Tiếng Việt | English

03/08/2020 - 17:00

Cựu chiến binh vượt khó vươn lên

Những năm qua, phong trào Cựu chiến binh (CCB) gương mẫu trên địa bàn tỉnh Long An trở thành động lực khơi dậy ý thức tự lực, vượt khó vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng ngay trên quê hương của hội viên (HV) CCB. Từ trong phong trào nổi lên nhiều tấm gương CCB làm kinh tế giỏi và nhiều HV tham gia Câu lạc bộ doanh nhân CCB.

Không cam chịu đói nghèo

Qua giới thiệu của Hội CCB xã Tân Lân, huyện Cần Đước, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của gia đình CCB Nguyễn Văn Năm. Trò chuyện với ông, chúng tôi được biết, năm 1973, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông trở về địa phương, bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Năm mạnh dạn chuyển đổi lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp

Những ngày đầu xây dựng kinh tế, ông gặp không ít khó khăn, cả gia đình khi ấy chỉ trông chờ vào số diện tích đất biền trũng. Dù vợ chồng ông vất vả làm lụng cũng không dư dả. Những suy nghĩ về việc lựa chọn hướng phát triển phù hợp để đưa kinh tế gia đình đi lên khiến ông trăn trở hàng đêm. Với bản chất người lính Cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, ông mạnh dạn tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế ở nhiều nơi. Năm 1981, ông mạnh dạn đầu tư nuôi vịt thịt và bò sinh sản. Ban đầu, do thiếu kinh nghiệm, gặp nhiều khó khăn, có lúc ông tưởng chừng phải bỏ cuộc. Nhưng ý chí và nghị lực của người lính đã giúp ông vượt qua khó khăn. Ông tự mày mò học hỏi và quyết định chuyển từ nuôi vịt thịt sang nuôi vịt lấy trứng.

Sau nhiều năm kiên trì, đến nay, mô hình kinh tế của gia đình ông mang lại thu nhập ổn định. Ông Năm cho biết: “Với hơn 400 con vịt lấy trứng, mỗi ngày, tôi thu được từ 280-350 trứng. Đây là nguồn thu nhập chính giúp cải thiện kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn nuôi thêm 3 con bò sinh sản, cho thu nhập 30-40 triệu đồng/năm. Nhờ những mô hình chăn nuôi này, gia đình tôi mới có điều kiện nuôi con ăn học. Đến nay, 5 người con của tôi đều có gia đình và công việc ổn định”.

Hiện nay, ngoài 400 con vịt lấy trứng và 3 con bò sinh sản, gia đình ông Năm còn canh tác thêm 2ha lúa (mỗi năm 2 vụ). Từ mô hình kinh tế tổng hợp trên, gia đình ông thu nhập trên 400 triệu đồng/năm. Không chỉ sản xuất giỏi, ông Năm còn là CCB gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của địa phương. Là người có uy tín trong cộng đồng, ông luôn lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân kết hợp tuyên truyền, vận động xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ gia đình khó khăn trong ấp từng bước phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống. Chủ tịch Hội CCB xã Tân Lân - Bùi Ngon cho biết: “Phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, CCB Nguyễn Văn Năm đã nỗ lực vượt khó, phát triển kinh tế và trở thành HV CCB điển hình, xứng đáng là tấm gương để các HV khác học tập và noi theo”.

Trở thành doanh nhân

Nhắc đến CCB Nguyễn Văn Hy (SN 1958), ngụ ấp 5, xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, nhiều người dân địa phương, nhất là HV Hội CCB ở các xã lân cận đều khâm phục bởi ý chí vượt khó vươn lên và tư duy làm kinh tế của ông.

Ông Hy là con út trong gia đình đông con nên từ nhỏ đã sớm lam lũ kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Năm 1979, ông tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam. Sau đó, ông được điều về Cục Kỹ thuật Quân khu 9, phụ trách lĩnh vực chuyên sửa chữa tàu quân sự. Năm 2000, ông rời quân ngũ trở về quê hương lập nghiệp.

Doanh nhân - cựu chiến binh Nguyễn Văn Hy luôn tích cực học tập và làm theo gương Bác

Trở về cuộc sống đời thường với hai bàn tay trắng nhưng người CCB này vẫn giàu nghị lực vươn lên. Cuộc sống gia đình lúc bấy giờ thật sự khó khăn, không vốn liếng nên ông ngày ngày làm thuê, còn vợ mua bán tại chợ quê để đắp đổi qua ngày. Vất vả mưu sinh mà cuộc sống vẫn bấp bênh, khi các con lần lượt ra đời, khó khăn càng khó khăn hơn. Ông bàn với gia đình vay mượn một ít vốn để “tầm sư học đạo”, tìm hiểu mô hình gia trại, trang trại nuôi heo mang lại hiệu quả. Sau đó, ông bàn với vợ, muốn thoát khỏi cảnh nghèo thì phải táo bạo, đổi mới tư duy lao động, sản xuất. Để có vốn, hai vợ chồng mạnh dạn vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rồi mượn thêm họ hàng. Ông mạnh dạn đầu tư chuồng trại nuôi heo và mở cửa hàng bán thức ăn gia súc. Hơn 5 năm sau, ông đã trả hết nợ và có nguồn thu đáng kể. Về sau, thấy chăn nuôi cũng bấp bênh vì ảnh hưởng dịch bệnh nên ông quyết định bán đàn heo hơn 100 con để đầu tư mua xe tải phục vụ việc kinh doanh cửa hàng thức ăn gia súc. Hiện nay, cuộc sống gia đình đã ổn định. Ngoài việc mua bán, ông còn xây thêm 4 căn nhà trọ cho thuê, hàng tháng có thêm thu nhập khoảng 6 triệu đồng. Ông Hy là CCB duy nhất của huyện Tân Trụ tham gia Câu lạc bộ Doanh nhân CCB - Cựu quân nhân tỉnh. 

Bên cạnh việc đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh, xây dựng kinh tế gia đình, ông Hy còn quan tâm, giúp đỡ, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi và hỗ trợ vốn cho đồng đội khó khăn. Hàng năm, ông đều tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn nhân dịp lễ, tết. Ông luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào của Hội CCB phát động. Ông Hy cho biết, thời gian tới, gia đình tiếp tục mở rộng phát triển kinh tế; đồng thời tạo điều kiện giúp HV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần cùng địa phương thực hiện công tác giảm nghèo.

Ông Năm, ông Hy là những CCB tiêu biểu, giữa cuộc sống đời thường vẫn giàu ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên./.

Ông Nguyễn Văn Năm, ông Nguyễn Văn Hy là những cựu chiến binh tiêu biểu, giữa cuộc sống đời thường vẫn giàu ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên”.

Huỳnh Phong - Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết