Với chị Phạm Thị Cẩm Tú, lúc cả nhà quây quần bên trang sách thật vui và ấm áp
Thói quen đọc sách
Đã thành thông lệ, ngày nào cũng vậy, trước khi đi ngủ là 2 cậu con trai chị Phạm Thị Cẩm Tú (phường 1, TP.Tân An) lại nhắc cha mẹ đọc sách cho mình nghe. Khi là những quyển truyện tranh, lúc là câu chuyện cổ tích, thỉnh thoảng lại là những mẩu chuyện nho nhỏ về ký ức tuổi thơ của cha mẹ. Từ khi con trai lớn được 18 tháng, chị Tú đã đọc sách cho con nghe. Lúc đó chỉ là những mẩu chuyện nhỏ và con cũng ít tập trung nhưng chị và chồng luôn cố gắng giữ thói quen đó. Giờ đây, việc đọc sách trước khi đi ngủ đã trở thành điều không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của các con chị Tú. Chị kể: “Ngày nào mấy đứa cũng nhắc. Hôm nào không đọc được phải nói trước với con một cách nghiêm túc thì con sẽ vui vẻ đồng ý cho cha mẹ nợ”.
Chị hay chọn cho con trai nhỏ truyện tranh. Mặc dù còn nhỏ nhưng cháu lại thích tự mình đọc sách, trong khi anh trai lại thích được mẹ đọc cho nghe. Buổi tối, trước khi đi ngủ, cả nhà lại quây quần bên nhau đọc sách, kể chuyện. Không khí gia đình vì vậy mà đầm ấm hơn. Chị Tú cho biết, dù bận nhiều việc nhưng vợ chồng chị luôn tranh thủ ưu tiên thời gian đọc sách cho con. Với chị, lúc cả nhà quây quần bên trang sách thật vui và ấm áp. Khi chọn sách cho con, chị cũng chú ý chọn những tác phẩm có nội dung ý nghĩa, giúp con có thể hình dung được cuộc sống đầy sắc màu ngoài kia.
Chị nói: “Tôi nghĩ, nhờ có những quyển truyện đọc cùng mẹ mà con trai lớn của tôi học môn Văn khá ổn. Các bài làm văn của con luôn thấp thoáng hình ảnh những mẩu chuyện mẹ đọc và kể mỗi đêm. Cũng nhờ có thời gian đọc sách cho con mà tôi thấy tình cảm gia đình được vun đắp nhiều hơn”. Thỉnh thoảng vào dịp cuối tuần, mấy mẹ con chị Tú lại cùng nhau đi nhà sách, chọn vài quyển sách mới. “Nhiều khi mới mua xong là mấy đứa bảo mẹ ghé đâu đó “đọc ngay cho nóng”” - chị Tú cười vui vẻ.
Chị Lê Thị Mỹ Trưng chủ động hướng con vào việc đọc sách để bổ sung vốn từ, khả năng diễn đạt cho con
Cũng có cùng mối quan tâm về việc đọc sách cho con, chị Lê Thị Mỹ Trưng (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) thường xuyên mua sách cho con và cùng con bàn luận về những quyển sách. Con gái chị Trưng - bé Lại Ngọc Hà My (học lớp 4) thích đọc sách từ nhỏ. Khi nào đọc được quyển sách hay hoặc ngẫm nghĩ được điều gì đó thú vị về sách, My lại chia sẻ cùng mẹ. Chị Trưng duy trì việc đọc sách cùng con nhiều năm, từ khi My còn nhỏ. Vì muốn giáo dục và bổ sung kỹ năng sống cho con nên chị Trưng ưu tiên giới thiệu với con gái những quyển sách về kỹ năng sống, những bài học về đạo đức, làm người. Và chị rất tự hào vì con gái mình ngoài duy trì thành tích học tập tốt, còn là cô bé lễ phép, biết kính trên, nhường dưới.
Chị Trưng chủ động hướng con vào việc đọc sách để bổ sung vốn từ, khả năng diễn đạt cho con. Chị vui khi thấy Hà My tiến bộ mỗi ngày trong việc sử dụng ngôn ngữ, đặc biệt là làm văn. Vậy nên mỗi ngày, dù bận bịu với nhiều kế hoạch, công việc nhưng mẹ con chị Trưng vẫn dành thời gian đọc sách cùng nhau, vừa để gắn kết tình cảm gia đình, vừa rèn luyện thói quen đọc sách.
Tạo cho con thói quen đọc sách từ nhỏ nghĩa là các bậc phụ huynh đang giúp con mở cánh cửa tri thức, trang bị hành trang vững chắc cho con sau này
Cần kỹ năng từ cha mẹ
Giữa thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, các bạn trẻ thường bị cuốn vào "vòng xoáy" của các thiết bị số mà bỏ quên thói quen bổ ích là đọc sách. Việc đọc sách cùng con, giáo dục thói quen đọc sách cho con là một điều hết sức cần thiết. Trưởng phòng Nghiệp vụ thư viện, Bảo tàng Thư viện tỉnh - Lê Thị Ngọc Lệ cho biết: “Hiện nay, đa số gia đình chỉ có từ 1-2 con. Các bậc phụ huynh luôn muốn làm gì đó tốt cho con hơn. Một việc làm tôi nghĩ cần thiết hiện nay là phụ huynh nên cùng con vui với sách. Sách có tầm quan trọng đối với quá trình phát triển trí tuệ, hình thành nhân cách của mỗi người. Sách chứa nhiều thông tin, mọi vấn đề cần giáo dục trẻ đều có trong sách”.
Tuy nhiên, theo bà Lệ, để hướng được con đến tình yêu sách, thói quen đọc sách thực sự không hề dễ khi sức hút của các thiết bị công nghệ thực sự rất lớn. Muốn làm được điều đó, phụ huynh cần tự trang bị cho mình kỹ năng đọc sách, sử dụng và khai thác sách, kỹ năng chọn sách cho con. Thật vậy, giữa thị trường sách với rất nhiều thể loại, dành cho mọi lứa tuổi, cung cấp nhiều loại thông tin khác nhau, nếu phụ huynh không có kỹ năng chọn lọc sẽ rất khó định hướng đúng cho con, dễ dẫn đến việc trẻ đọc phải những quyển sách có nội dung không phù hợp hoặc cảm thấy chán ngán khi bản thân không thể tiếp thu được những gì có trong quyển sách dẫn đến tình trạng chán đọc sách.
Đọc sách cho con, một việc tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi người làm cha mẹ sự kiên trì. Mỗi ngày, dành thời gian đọc sách cho con là cha mẹ đang cùng con mở cánh cửa tri thức, trang bị cho con hành trang vững chắc sau này.
Trưởng phòng Nghiệp vụ thư viện (Bảo tàng Thư viện tỉnh) - Lê Thị Ngọc Lệ hướng dẫn một số kỹ năng chọn và hướng dẫn con đọc sách:
- Đối với trẻ mẫu giáo: Lứa tuổi này, trẻ có tính “bắt chước” người lớn, vì vậy cha mẹ cần có thói quen đọc sách hàng ngày và vào thời gian nhất định. Ở lứa tuổi này, phụ huynh cần tác động tính hiếu kỳ của trẻ bằng những tranh ảnh màu sắc đẹp hay những câu chuyện cổ tích có nội dung ngắn gọn, làm cho trẻ hiểu được nội dung tranh ảnh và thích thú với việc “À! Thì ra mình cũng đọc sách được như cha mẹ”.
- Đối với các bé lớn hơn: Phụ huynh có thể giải thích vai trò, ý nghĩa của việc đọc sách, nêu cho các bé các bậc vĩ nhân, nhân tài đều thích đọc sách. Phụ huynh có thể trao đổi, định hướng cho con đọc sách bằng cách hỏi ý kiến và gợi ý cho bé “Con muốn đọc sách gì?”, “Cha mẹ mua cho con sách tìm hiểu thế giới xung quanh bằng tranh nhé?”,.../.
|
Quế Lâm