Giám đốc Trần Văn Bình (giữa) và Bí thư Đảng ủy xã Thạnh An - Nguyễn Quốc Đạt (bìa trái) bên trạm biến thế
Bí thư Đảng ủy xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An - Nguyễn Quốc Đạt chở tôi trên xe Honda băng ra một vùng bưng sâu. Anh dừng xe trước cổng có hàng chữ Nhà máy Điện mặt trời BCG Băng Dương để chờ nhân viên bảo vệ vào xin ý kiến. Nhìn qua cổng, sau khu nhà điều hành là trạm biến thế và sau khu văn phòng công ty là khu pin mặt trời với từng dãy mâm pin dài hun hút nối nhau trải ra bưng hoang. Chẳng phải đợi lâu, nhân viên bảo vệ đã ra cổng mời chúng tôi vào.Đây là Công ty Cổ phần Năng lượng BCG Băng Dương (gọi tắt là nhà máy điện mặt trời (NMĐMT)).
Giám đốc Trần Văn Bình tiếp chúng tôi một cách cởi mở, chân tình. Ông cho biết, dự án NMĐMT giai đoạn I khởi công vào tháng 11/2018 trên 50ha, hiện đã “lấp kín” 410 mâm pin (30 tấm pin/mâm - tổng số 123.000 tấm) cho tổng công suất 46MW. Anh nói tiếp: Được các cấp lãnh đạo tỉnh và địa phương quan tâm cũng như nhân dân sở tại đồng tình ủng hộ sự ra đời của nhà máy nên quá trình xây dựng/hình thành nhà máy khá suôn sẻ, không có gì trở ngại cả. Hiện nay, nhà máy đã hoàn thành giai đoạn I khoảng 70% tổng khối lượng. Từ đầu tháng 7/2019, nhà máy đi vào vận hành thương mại - hòa lưới điện quốc gia theo đúng kế hoạch tiến độ. “Chúng tôi vừa vận hành, vừa điều chỉnh đạt công suất thiết kế ban đầu. Nhìn chung, vận hành như vậy là ổn định”. Chúng tôi hỏi, NMĐMT quy mô lớn thế này có ảnh hưởng gì đến môi trường không, ông Bình nói, có thể khẳng định là không, ngược lại, nó còn tốt cho môi trường vì khu vực nhà máy đã có pin mặt trời hấp thu ánh nắng nên nhiệt độ thấp hơn bên ngoài.
Nhà máy đang tiếp tục mở rộng theo dự án
Báo Tuổi Trẻ (ngày 24/10) có thông tin, các nước Đông Nam Á dần từ bỏ điện than; các tổ chức tài chính trên thế giới hạn chế và ngừng cho vay với các dự án xây nhà máy nhiệt điện để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) nhằm hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu. Anh Bình đưa chúng tôi đi “điền dã” trên chiếc xe bán tải và dừng lại ở những “điểm nhấn” của nhà máy. Nhìn cả “rừng” trụ đỡ mâm pin có vẻ hơi thấp, tôi hỏi liệu khi xảy ra lũ lụt lớn, hệ thống pin mặt trời bao la thế này có bị ngập không? Anh nói, điều đó đã được đơn vị tư vấn thiết kế tính đến, cỡ đỉnh lũ năm 2000 cũng không thể ngập. Như vậy là nếu có lũ lớn, nhà máy vẫn hoạt động cung cấp điện bình thường. Nhìn những tốp công nhân trên công trường, ông Bình cho biết, lúc đang thi công xây dựng nhà máy, mỗi ngày có đến 500-600 công nhân làm việc trên công trường, còn bây giờ, toàn bộ nhà máy chỉ có 10 cán bộ điều hành (qua hệ thống máy tính).
Lên nóc một trạm máy, nhìn bao quát khu vực, Bí thư Đảng ủy xã Thạnh An - Nguyễn Quốc Đạt nói với tôi rằng, khi hoàn thành toàn bộ dự án NMĐMT này, diện tích mặt bằng lên đến 125ha. Ra về, anh Đạt nói: Thạnh An là xã vùng sâu của huyện Thạnh Hóa. Hiện nay, trên địa bàn xã có 16 trang trại của các doanh nghiệp đang hoạt động.Trong đó, trang trại gà Ba Huân có 13 trại, mỗi năm xuất hàng triệu con gà thịt đạt chuẩn GAP. Với hàng loạt trang trại và NMĐMT Băng Dương tạo tiền đề cho Thạnh An tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vâng, đó là tương lai! Còn hiện tại, trước mắt tôi là các công trường xây dựng giao thông âm vang đồng vọng khắp vùng bưng trũng này chính là mở đường cho phát triển,.../.
Quang Hảo