Trong tuần, Tỉnh ủy quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nội dung cuốn sách là những quan điểm chỉ đạo toàn diện về văn hóa của cố Tổng Bí thư. Đó cũng là những thông điệp, định hướng để đội ngũ trí thức, văn, nghệ sĩ, nhà khoa học, những người làm công tác văn hóa trau dồi, rèn luyện, hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ.
Cuốn sách tuyển chọn 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư,... của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của ông đối với việc xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam với các yếu tố truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập, tạo nguồn lực nội sinh và huy động sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thịnh vượng.
Trong chiến lược phát triển văn hóa, con người luôn giữ vị trí trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển. Khẳng định trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và môi trường văn hóa lành mạnh, Đảng ta có nhiều quyết sách liên quan.
Từ Nghị quyết (NQ) số 03-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (năm 1998) đến NQ số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (năm 2014) đều xác định xây dựng con người Việt Nam với những đức tính yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung; có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần, kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước;…
Tại Long An, xây dựng con người văn hóa cũng được tỉnh chú trọng. Năm 2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp các cơ quan liên quan biên soạn chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Long An, trong đó có nội dung quan tâm chăm lo, xây dựng con người Long An phát triển toàn diện về cả thể chất, trí tuệ và đạo đức trên cơ sở kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, của quê hương Long An “Trung dũng kiên cường”; đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhất là các đặc trưng “Đoàn kết, tự cường, sáng tạo, nghĩa tình, trách nhiệm”.
Trong chặng đường dài lập quốc, kiến quốc, con người Việt Nam nói chung, Long An nói riêng luôn hội đủ các yếu tố trên với lòng nồng nàn yêu nước, tự hào dân tộc, sẵn sàng vượt qua khó khăn để vươn lên, sống nghĩa tình có trước, có sau,… Cốt cách con người Việt Nam luôn tỏa sáng những giá trị chân - thiện - mỹ trong mọi hoàn cảnh, từ thời chiến đến tận thời bình. Những tấm gương hy sinh của thế hệ cha anh trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ đã đi vào lịch sử, những nhà kinh tế, khoa học, toán học,… người Việt Nam rạng danh thế giới, những du học sinh hay những người nông dân hào sảng, tình nguyện góp công, góp của xây dựng quê hương và cả những người giàu ý chí, nghị lực vượt qua nghịch cảnh để vươn lên trong cuộc sống đều là những con người văn hóa.
Tuy nhiên, trong bối cảnh 4.0, con người Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi mặt trái nền kinh tế thị trường, những nền văn hóa ngoại lai trong quá trình hội nhập,… dẫn đến một bộ phận không nhỏ tha hóa, suy thoái, xuống cấp đạo đức. Những cảnh “Nhà kia lỗi phép con khinh bố. Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng”… hay “Hôm qua em đi tỉnh về, Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”… đâu đó vẫn xảy ra trong đời sống. Thực trạng này đòi hỏi văn hóa phải được xem trọng, phải ngang hàng với chính trị, kinh tế, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển, trong đó con người là chủ thể cần được quan tâm xây dựng đủ tài lẫn đức.
Để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam văn minh, văn hóa, chúng ta tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới, nhân loại nhưng không “hòa tan”, không làm “bay màu” văn hóa dân tộc. Bên cạnh tiếp thu cái mới, cái tiến bộ, những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, giàu tính truyền thống được kết tinh, hun đúc từ thời cha ông, trong quá trình lao động, sản xuất vẫn phải được gìn giữ, kế thừa, phát huy như một “thương hiệu” của con người Việt Nam. Trong đó, vai trò của ngành Giáo dục và Đào tạo, đội ngũ văn, nghệ sĩ được đặt lên hàng đầu. Giáo dục ở đây phải là giáo dục từ trong gia đình, nhà trường đến xã hội để con người hình thành nhân cách tốt từ lúc nằm nôi đến khi trưởng thành. Còn đội ngũ văn, nghệ sĩ, mỗi sáng tác, tác phẩm phải là “sức mạnh mềm” tác động đến ý thức, tư tưởng, hành động của con người. Các tác phẩm ngoài chức năng giải trí, hưởng thụ văn hóa - văn nghệ còn phải mang giá trị tuyên truyền, là bức thông điệp nhân văn sâu sắc gửi đến mọi người để qua đó hình thành suy nghĩ, hành động đẹp.
Các chủ trương của Đảng ta, của tỉnh về xây dựng con người văn hóa và cuốn sách của cố Tổng Bí thư sẽ là kim chỉ nam trong xây dựng con người văn hóa. Mỗi người hãy xem đó là chiếc gương để tự soi, tự răn mình và tự sửa. Khi hội đủ thể chất, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, mỗi người sẽ là một con người văn hóa, góp phần xây nên một gia đình, cộng đồng, xã hội văn hóa, văn minh, nghĩa tình, giàu đẹp./.
Thùy Hương