Tiếng Việt | English

19/05/2021 - 13:30

Cựu chiến binh kể chuyện về Bác

Những mẩu chuyện về Bác Hồ được các cựu chiến binh (CCB) thường xuyên kể cho nhau nghe. Từ các mẩu chuyện này, họ rút ra những bài học cho bản thân, áp dụng vào thực tế cuộc sống cũng như công việc hàng ngày.

Cựu chiến binh Phạm Công Tùng vận động người dân hiến đất làm đường, góp phần chỉnh trang khu phố sạch, đẹp

Cựu chiến binh Phạm Công Tùng vận động người dân hiến đất làm đường, góp phần chỉnh trang khu phố sạch, đẹp

1. Chúng tôi ghé khu phố Bình An, phường 3, TP.Tân An, hỏi thăm người dân nhà CCB Phạm Công Tùng thì ai cũng biết. Họ chỉ dẫn nhiệt tình và khá cởi mở khi nhắc về ông. Ở địa phương, người Bộ đội Cụ Hồ này luôn là tấm gương tiêu biểu để các hộ dân khác noi theo. Ông Phạm Công Tùng “nằm lòng” những mẩu chuyện về Bác, trong đó tâm đắc nhất là mẩu chuyện Giản dị và tiết kiệm.

Với ánh mắt đầy tự hào, ông nói: Bà Nguyễn Thị Liên - nguyên cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch, kể lại rằng, khi làm việc ở văn phòng Bác, đôi khi bà còn đảm nhận việc khâu, vá quần áo, chăn, màn, áo gối cho Bác. Công việc này giúp bà có điều kiện được gần Bác và học tập được rất nhiều. Áo Bác rách, có khi vá đi, vá lại, Bác mới cho thay. Chiếc áo gối màu xanh hòa bình của Bác, được ông Cần (người phục vụ Bác) đưa bà vá nhiều lần. Cầm chiếc áo gối của Bác, bà rưng rưng, nói với ông Cần thay áo gối khác cho Bác dùng nhưng Bác chưa đồng ý. Người vẫn dùng chiếc áo gối vá. Những năm tháng giúp việc ở văn phòng Bác, bà đã có những kỷ niệm không bao giờ quên.

Bà còn kể rằng: Ở Việt Bắc, có một buổi Bác đi công tác về muộn, về qua văn phòng, Bác nghỉ lại một lát vì mệt. Đồng chí Hoàng Hữu Kháng - bảo vệ của Bác, nói với bà: “Bác mệt không ăn được cơm. Cô nấu cho Bác bát cháo”. Bác đang nằm nghỉ nghe thấy thế liền bảo bà: “Cô nấu cháo cho Bác bằng cơm nguội ấy, vừa chóng chín, vừa tiết kiệm được gạo, khỏi bỏ phí cơm thừa”.

CCB Phạm Công Tùng chia sẻ: “Từ câu chuyện này, tôi đã học ở Bác lối sống giản dị, tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí trong cuộc sống hàng ngày”.

Để những mẩu chuyện về Bác được áp dụng vào thực tế, bản thân ông luôn trăn trở và tìm cách hay để làm. Ông luôn gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ vững hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ gần gũi, thân thiện; sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ mọi người và chung sức, chung lòng để xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp. Bên cạnh đó, ông tích cực tuyên truyền, kêu gọi người dân thi đua lao động, sản xuất, xây dựng gia đình văn hóa; đồng thời, vận động người dân quyên góp, ủng hộ những gia đình khó khăn, giúp họ vươn lên thoát nghèo.

Những mẩu chuyện về Bác là bài học quý luôn được cựu chiến binh Nguyễn Văn Đức học tập, làm theo

Những mẩu chuyện về Bác là bài học quý luôn được cựu chiến binh Nguyễn Văn Đức học tập, làm theo

2. Tham gia phong trào học sinh, sinh viên trước ngày 30/4/1975, sau khi đất nước thống nhất, tiếp tục tham gia chiến trường biên giới Tây Nam, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, rồi về hưu năm 2012 nhưng CCB Nguyễn Văn Đức (huyện Đức Hòa) vẫn tiếp tục cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước và hiện nay là Chủ tịch Hội CCB huyện Đức Hòa.

Với vai trò lãnh đạo, những năm qua, CCB Nguyễn Văn Đức phát huy hết sức lực cống hiến, xây dựng Hội ngày càng vững mạnh, giữ tốp đầu trong tỉnh. Nhiều mô hình do Hội tổ chức được nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Đời sống của hội viên (HV) được chăm lo, không ngừng nâng cao. Nếu như năm 2012, Đức Hòa có 12 HV thuộc hộ nghèo, 25 HV thuộc hộ cận nghèo thì đến thời điểm hiện nay không còn HV thuộc hộ nghèo, HV cận nghèo chỉ còn lại 10 hộ.

CCB Nguyễn Văn Đức cho biết: “Tính đến nay, tôi vinh dự được 4 lần vào viếng Lăng Bác. Nhiều câu chuyện về Bác khiến tôi rất xúc động, nhiều lần phải cầm khăn lau nước mắt khi nhắc đến. Các mẩu chuyện về Bác mang ý nghĩa to lớn đối với bản thân tôi, giúp tôi học tập, làm theo. Trong đó, mẩu chuyện về “thời gian”, tôi rất tâm đắc. Nội dung cơ bản của câu chuyện này là năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại lễ tốt nghiệp khóa V Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ là 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người vẫn chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”. Cũng về giờ giấc, trong kháng chiến chống Pháp, một đồng chí sĩ quan cấp tướng đến làm việc với Bác chậm 15 phút, tất nhiên là có lý do: Mưa to, suối lũ, ngựa không qua được. Bác bảo: “Chú làm tướng mà chậm đi mất 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai bao nhiêu? Hôm nay, chú đã chủ quan không chuẩn bị đủ phương án, nên chú không giành được chủ động”. Một lần khác, Bác và đồng bào phải đợi một đồng chí cán bộ đến để bắt đầu cuộc họp. Bác hỏi: “Chú đến muộn mấy phút?”. Đồng chí kia trả lời: “Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ!”. Bác bảo: “Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây”.

Năm 1953, Bác quyết định đến thăm lớp chỉnh huấn của anh em trí thức, lúc đó đang bước vào cuộc đấu tranh tư tưởng gay go. Sắp đến giờ lên đường, bỗng trời đổ mưa xối xả. Các đồng chí làm việc bên cạnh Bác đề nghị cho hoãn đến một buổi khác. Có đồng chí còn đề nghị tập trung lớp học ở một địa điểm gần nơi ở của Bác… Nhưng Bác không đồng ý, đã hẹn thì phải đến, đến cho đúng giờ, đợi trời tạnh thì đến bao giờ? Thà chỉ mình Bác và vài chú nữa chịu ướt còn hơn để cả lớp phải chờ uổng công. Thế là Bác lên đường đến thăm lớp chỉnh huấn đúng lịch trình trong tiếng reo hò sung sướng của các học viên…”.

Theo ông Nguyễn Văn Đức, Bác Hồ của chúng ta quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu. Chính vì vậy, trong suốt cuộc đời, Bác không để bất cứ ai đợi mình. Sự quý trọng thời gian của Bác thực sự là tấm gương sáng để chúng ta học tập. Những câu chuyện về Bác là lời nhắc nhở, động viên để bản thân ông cố gắng thực hiện tốt những nhiệm vụ, kế hoạch đề ra, góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp./.

Lực nguyễn

Chia sẻ bài viết