Tiếng Việt | English

08/10/2024 - 09:43

Có một việc làm thầm lặng mà cao cả: Gia đình hơn 180 lần hiến máu tình nguyện (Bài cuối)

Làm từ thiện và cứu giúp người khác đôi khi không cần tài chính dồi dào mà chỉ cần một hành động đẹp, một việc làm tử tế cũng đủ ấm lòng người nhận. Và hiến máu là nghĩa cử cao đẹp, được trao đi bởi những trái tim nhân ái, góp phần mang lại sự sống cho bệnh nhân và niềm vui cho những gia đình chẳng may có người thân gặp nạn.

Bài cuối: Gia đình hơn 180 lần hiến máu tình nguyện

Đó là gia đình bà Nguyễn Thị Minh (SN 1971, ngụ xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An). Vốn là người nhút nhát nên lần đầu tiên được bà Lài (Hội Chữ thập đỏ xã Bình Lãng) rủ đi hiến máu, bà Minh rất sợ. Tuy nhiên, khi xem đoạn video về những bệnh nhân đang cần truyền máu, nhìn cơ thể yếu ớt của những bệnh nhân phải gồng mình chống lại tử thần, khao khát được sống khiến bà Minh cảm động. Tình yêu thương và lòng trắc ẩn trỗi lên trong trái tim và bà bắt đầu tham gia hiến máu.

Lần đầu tiên tham gia, bà Minh tự trấn tĩnh: “Những người khác làm được, sao mình lại sợ hãi”. Và bà đã vượt qua nỗi sợ hãi của mình để tham gia hiến máu tình nguyện từ năm 2001 đến nay. Đến thời điểm hiện tại, bà Minh đã hiến máu được 52 lần.

Bà Nguyễn Thị Minh (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ) là một trong những tình nguyện viên tiêu biểu tham gia hiến máu

Qua hơn 50 lần hiến máu, bà Minh không còn sợ hãi vì bà hiểu rằng, hiến máu không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí còn có một số tác dụng tích cực nhất định đối với cơ thể. Lượng máu đã hiến sẽ được tái tạo phục vụ quá trình tuần hoàn. Máu sau khi hiến sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra. Nếu phát hiện bất thường trong máu, người hiến máu sẽ được thông báo ngay lập tức, giúp kịp thời phát hiện các nguy cơ mắc bệnh và điều trị sớm hơn.

Ngoài ra, những người hiến máu thường xuyên (3 tháng 1 lần) như bà Minh luôn biết cách giữ gìn sức khỏe để những giọt máu trao đi phát huy được ý nghĩa và giá trị. Với những người bình thường, giữ gìn sức khỏe là cho riêng mình, với người hiến máu thì việc giữ gìn sức khỏe còn đem đến nhiều lợi ích cho những người nhận máu. Chính vì vậy, bà Minh có chế độ nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý để giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Trước khi đi hiến máu, bà không thức khuya, không uống rượu, bia, không ăn nhiều đường, mỡ,... để bảo đảm chất lượng nguồn máu trao tặng.

Hiến máu là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện truyền thống “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam. Với suy nghĩ đó, bà Minh thường xuyên vận động người thân đi hiến máu tình nguyện. Đến nay, các thành viên trong gia đình bà đã tham gia hiến máu 181 lần. Trong đó, vợ chồng người con gái lớn của bà đã hiến máu 71 lần, vợ chồng con gái nhỏ hiến máu 58 lần.

Hơn 20 năm tích cực tham gia hiến máu tình nguyện cũng như vận động mọi người cùng tham gia, bà Minh đã trở thành 1 trong 100 tấm gương hiến máu tiêu biểu cả nước được vinh danh năm 2019.

Cho đi những giọt máu, tình nguyện viên nhận lại hạnh phúc vì việc làm tử tế của mình. Hiến máu tình nguyện vì thế là một hành động mang ý nghĩa nhân văn, là nét đẹp trong cuộc sống. Những người tích cực tham gia hiến máu và vận động gia đình, cộng đồng như bà Minh, anh Khoa, anh Vinh không chỉ góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn mà còn lan tỏa tinh thần nhân ái và đoàn kết. Họ là những tấm gương sáng về lòng nhân ái, góp phần xây dựng một xã hội khỏe mạnh và nhân văn./.

Mỗi năm, Bệnh viện Đa khoa Long An cần khoảng 10.000 đơn vị máu (350ml). 100% nguồn máu đều từ người hiến máu nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ tỉnh tuyên truyền, vận động. Bệnh viện Đa khoa Long An luôn sẵn sàng cơ số máu tại ngân hàng máu, đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho cấp cứu và điều trị bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh viện còn hỗ trợ các bệnh viện lân cận và các trung tâm y tế tuyến huyện. Những năm trước đây, nguồn hiến máu ít, nhân viên bệnh viện cũng tham gia hiến máu cứu sống bệnh nhân. Từ năm 2019 đến nay, nguồn hiến máu dồi dào trong cộng đồng nên tình trạng thiếu hụt máu khẩn cấp không còn xảy ra.

(Hết)

An Thuận

Có một việc làm thầm lặng mà cao cả: Không giàu vẫn có thể cho đi (Bài 1)

Có một việc làm thầm lặng mà cao cả: Không giàu vẫn có thể cho đi (Bài 1) 

Làm từ thiện và cứu giúp người khác đôi khi không cần tài chính dồi dào mà chỉ cần một hành động đẹp, một việc làm tử tế cũng đủ ấm lòng người nhận.

Chia sẻ bài viết