Ở xã vùng sâu, heo hút vùng biên giới này, ngôi trường cấp 2 mà Thảo đang học nếu không phải là công trình hoành tráng nhất thì không còn cái khác. Dãy nhà 2 tầng, sơn màu vàng rực, với hàng chục phòng học còn mới, xây dựng trên nền đất được tôn cao để tránh lũ.
Cũng tại ngôi trường này, ngoài Thảo còn có hàng trăm đứa trẻ đang miệt mài tìm chữ, kiến thức để mong mai này có một tương lai tươi sáng hơn.
Thảo là một học trò đặc biệt. Năm nay, Thảo học lớp 8, học giỏi nhưng hoàn cảnh gia đình lại rất khó khăn. Nhà em ở trong đồng sâu, bao quanh toàn rừng tràm với nước. Năm trước, tưởng em phải bỏ học giữa chừng để phụ giúp gia đình nhưng nhờ có cô giáo Lan giúp đỡ, vận động cha mẹ, em tiếp tục được đến trường.
Trong ngôi trường ấy, không riêng gì với Thảo, cô giáo Lan còn là người mẹ hiền của hàng trăm học sinh khác. Ở xứ đồng bưng này, ai cũng biết đến cô không phải vì cô lớn tuổi, người địa phương mà vì cô đã dạy ở ngôi trường này mấy chục năm. Bao thế hệ học trò, cũng từ sự dạy dỗ, chỉ bảo của cô đã thành đạt làm kỹ sư, nhà giáo. "Nếu không được vậy thì chí ít cũng có kiến thức để đi học nghề" - cô Lan vẫn thường nói thế.
Thâm niên cũng chỉ là một yếu tố, điều mà mọi người luôn nhớ đến chính là những việc mà cô đã giúp học trò xứ này. Bây giờ, đường sá đi học dễ dàng, cầu bắc qua kênh cũng kiên cố hóa bằng bêtông, còn cách đây khoảng 15 năm thì chủ yếu đi bằng xuồng, ghe. Cũng vào thời gian khó khăn đó, tình trạng học sinh bỏ học tăng cao, nhất là sau mỗi dịp nghỉ hè.
Khi thấy trò có dấu hiệu nghỉ học, cô Lan không quản ngại gian khó, đi xuồng đến từng nhà gặp gỡ phụ huynh tìm hiểu, vận động cho các em trở lại lớp. Nhờ cách thương thuyết dễ đi vào lòng người mà nhiều phụ huynh nghe xong lại cảm ơn cô. Thế là, nhiều em không phải nghỉ học giữa chừng.
Có trò vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, cô đã phải bỏ tiền túi để trả tiền đò cho các em đến lớp. Cô còn vận động mạnh thường quân tặng quần áo, vở, học bổng cho các em. Trong đó, trò Thảo là một trường hợp được cô giúp đỡ như thế.
"Không để trò lạc giữa đồng bưng" là câu nói cô luôn nhắn nhủ các đồng nghiệp trẻ sau này. Đó cũng là phương châm cô cống hiến cho nghề giáo. Không những gần gũi, hiểu trò, hoàn cảnh gia đình mà cô còn dạy rất giỏi, phương pháp giáo dục cũng rất hay. Dù đã lớn tuổi nhưng cô vẫn cố gắng tìm hiểu kiến thức và những phương pháp giảng dạy sao cho dễ hiểu nhất.
Thời gian gần đây, trong phòng thực hành, hoặc có lúc giữa sân trường, cô Lan và trò lại ngồi cùng nhau nghiên cứu, sáng kiến máy móc để sắp tới đưa đi thi ở huyện. Cô giáo Lan đóng vai trò nhạc trưởng, còn bọn trẻ là người đưa ra những sáng kiến, ý tưởng. Nhìn thấy vậy, nhiều người không nghĩ rằng, cô là giáo viên dạy môn Địa lý.
Trò nào cũng thế, cho dù là những em tinh nghịch nhưng vẫn rất "sợ" cô, thích được nghe cô giảng. Hơn 25 năm bám lớp, cô luôn gần gũi và dễ mến như thế với trò. Trong vòng tròn những đứa học sinh đang vây quanh cô giáo Lan, có Thảo đang nhìn cô với ánh mắt trìu mến, biết ơn và kính trọng. "Cô giáo em vừa dạy giỏi, lại rất tốt bụng" - Thảo thường nói như thế mỗi khi có ai đó nhắc về cô giáo của mình.
Dẫu biết, con đường sắp tới còn nhiều chông gai, khó khăn nhưng tin rằng, bằng sự dìu dắt, giúp đỡ của cô giáo Lan, Thảo sẽ tiếp tục học tập giỏi hơn, sau này trở thành bác sĩ hoặc giáo viên như em mơ ước./.
Hà Tĩnh