Thời gian gần đây, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong hệ thống chính trị và dư luận xã hội rất quan tâm đến việc hợp nhất, sáp nhập các cơ quan, đơn vị hành chính trong cả nước.
Đặc biệt, khi có thông tin sáp nhập cấp tỉnh, xã, bỏ cấp huyện theo mô hình chính quyền 2 cấp thì nhiều công chức, viên chức lo lắng về vị trí, việc làm của mình trong tương lai.
Việc đặt tên tỉnh mới, xã mới và đặt trung tâm tỉnh lỵ ở đâu cũng thu hút sự quan tâm, tranh luận từ trong cơ quan, xã hội đến môi trường mạng. Tất nhiên, ai cũng muốn lưu giữ những giá trị văn hóa, truyền thống, lịch sử, địa danh ở nơi mình “chôn nhau cắt rốn” và gắn bó lâu dài,...
Theo Bộ Chính trị, việc sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh - gọn - mạnh, hoạt động hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW (Khóa XII) là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Điều đó cần sự thống nhất rất cao về nhận thức, hành động của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị theo đúng tinh thần “nhất hô bá ứng, tiền hô hậu ủng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.
Chúng ta cần xác định việc sắp xếp, đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đặc biệt là việc bỏ cấp huyện, nhập cấp tỉnh là một chủ trương lớn, có ý nghĩa quan trọng, đang được Đảng và Nhà nước ta tích cực triển khai.
Việc tinh gọn bộ máy giúp giảm bớt tầng nấc trung gian, giảm thiểu sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Việc bỏ cấp huyện, nhập cấp tỉnh sẽ giúp tập trung nguồn lực, tăng cường tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý nhà nước. Qua đây, tiết kiệm nguồn lực, giảm chi phí hoạt động, tiết kiệm ngân sách nhà nước. Việc bỏ cấp huyện giúp giảm số lượng cán bộ, công chức, giảm chi phí hành chính; kết hợp với tinh giản biên chế, sẽ cơ cấu lại tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng thời, việc bỏ cấp huyện, nhập cấp tỉnh tạo điều kiện để cấp tỉnh chủ động, linh hoạt hơn trong việc quản lý, điều hành các hoạt động KT-XH trên địa bàn. Điều này cũng giúp tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu, rộng, việc tinh gọn bộ máy nhà nước là yêu cầu tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, tạo không gian phát triển rộng mở cho từng địa phương, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp,...
Tuy nhiên, việc triển khai chủ trương này cũng đặt ra một số thách thức về mặt tổ chức, nhân sự. Việc bỏ cấp huyện, nhập cấp tỉnh sẽ tác động đến tổ chức bộ máy cũng như ảnh hưởng đến công việc, đời sống, tâm lý của một bộ phận cán bộ, công chức. Việc thay đổi tên gọi đơn vị hành chính cần được thực hiện một cách thận trọng, tiết kiệm, bảo đảm sự ổn định KT-XH, đạt được mục tiêu phục vụ nhân dân một cách tốt nhất.
Phải khẳng định rằng, việc sắp xếp, đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là chủ trương đúng đắn, cần thiết, nhất là trong bối cảnh tình hình hiện nay và hiện thực hóa khát vọng cường thịnh, vươn mình của dân tộc. Tuy nhiên, việc triển khai chủ trương này cần được thực hiện một cách quyết liệt, khoa học, bài bản, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả.
Trong đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn gắn với tinh giản biên chế không làm một cách cơ học, cảm tính mà quan trọng nhất là lựa chọn được những cán bộ có “tâm, tầm, tài”, sống có lý tưởng, có tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đây chính là một “nút thắt” trong công tác tinh gọn, nếu mở được nó sẽ mở ra cánh cửa xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực - hiệu năng - hiệu quả.
Với ý nghĩa trên, để việc sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh - gọn - mạnh, hoạt động hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả theo đúng tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, ngành, trước hết là người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ sắp xếp và phát triển KT-XH; làm tốt công tác tư tưởng với quyết tâm hoàn thành việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo đúng mục tiêu, yêu cầu và tiến độ đề ra. Các cấp lãnh đạo bám sát chủ trương của Đảng, hệ thống pháp luật đã được rà soát, sửa đổi và bổ sung để tiến hành các bước đạt hiệu quả cao nhất.
Về phía cán bộ, công chức, viên chức phải thấm nhuần ý nghĩa quan trọng của cuộc cách mạng về sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh - gọn - mạnh, hoạt động hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả.
Thông qua các bài học lịch sử, kể cả những lần sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính trong quá khứ, chúng ta thống nhất nhận thức: Bất kỳ cuộc cách mạng nào cũng có những khó khăn, mất mát, hy sinh để tương lai đất nước, dân tộc tươi sáng hơn. Riêng lần sắp xếp này, Đảng, Nhà nước đã có những chính sách hợp lý cho những người bị ảnh hưởng bởi việc sắp xếp, tinh gọn.
Còn tên gọi của tỉnh mới, xã mới, các cấp chính quyền đang thực hiện các bước quy trình theo quy định. Có thể, trong việc sắp xếp này không còn địa danh, tên gọi hành chính đã gắn bó với chúng ta trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đây cũng là điều bình thường trong lịch sử phát triển trải dài hàng ngàn năm của dân tộc. Chúng ta phải biết hy sinh để hướng tới những giá trị tốt đẹp hơn trong tương lai./.
Kim Quy