Trò cũ Nguyễn Xuân Dương tặng hoa cho thầy học cũ - Lê Văn Đáng, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường cấp II đầu tiên của làng mình (Ảnh nhân vật cung cấp)
Hôm đó, sau bữa cơm trưa, ông đang ngồi xem tivi ở phòng khách, chợt có tiếng xe ôtô dừng trước cổng nhà. Ông bước ra xem. Một người đàn ông từ chiếc ô-tô sang trọng đến chào ông:
- Dạ, con chào thầy ạ! Thầy còn nhớ con không?
Ông nhìn người khách lạ có giọng nói như người cùng quê ông. Tự nhiên ông nhớ quãng đời làm thầy giáo mà ông đã trải qua từ thời còn rất trẻ, chưa đến tuổi 20, đã là ông giáo làng rồi tiến bước nhanh sau khi học tiếp Sư phạm cấp II, làm Hiệu trưởng Trường cấp II Bình Kiều từ khi trường này mới vừa thành lập.
- Dạ, hơn 50 năm trước con học Trường cấp II Bình Kiều do thầy vừa làm hiệu trưởng và đứng lớp dạy tụi con. Con là trò Nguyễn Xuân Dương, học lớp 7, môn Toán của thầy. Nhờ thầy mà con trở thành học sinh giỏi Toán cấp huyện lúc đó đó ạ!
Bất giác ông kêu “A! Thì ra là vậy!”. Ông đưa anh học trò cũ vào phòng khách uống trà. Ông kể cho anh nghe, năm 1968, ông - thầy giáo Lê Văn Đáng - đã dẫn đầu đoàn nhà giáo đi B như một tiểu đoàn trưởng chỉ huy tiểu đoàn đi ra trận. Đó là những người lính vừa buông phấn trắng bảng đen, những người lính vừa rời giảng đường đại học hay phòng thí nghiệm để “tất cả cho tiền tuyến”.
Và thầy Đáng cũng vinh dự đi trong hàng ngũ ấy. Thầy vào Tây nguyên rồi đi sang cục R (cơ quan Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam) trên đất bạn Campuchia, rồi đi Đồng Tháp Mười với địa bàn hoạt động là tỉnh Long An được coi là “bưng biền kháng chiến”, vẫn với công tác giáo dục, rồi công tác Tuyên giáo...
Hòa bình, thầy về công tác văn hóa-thông tin và nhiều nhiệm vụ khác trước khi nghỉ hưu ở tuổi ngoài 60. Bây giờ, tuy đã tuổi cao sức yếu, thầy vẫn công tác ở Hội Cựu giáo chức tỉnh Long An phụ trách biên tập ấn phẩm Sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn ngành Giáo dục và Hội Cựu giáo chức nên ít có thời gian về quê Hưng Yên, hoặc có về cũng không đủ thời gian đi thăm lại ngôi trường cũ, học trò xưa thân thương từ 50 năm trước...
Người học trò cũ Nguyễn Xuân Dương giữ lễ trước người thầy khả kính: Thưa thầy, sau tốt nghiệp THPT hạng ưu, con được cử đi học nước ngoài, nhưng giấy báo về xã, xã cần đủ chỉ tiêu giao quân nên không trao giấy ấy mà gửi giấy báo con đi bộ đội. Lúc này, Mỹ đang leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc ác liệt. Con tự hào mình được làm lính Cụ Hồ cầm súng đánh Mỹ xâm lược lúc ấy”.
Rồi anh kể tiếp rằng, sau khi xuất ngũ, anh về tìm lại giấy cử đi học nước ngoài, nhưng xã chỉ huyện, huyện chỉ tỉnh, tỉnh chỉ lên bộ. Cuối cùng, anh cũng được Bộ Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp lúc ấy tạo điều kiện để anh vào đại học. Ra trường với tấm bằng kỹ sư chế tạo máy, anh được bổ về một công ty may mặc.
Và hiện nay... (anh lễ phép trao thầy Đáng tấm danh thiếp ghi: “KS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tổng Công ty May Hưng Yên”) và nói, doanh nghiệp con hiện nay có 13 thành viên trong HĐQT và 14.000 cán bộ, công nhân với mức thu nhập khá ổn định. Càng thành đạt con càng nhớ ơn các thầy cô đã dạy dỗ con từ bước đi chập chững ở trường làng cho tới lúc trưởng thành tung cánh bay xa”.
Anh nhớ và kể lại từng khuôn mặt thầy cô ở Trường cấp II Bình Kiều ngày ấy nay ai còn ai mất (phần lớn họ đã hy sinh trong chống Mỹ hoặc đã qua đời vì tuổi già bệnh tật). Anh đã cất công đi tìm địa chỉ từng thầy, cô để được thăm viếng, góp phần phụng dưỡng cho phải đạo làm học trò - theo quan niệm của anh.
Sau nhiều lần về quê thầy Đáng, anh lần ra được địa chỉ của thầy và nhân dịp vào TP.HCM công tác, anh vội vã tranh thủ đi Long An để gặp thầy cho bằng được.
- Con không có gì hơn, chỉ xin kính biếu thầy chút quà mọn và mong thầy nhận để con được vui trước khi ra về.
Người học trò cũ trân trọng đặt gói quà lên bàn rồi lễ phép chào tạm biệt thầy Đáng.
Chỉ chưa đầy 10 ngày sau, thầy Đáng đã nhận được thư do trò Nguyễn Xuân Dương gởi, mời dự cuộc họp mặt truyền thống 50 năm ngày thành lập trường do anh tài trợ tổ chức, mà thầy Đáng là người sáng lập từ 50 năm trước, kèm theo đó là vé máy bay khứ hồi.
Thầy Đáng vừa bước xuống sân bay Quốc tế Nội Bài, đã thấy có người vẫy tay kêu to tên thầy. Vẫn là anh học trò cũ Nguyễn Xuân Dương ra đón thầy. Anh đưa thầy lên chiếc ôtô rồi tự tay lái ra Hà Nội để thầy trò cùng ăn cơm trước khi về quê Hưng Yên.
Buổi lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường Cấp II Bình Kiều (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) với khung cảnh thật trang trọng, thầy Đáng được mời lên ngồi giữa hàng ghế danh dự với các thầy cô khác của trường.
Sau lời giới thiệu, ai nấy chìm trong cảm xúc bùi ngùi vì nhiều tên tuổi của trường đã không còn nữa. Các thế hệ học trò cũ thay nhau ôn lại kỷ niệm và truyền thống của trường và tặng hoa cho từng thầy cô. Sau buổi lễ, các học trò cũ ai nấy xin địa chỉ, số điện thoại của ông và tranh nhau đón ông về nhà chơi.
Là người thành đạt nhất trên thương trường, Nguyễn Xuân Dương đã để lại dấu ấn từ thiện trên nhiều công trình phục vụ phúc lợi xã hội cho nhân dân tỉnh nhà mà thầy Đáng tận mắt thấy tai nghe. Với các thầy cô cũ của mình, ai có hoàn cảnh khó khăn anh đều phụng dưỡng tận tình và năng lui tới thăm viếng, vấn an.
Hôm lái xe đưa thầy Đáng ra sân bay trở về Long An, trò Dương đã bày tỏ tình cảm lưu luyến và thưa với thầy rằng “Con mong có nhiều dịp vào Nam thăm thầy và có dịp nào thầy về Bắc, thầy điện để con rước thầy về nhà con chơi”. Khi ông vừa về đến Long An lại nghe Dương gọi điện thoại ân cần vấn an và có những lời chúc bằng cả tấm lòng “tôn sư, trọng đạo” đẹp nhất. “Tôi thật hạnh phúc và tự hào có được những người học trò như thế”- ông tâm sự với tôi như muốn gởi gắm lòng mình nhân Ngày Nhà giáo 20-11 năm nay./.
Quang Hảo