180 gian hàng với 478 sản phẩm được trưng bày trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh (tradelongan.com).

Ngành Nông nghiệp cũng duy trì triển khai ứng dụng công nghệ số (blockchain, mã QR) trong truy xuất nguồn gốc nông sản, đến nay, đã hỗ trợ 1.761.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc bằng mã QR đối với 14 cơ sở đã được xác nhận chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn; hỗ trợ 300.000 tem truy xuất nguồn gốc cho 43 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Ngành Công Thương phối hợp các DN công nghệ số (Viettel, VNPT,…) triển khai thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh. Hiện có 1 trung tâm thương mại, 7 siêu thị, 241 cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt (bằng thẻ tín dụng, thẻ ATM) và có 8 chợ triển khai dịch vụ thanh toán Mobile Money.

Thời gian qua, VNPT Long An tổ chức giới thiệu, cài đặt ứng dụng VNPT Money, hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ phường 2, TP.Tân An và chợ Cần Đước, mang hiệu ứng tích cực đến người dân trên địa bàn. Ngoài ra, VNPT Long An cũng triển khai đến các chợ, khu công nghiệp, khu dân cư, trước cổng trường học, trong khu thanh toán viện phí của bệnh viện, trung tâm y tế và các điểm thanh toán cá nhân là các cửa hàng cố định như quán cà phê, cửa hàng quần áo,...

VNPT Long An ra quân tuyên truyền người dân không dùng tiền mặt

Tập trung thúc đẩy chuyển đổi số

Với thông điệp năm 2023 là “Năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu sở, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thúc đẩy CĐS và triển khai Đề án Phát triển ứng dụng về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh (Đề án 06) với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, hiệu quả.

Tỉnh tiếp tục tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về CĐS, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng; phát triển đô thị thông minh, phát triển DN công nghệ số; giới thiệu cụ thể các nền tảng số, hệ thống ứng dụng, DVCTT phục vụ người dân và DN. Đồng thời, tỉnh tập trung triển khai cài đặt, sử dụng ứng dụng Long An Số.

Phát biểu tại Hội nghị đánh giá tình hình triển khai CĐS năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa đề nghị, năm 2023, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nêu cao nhận thức, sự quyết liệt, tập trung của người đứng đầu. Ngoài ra, quan tâm đầu tư trang thiết bị; đào tạo, tuyển dụng, phát triển nguồn nhân lực CĐS, đặc biệt là tập trung đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ; đầu tư trang bị hệ thống thiết bị tường lửa bảo vệ hệ thống mạng;...

Với những định hướng đúng đắn cùng quyết tâm cao của cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị, thời gian tới, tỉnh sẽ có thêm nhiều thành công trong thực hiện nhiệm vụ CĐS, góp phần phát triển KT-XH./.

Năm 2023, Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, nhất là trong hoạt động Đoàn. Ban Thường vụ Đoàn khối tập trung vào 2 nhiệm vụ: Triển khai hệ thống đánh giá chất lượng cơ sở Đoàn trực tuyến (chấm điểm trực tuyến) và thành lập Đội hình Nâng cao năng lực số hỗ trợ công tác chuyển đổi số trong toàn tỉnh, nhất là hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến”.

Bí thư Đoàn khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh - Võ Thúy An

Thời gian tới, VNPT Long An tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan tích hợp các chỉ số điều hành của tất cả lĩnh vực vào Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) và triển khai đến các huyện; tích hợp, bổ sung các dịch vụ đô thị thông minh trên ứng dụng Long An Số để ngày càng mang lại nhiều tiện ích số cho người dân”.

Phó Bí thư Đoàn cơ sở VNPT Long An - Võ Trường Sang

Đoàn thị trấn Cần Giuộc cùng chính quyền địa phương ra mắt công trình Wi-fi xanh. Công trình triển khai, thực hiện tại công viên Nguyễn Thị Bảy, công viên Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc, giúp người dân khi đến vui chơi tại đây có thể sử dụng wi-fi miễn phí thông qua việc quét mã QR”.

Phó Bí thư Đoàn thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc - Tô Nguyễn Hoàng Anh

Trà Long

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích