Bài 1: Không giàu vẫn có thể cho đi
Những giọt máu tình nguyện không chỉ giúp nhiều người giành lại sự sống mà đó còn là tấm lòng yêu thương, chia sẻ bất hạnh của người tham gia hiến máu, góp phần làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa.
Phó Chủ tịch UBND xã Long Trạch, huyện Cần Đước - Đặng Bách Khoa đã tham gia hiến máu tình nguyện 50 lần
1. Với mong muốn góp phần cứu giúp những bệnh nhân đang cần máu để duy trì sự sống, Phó Chủ tịch UBND xã Long Trạch, huyện Cần Đước - Đặng Bách Khoa (SN 1979) quyết định tham gia hiến máu lần đầu tiên vào năm 2002. Lúc bấy giờ, cha mẹ và vợ đều không đồng ý với quyết định này của anh. Nhưng qua tìm hiểu, đặc biệt là sự tuyên truyền của Hội Chữ thập đỏ xã, anh Khoa vẫn quyết tâm tham gia hiến máu và tin rằng theo thời gian, mọi người sẽ hiểu và tôn trọng quyết định của anh.
Sau lần đầu tiên hiến máu, anh trở về nhà vẫn khỏe mạnh bình thường. Cũng từ đó, gia đình ủng hộ việc làm tốt đẹp của anh. Không những vậy, vợ anh Khoa giờ trở thành bạn đồng hành của anh trong những lần đi hiến máu.
Đến nay, anh đã hiến máu 50 lần, còn vợ anh hiến máu 30 lần. Gia đình anh Khoa còn có em dâu đã hiến máu 14 lần.
Anh Khoa tâm sự: “Mỗi lần hiến máu, tôi đều cảm thấy rất hạnh phúc khi được góp phần cứu sống các bệnh nhân đang cần truyền máu. Tôi rất ấn tượng với câu nói: “Hãy cho nhau những gì ta có, kẻo sau này không có để cho nhau”. Tôi nghĩ nếu mình không đủ khả năng giúp đỡ người khác bằng tiền thì vẫn có thể hỗ trợ những người cần bằng những gì mình có”.
Không chỉ gia đình tham gia hiến máu, anh Khoa còn vận động Công ty TNHH Jia Hsin đóng tại địa phương tham gia hoạt động này. Theo đó, hàng năm, công ty đều tổ chức hiến máu khi huyện có đợt, mỗi đợt có khoảng 60 công nhân, người lao động tham gia. Đặc biệt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Jia Hsin là người nước ngoài cũng tích cực hưởng ứng.
Anh Khoa chia sẻ: “Khi mình khỏe mạnh, tôi luôn mong muốn mọi người cũng khỏe mạnh. Tuy nhiên, tôi cùng gia đình và bạn bè tham gia hiến máu vẫn chưa đủ vì hàng ngày còn nhiều người đang cần truyền máu để giành lại sự sống nên tôi nghĩ cần sự chung tay của mọi người”.
Mỗi giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại, anh Khoa mong muốn các cấp chính quyền, các tổ chức tình nguyện và cơ quan y tế cùng nhau tuyên truyền về ý nghĩa của việc hiến máu cứu người để ngày càng có nhiều người tham gia, góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Khi có thiên tai, hỏa hoạn, tình huống khẩn cấp, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận ngân hàng máu sẵn có thì hiến máu nhân đạo là cách duy nhất để cứu sống nạn nhân. Khi bị mất máu quá nhiều, nạn nhân được truyền máu càng sớm càng có cơ hội sống sót. Việc chờ đợi nguồn máu từ các trung tâm truyền máu là không thể, vì vậy, hiến máu để có nguồn máu cấp cứu tại chỗ là phương án duy nhất”.
Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thị Trúc Lệ - Trưởng khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Long An
|
2. Anh Lê Thành Vinh (SN 1977, ngụ khu phố 4, thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước) được Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Cần Đước vận động tham gia hiến máu vào năm 2007. Lần đầu tiên hiến máu, được bác sĩ tư vấn, anh không cảm thấy sợ hãi mà chỉ lo không biết mình có đủ tiêu chuẩn hiến máu hay không.
Sau lần đầu tiên, anh hiểu hiến máu góp phần cứu sống những người bệnh đang cần truyền máu là việc làm có ý nghĩa nên quyết tâm tiếp tục tham gia. Đến nay, anh đã hiến máu 57 lần.
Hầu như các đợt hiến máu do địa phương tổ chức, anh đều có mặt. 17 năm tham gia hiến máu, anh nhớ nhất là năm 2016. Khi đó, người nhà bệnh nhân gọi điện thoại nhờ giúp đỡ do họ không cùng nhóm máu với bệnh nhân. Anh lập tức gác lại mọi việc để đến bệnh viện hiến máu.
Không chỉ bản thân mà anh còn vận động người thân và bạn bè cùng tham gia hiến máu. Những người bạn của anh như anh Nguyễn Hiếu Tâm (thị trấn Cần Đước) đã hiến máu 24 lần, chị Trần Thị Diễm Thu (thị trấn Cần Đước) hiến máu 8 lần, con dâu của anh cũng tham gia hiến máu 8 lần.
Nhiệt tình và tích cực tham gia hiến máu nhưng anh Vinh rất khiêm nhường, không phô trương thành tích của mình dù đã nhận nhiều giấy khen và kỷ niệm chương từ Trung ương đến địa phương về thành tích tình nguyện tham gia hiến máu.
Tình nguyện viên Câu lạc bộ Hiến máu thanh niên Cần Đước tham gia phong trào hiến máu tình nguyện (anh Lê Thành Vinh là thành viên câu lạc bộ)
Với anh Vinh, được vinh danh là 1 trong 100 tình nguyện viên hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2014 tại Hà Nội là động lực để anh tiếp tục chia sẻ giọt máu hồng. Anh xem đây là trách nhiệm với cộng đồng và mong muốn lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện ngày càng sâu, rộng hơn.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Cần Đước - Trương Thành Phương cho biết: “Anh Vinh là tình nguyện viên hiến máu nhiều nhất của huyện Cần Đước. Anh Vinh đang làm bảo vệ tại Trường Tiểu học Hồ Văn Huê (thị trấn Cần Đước). Ngoài tích cực tham gia hiến máu, anh Vinh còn nhận được bằng khen của Trung ương Đoàn và 3 bằng khen của tỉnh. Hiện tại, với vai trò là Phó Trưởng khu phố và Tổ trưởng tổ an ninh, trật tự cơ sở, khu phố 4, thị trấn Cần Đước, anh có nhiều đóng góp cho cộng đồng, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương”.
Mỗi giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại - hiểu ý nghĩa nhân vân này, nhiều cá nhân đã tình nguyện hiến máu, giữ lại sự sống cho nhiều người. Không chỉ riêng các cá nhân, trong phong trào hiến máu tình nguyện, nhiều gia đình cũng tích cực tham gia, lan tỏa thêm những câu chuyện đẹp trong cuộc sống./.
Cứ mỗi 2 giây lại có những yêu cầu cần thiết liên quan tới truyền máu và trung bình cứ 7 người vào bệnh viện thì có 1 người cần tiếp máu. Các chuyên gia cho biết, 1 túi máu được sản xuất thành 3 chế phẩm máu. Bởi vậy, chỉ cần 1 lần hiến máu, chúng ta đã giúp được đến 3 người và cứu được nhiều người trước nguy cơ mất người thân, bạn bè, trước tiên là cứu được tính mạng của chính bệnh nhân đang cần máu”.
Bác sĩ Hồ Văn Cưng - nguyên Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh
|
(còn tiếp)
Bài 2: Gia đình hơn 180 lần hiến máu tình nguyện
An Thuận