Tiếng Việt | English

11/11/2024 - 14:06

Cuộc mưu sinh

Giữa đêm khuya tĩnh lặng, khi mọi người chìm vào giấc ngủ, vẫn có người miệt mài với cuộc mưu sinh. Những chiếc xe đẩy nhỏ lặng lẽ lăn bánh qua từng con phố vắng, mang theo hương vị của những món ăn bình dân. Đêm xuống, những con người ấy vẫn bền bỉ lao động, nuôi dưỡng những ước mơ nhỏ bé và giữ vững niềm tin vào ngày mai tươi sáng hơn.

Tại một con hẻm nhỏ ở TP.Tân An, tỉnh Long An, chiếc xe hủ tiếu gõ của ông Đặng Văn Thạnh (SN 1967, quê tỉnh Đồng Tháp) đã trở nên quen thuộc với một số người. Dù có nhiều hàng quán mới mọc lên với vô vàn món ăn nhưng hủ tiếu gõ vẫn là món quen thuộc với nhiều người.

Giữa đêm khuya, khi cần tìm món ăn "bỏ bụng", lại nhớ đến hủ tiếu gõ. Ông Thạnh kể: Hồi đó, tôi làm thợ hồ ở Đồng Tháp, sau khi lập gia đình, vợ chồng tôi về Long An sinh sống. Khi đến đây, tôi nhớ về xe hủ tiếu gõ ở quê, vậy là học cách nấu hủ tiếu rồi bán, đến nay đã hơn 20 năm.

Mỗi sáng, tôi phụ vợ bán rau, củ ở chợ, đến trưa thì tranh thủ về nhà làm cơm cho cả gia đình, chiều chuẩn bị nguyên liệu nấu bán hủ tiếu. Nghề này tôi học từ khi còn ở quê. Từ khâu chọn các nguyên liệu như thịt ba chỉ, tôm, trứng cút, hành lá, ngò rí,... đến nấu nước lèo đều do tôi tự tay làm.

Nhọc nhằn mưu sinh nhưng lúc nào ông Đặng Văn Thạnh (quê tỉnh Đồng Tháp) cũng vui vẻ phục vụ khách hàng

Ông Thạnh bán hủ tiếu từ 17-23 giờ. Khách hàng của ông thường là dân lao động, những người đi làm khuya, thỉnh thoảng có vài nhóm bạn trẻ. Xe hủ tiếu của ông đơn giản chỉ có bếp lửa nhỏ để giữ ấm nước lèo, chiếc tủ kính để đựng thịt, xương, trứng cút, bò viên,... nhưng trở thành "điểm đến" quen thuộc của khách hàng cần tìm món ăn đêm.

Nghề bán hủ tiếu gõ này nghĩ cũng vui, càng về khuya lại càng đông khách. Đó là những ngày nắng chứ gặp hôm mưa dầm thì coi như ế, có hôm 1-2 giờ sáng mới bán hết, ông lại lạch cạch đẩy xe về nhà.

Dưới ánh đèn đêm, dù đã khuya, bà Hoàng Thị Mai Xuân (SN 1957, ngụ TP.Tân An) vẫn miệt mài đứng bên chiếc xe đẩy nhỏ, múc đá cho vào ly sữa đậu nành trao tận tay khách. Hơn 14 năm qua, chiếc xe không chỉ là phương tiện kiếm sống mà còn là "bạn đồng hành" gắn bó với bà trên từng bước đường mưu sinh.

Đêm xuống, bà Hoàng Thị Mai Xuân (TP.Tân An) lại mưu sinh với xe bán sữa đậu nành

Trước kia, bà từng bán chè đậu đen, tàu hủ nước đường nhưng vì sức khỏe yếu, không thể nấu chè như trước nên bà chuyển sang bán sữa đậu nành. “Có thời gian tôi bệnh quá, phải nghỉ nhưng thấy chồng vất vả nên tôi đi bán lại. Chồng tôi chạy xe Honda ôm, các con đi làm ở TP.HCM nên tôi muốn đỡ đần ông ấy phần nào chứ tiền kiếm được từ chạy xe ôm sống cũng chật vật lắm!".

Khi đèn đường bật sáng cũng là lúc bà Xuân bắt đầu ngày mưu sinh với chiếc xe bán sữa đậu nành. Theo bà, bán buổi tối cực hơn ban ngày nhưng lại dễ bán. Trời lạnh lạnh, người ta lại thèm ly sữa đậu nành nóng, những hôm trời nóng lại thèm ly sữa đậu nành đá. Bán riết có lượng khách quen, khi thèm sữa đậu nành, khách lại nhớ đến bà.

Khi đêm xuống, ông Thạnh, bà Xuân và còn nhiều người khác nữa lại bắt đầu cuộc mưu sinh. Họ lấy "đêm làm ngày", miệt mài gắn bó với công việc vì phía sau họ còn là cả gia đình./.

Du Nhiên - Hi Hiên

Chia sẻ bài viết