Các doanh nghiệp Việt đang ngày càng lớn mạnh cho thấy môi trường kinh doanh hoàn toàn có thể ươm mầm lên doanh nghiệp lớn tầm cỡ, có khả năng cạnh tranh và thành đối tác xứng tầm của các tập đoàn quốc tế.
Trong những năm qua, vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực với số dự án và vốn đăng ký năm sau luôn cao hơn năm trước.
Mới đây, FPT trở thành một trong năm đối tác đầu tiên trên thế giới cùng Airbus khởi động chương trình đối tác nền tảng Skywise, mở đường cho quá trình tăng tốc chuyển đổi số của ngành hàng không toàn cầu.
Skywise là nền tảng dữ liệu, kho ứng dụng đầu tiên cho ngành hàng không thế giới, được Airbus ra mắt vào giữa năm 2017 với mục đích giúp tất cả các hãng hàng không trên thế giới cải thiện hoạt động và kết quả kinh doanh đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp này trong quá trình chuyển đổi số.
Theo Airbus, thông qua nền tảng Skywise, các doanh nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin hàng đầu thế giới sẽ mở đầu xu hướng phát triển kho ứng dụng cho ngành hàng không vũ trụ nhằm thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi số của ngành công nghiệp có quy mô hơn 800 tỷ USD này.
Cũng trong lĩnh vực công nghệ, Bộ Nông nghiệp Đông Timor đã ký kết hợp đồng với công ty Viettel Timor (Telemor) triển khai dự án trọng điểm của Bộ trong thời gian 03 tháng, từ tháng 8/2019 đến hết tháng 11/2019.
Theo đó, Telemor sẽ trở thành nhà thầu cung cấp thiết bị và giải pháp công nghệ thông tin cho chương trình Tổng điều tra dữ liệu dân số Đông Timor 2019, với tổng giá trị hợp đồng hơn 536 ngàn USD.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị hợp đồng với khách hàng doanh nghiệp, chính phủ của Telemor là 622 ngàn USD, trong khi đó giá trị của 2 hợp đồng mới vào tháng 6/2019 đã gấp gần 2 lần 5 tháng đầu năm.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, đầu năm 2019, có 4 dự án đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 1,05 triệu USD; có 1 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 200 nghìn USD.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) trong tháng đạt 1,25 triệu USD, trong đó lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 600 nghìn USD, chiếm 47,9% tổng vốn đầu tư; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 426,9 nghìn USD, chiếm 34,1%; lĩnh vực thông tin và truyền thông đạt 225 nghìn USD, chiếm 18%.
Mục tiêu của Airbus năm 2019 là sẽ có 100 hãng hàng không và hơn 10.000 máy bay trên toàn cầu kết nối với nền tảng này. Về phía FPT, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software cho biết: đây là kết quả của định hướng đầu tư công nghệ mới và cùng đồng hành với các công ty sở hữu nền tảng công nghệ hàng đầu thế giới mà FPT theo đuổi trong nhiều năm qua.
Tại Đông Timor, các hợp đồng có trị giá trên 500 ngàn USD được coi là lớn, phải được thông qua cơ quan đấu thầu quốc gia và hợp đồng do Bộ trưởng các bộ ký trực tiếp với đối tác. Tổng giá trị hai hợp đồng cũng tạo ra một bước nhảy vọt về kết quả kinh doanh ở lĩnh vực khách hàng doanh nghiệp của Telemor.
Trong những năm qua, các doanh nghiệp đang nỗ lực xây dựng thương hiệu ở nước ngoài. Tuy nhiên, để khẳng định mình không phải đơn giản bởi sự cạnh tranh khốc liệt. Bà Trần Uyên Phương, Tập đoàn Tân Hiệp Phát nhận định, đem một thương hiệu ra thế giới không phải là chuyện đơn giản. Nếu đơn thuần chỉ là xuất khẩu thì là câu chuyện khác.
Còn thực sự muốn mở rộng đầu tư, mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu ở những thị trường mà các DN khác đã tồn tại sẵn rồi thì là điều rất khó. Doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị đương đầu với tình hình cạnh tranh ngày càng lớn, phải dùng từ “sánh vai” hoặc “vượt lên” chứ không phải ở vị thế “bắt kịp” nữa./.
Theo Vietnamnet.vn