Học sinh thực hiện sân khấu hóa các tác phẩm văn học
Khơi gợi sự hứng thú trong học tập
Là một trong những hoạt động trải nghiệm thú vị, hiệu quả và được duy trì nhiều năm nay, sân khấu hóa, điện ảnh hóa (SKH - ĐAH) các tác phẩm văn học mang lại cho HS kiến thức, kỹ năng sống. Các em được trải nghiệm, sáng tạo, phát huy năng lực và có cảm nhận sâu sắc hơn về tính cách nhân vật, xã hội thời bấy giờ. Hoạt động này diễn ra đầu tiên tại Trường THPT Rạch Kiến (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) và được nhân rộng đến nhiều trường THCS, THPT khác trên địa bàn tỉnh.
Tại Trường THPT Rạch Kiến, tham gia hoạt động SKH - ĐAH các tác phẩm văn học, HS là trung tâm của việc học và tự tìm hiểu kiến thức. Mỗi tác phẩm, HS không chỉ nắm chắc nội dung, hiểu rõ về ý nghĩa mà phải cảm thụ được chất văn chương. Từ đó, các em chuyển thể thành những tác phẩm sân khấu và điện ảnh hoàn chỉnh. Trong đó, hoạt động SKH tác phẩm văn học, HS tham gia hát, múa, hoạt cảnh, hò đối đáp, diễn kịch,... Với hoạt động ĐAH tác phẩm văn học, HS làm những bộ phim ngắn chuyển thể từ các tác phẩm văn học.
“Dạy văn mà không đem được cái hay, cái đẹp của văn chương đến với tâm hồn người học, không đưa được người học hòa mình vào thế giới nghệ thuật của văn chương thì dù giáo viên có tài thuyết giảng thế nào, HS vẫn không thể cảm thụ hết. Bởi, khi HS chưa có tâm thế của người nhập cuộc trong hành trình khám phá, chiếm lĩnh tri thức từ tác phẩm thì việc thờ ơ, chán ngán khi học văn là điều dễ hiểu. Do đó, tôi quyết tâm thực hiện SKH - ĐAH tác phẩm văn học để HS hòa mình vào nghệ thuật của văn chương trong từng tác phẩm văn học và thật sự yêu thích học văn” - thầy Nguyễn Trọng Hoàng - giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Rạch Kiến, người đầu tiên thực hiện hoạt động SKH - ĐAH tác phẩm văn học trong trường phổ thông của tỉnh, chia sẻ.
Để thực hiện tác phẩm điện ảnh, các nhóm làm phim tự viết dự án, kịch bản, phân công nhiệm vụ, nhật ký quay phim,... Trong quá trình thực hiện, HS phải tìm cảnh, chọn góc quay, canh ánh sáng và tìm cách diễn sao cho hình ảnh trên phim đúng tinh thần thời đại, bối cảnh xã hội tác phẩm. Mỗi năm học, trường tổ chức liên hoan phim và trao giải cho các đoàn làm phim có những bộ phim xuất sắc.
Nguyễn Tuấn Thảo Duy - cựu HS Trường THPT Rạch Kiến (tốt nghiệp THPT năm 2020), tâm sự: “3 năm liên tiếp, em tham gia hoạt động SKH - ĐAH tác phẩm văn học. Em không chỉ học được kiến thức mà còn tìm thấy cái hay, điểm thú vị của môn Văn, hiểu được tính cách nhân vật, giá trị văn học của các tác phẩm và đặc biệt là tinh thần làm việc nhóm, trải nghiệm những điều tưởng chừng như quá sức với mình nhưng thật ra nó nằm trong khả năng. Từ khâu chuẩn bị đạo cụ, trang phục, quay, diễn, dựng,… chúng em đều tự mày mò. Tác phẩm hoàn thành là công sức và nỗ lực của cả tập thể, ai cũng vui và tự hào. Sau khi tốt nghiệp, những kiến thức, kỹ năng sống em học được giúp em có thêm hành trang, tự tin bước vào cánh cửa đại học”.
Mở lối cho tư duy
Mới thành lập chỉ vỏn vẹn 5 tháng nhưng CLB Đọc sách của Trường THPT Chuyên Long An thu hút nhiều HS tham gia và hứa hẹn phát triển trong thời gian tới.
Trăn trở vì nhiều HS lớp 12 vẫn loay hoay trong việc chọn hướng đi cho tương lai, đặc biệt là một số HS học giỏi nhưng kiến thức cuộc sống còn nhiều hạn chế nên cô Trần Thị Mai - giáo viên môn Vật lý, Trường THPT Chuyên Long An, quyết tâm thành lập CLB Đọc sách cho HS tham gia. Sách của CLB chủ yếu về tâm lý học, tư duy sáng tạo, phát triển bản thân,…
Cô Mai tâm sự: “Thấy một số em chỉ tập trung vào kiến thức trên lớp, bỏ qua những kiến thức giúp phát triển bản thân, một số em còn sợ và từ chối tham gia nếu đó không phải là hoạt động bắt buộc,… đặc biệt, khi đọc xong quyển sách Tâm lý học thành công và quyển Tôi, tương lai và thế giới, tôi mong muốn thành lập CLB Đọc sách cho HS. Bởi, tôi thấy có nhiều sách quá hay, thay vì mình đọc để tư vấn cho HS thì tìm cách khuyến khích các em đọc sẽ hiệu quả hơn, giúp các em tăng tính tự học và rèn luyện bản thân, nhất là biết được mình cần làm gì để tốt cho tương lai”.
Bắt tay chuẩn bị thành lập CLB, cô Mai gom tất cả các quyển sách trước giờ của gia đình, tìm hiểu thêm sách để đặt mua và nhận sách do những người bạn gửi tặng. Có được tủ sách kha khá, cô Mai bắt đầu kêu gọi HS thành lập và tham gia CLB Đọc sách. Tham gia CLB, HS được đọc nhiều thể loại sách từ văn học đến phát triển bản thân. Các em có thể cùng đọc, cùng thảo luận về cuốn sách mà mình yêu thích, từ đó mở rộng mối quan hệ bạn bè. Ngoài ra, CLB còn có chuyên mục viết cảm nhận về quyển sách mà mình thích dành cho tất cả HS.
Học sinh đọc sách và mở lối tư duy cho bản thân
Nguyễn Trần Ngọc Hân - HS lớp 11A2, bộc bạch: “Tham gia CLB Đọc sách, em có thêm nhiều bạn có cùng sở thích đọc sách, được học cách làm việc tập thể trong một môi trường chuyên nghiệp và thử sức với nhiều thứ mới mẻ như thiết kế hình ảnh. Đặc biệt, em được tham gia các hoạt động do CLB tổ chức như viết cảm nhận về sách đã đọc, từ đó, chúng em có thể chia sẻ cho nhau về những cuốn sách hay. Và sắp tới, CLB Đọc sách còn kết hợp với CLB Tình nguyện tổ chức hoạt động quyên góp sách truyện cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn để giúp các em tập đọc một cách thú vị hơn”.
Để CLB Đọc sách ngày càng hoạt động hiệu quả, cô Mai dành thêm nhiều thời gian đọc sách để tìm hiểu quyển nào phù hợp HS và tư vấn cho các em mượn. “Đối với HS mới đọc, đã đọc nhiều hay có nhu cầu khám phá bản thân ở khía cạnh nào đó thì tôi chọn tư vấn sách phù hợp cho các em. Tôi thường tóm tắt các ý hay từ các sách để giới thiệu cho HS trong các buổi dạy trực tiếp hoặc đăng trên Zalo, Facebook để kích thích tinh thần đam mê đọc sách của các em. Thông qua hoạt động của CLB, tôi mong muốn HS đọc sách để hiểu rõ bản thân mình, khám phá được niềm đam mê và sức mạnh của bản thân, biết được những thói quen chưa tốt để khắc phục hạn chế và rèn luyện hình thành thói quen tốt” - cô Mai trải lòng.
Từ khi có CLB Đọc sách, HS tích cực đọc sách ngoài thể loại phục vụ học tập trên lớp hơn. Nhiều em chưa bao giờ đọc sách cũng nhờ cô Mai tư vấn cách đọc và mượn sách đọc. Đọc xong một quyển sách, các em thường nhắn lại cho cô Mai những cảm xúc sau khi đọc. Một vài phụ huynh và giáo viên cũng mượn sách hoặc khuyến khích con đọc sách khi đọc được những bài cảm nhận của HS hay lời giới thiệu sách của cô Mai.
Thông qua các hoạt động, CLB, HS không chỉ được giải trí, có thêm kiến thức mới mà còn khám phá được năng lực bản thân, biết khẳng định mình và đủ bản lĩnh, tự tin lựa chọn hướng đi tương lai./.
Ngọc Thạch