Anh Trần Quốc Trọng và sản phẩm rượu vang
Rượu vang thanh long tìm “chỗ đứng”
Sống giữa “thủ phủ” thanh long, anh Trần Quốc Trọng, ngụ xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An luôn trăn trở vì thấy người dân chỉ trồng và bán thanh long tươi, chưa qua chế biến để tăng giá trị. Từ đó, anh nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm rượu vang thanh long. Năm 2012, Công ty (Cty) TNHH MTV Sản xuất rượu Thanh Long do anh làm chủ được thành lập, thực hiện các bước kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, đăng ký sở hữu nhãn hiệu.
Cty có năng lực sản xuất khoảng 80.000 lít rượu vang/năm, hiện tại chỉ dừng ở mức 15.000 lít/năm do chưa mở rộng thị trường. Rượu được bán thông qua đại lý ở các tỉnh miền Tây, miền Trung với 5 loại: 2 loại rượu đỏ, 2 loại rượu trắng (đều 13 và 17 độ) và 1 loại rượu mạnh 29 độ. Anh Trọng cho biết: “Năm 2017, Cty được Sở Công Thương và các ngành liên quan mời chuyên gia người Hàn Quốc chuyên chế biến rượu vang đến hỗ trợ về kỹ thuật, chuyển giao công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất rượu vang. Nhờ vậy, các công đoạn sản xuất rượu vang đã rút ngắn, chất lượng sản phẩm được nâng lên. Trước đây, 1 mẻ rượu (từ 1.000-2.000 lít) mất 2 năm để ủ, nay chỉ ủ trong 4 tháng”.
Các công đoạn làm rượu vang thanh long không quá cầu kỳ gồm bỏ vỏ, xay, tách hạt, lấy phần nước làm rượu. Cứ 5 tấn thanh long sẽ cho ra 1.000 lít rượu. Anh Trọng cho rằng, làm rượu vang khó nhất ở khâu ngâm ủ, nếu không cẩn thận, có thể hỏng. Sau khi được hỗ trợ kỹ thuật từ chuyên gia người Hàn Quốc, hiện anh làm chủ hoàn toàn công thức chế biến rượu vang và có thể điều chỉnh độ rượu theo mong muốn. Ngoài thành công với rượu vang, anh Trọng còn tiếp cận công thức làm mứt thanh long từ chuyên gia người Hàn Quốc. Hiện, anh có thể chủ động quy trình chế biến mứt thanh long với 4 vị trái câytừ tắc (hạnh), khóm, chanh, chanh dây để cho ra 4 loại mứt khác nhau (dùng làm món ăn với bánh mì sandwich).
Anh Trọng cho biết thêm: “Cty thành công với việc sản xuất thử nghiệm mứt thanh long và chế biến thô, xuất khẩu tại chỗ cho doanh nghiệp nước ngoài. Tôi đang thực hiện các bước tiếp theo để có thể chủ động đưa mứt ra thị trường trong nước vào đầu năm 2019. Riêng sản phẩm rượu vang, công ty tiếp tục tham gia xúc tiến thương mại qua các hội chợ, triển lãm do Sở Công Thương tổ chức để mở rộng thị trường, tạo chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm”.
Mở rộng sản xuất thanh long sấy dẻo
Khách tham quan gian hàng trưng bày của huyện Châu Thành tại Lễ hội Lúa gạo và Triển lãm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ I năm 2018 (được tổ chức tại Long An) rất thích sản phẩm thanh long sấy dẻo. Đây là sản phẩm do anh Nguyễn Ngọc Phan (ấp Hội Xuân, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành), chủ Cơ sở sản xuất, kinh doanh thanh long sấy Long Châu, lên ý tưởng và thực hiện. Anh Phan chia sẻ: “Diện tích thanh long trên địa bàn huyện ngày càng được mở rộng, sản lượng tăng nhanh. Thanh long chủ yếu xuất khẩu trái tươi sang thị trường Trung Quốc nhưng giá cả thường xuyên biến động. Tôi từng chứng kiến cảnh nông dân đổ bỏ thanh long do không xuất khẩu được, trái thanh long tươi chỉ bảo quản được trong 20-22 ngày nên nảy sinh ý tưởng sấy dẻo thanh long”. Bày tỏ ý tưởng với những người bạn, anh Phan được anh Lý Minh Được hỗ trợ nghiên cứu, tìm tòi, mua linh kiện, thiết bị lắp ráp thử nghiệm chế tạo máy sấy.
Anh Được cho biết: “Nếu thanh long sấy khô sẽ mất vị, sấy dẻo là phương án tốt nhất nên tôi và anh Phan chọn phương án này. Đến nay, có thể đưa sản phẩm ra thị trường”.
Thanh long sấy dẻo
Phương pháp sấy dẻo thanh long được anh Được làm theo kiểu tách nước với nhiệt độ từ 45-55oC. Hiện, anh thiết kế thành công 4 lò sấy. 1 lò cho ra 4kg thành phẩm trong 20 giờ hoạt động. Bình quân 15kg thanh long tươi cho ra 1kg thanh long sấy dẻo. Anh Phan cho biết: “Thanh long sấy dẻo được kiểm nghiệm và đáp ứng tốt các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Tôi đang chuẩn bị các điều kiện về nhà xưởng để tăng lên 40-50 lò sấy. Đặc biệt, sau khi mang sản phẩm tham gia Lễ hội Lúa gạo, khách hàng biết đến và mong muốn hợp tác, phân phối ra thị trường trong và ngoài nước. Đây là tín hiệu khả quan”.
Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức cho biết: “Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị trái thanh long, giảm áp lực khâu tiêu thụ trái tươi, tỉnh đang kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực cả về vốn lẫn kỹ thuật xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến các sản phẩm từ thanh long. Cùng với đó, tỉnh có chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh, trong đó có thanh long”./.
Gia Hân