Tiếng Việt | English

21/10/2023 - 10:56

Dai dẳng nỗi đau tai nạn lao động

Sau mỗi vụ tai nạn lao động (TNLĐ), nỗi đau mất người thân, gánh nặng mưu sinh đè nặng lên vai người ở lại.

1. Vốn là người hoạt bát, năng nổ và hiếu thảo, thế nhưng, kể từ ngày bị TNLĐ, anh N.H.P. (SN 1993, ngụ ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, tỉnh Long An) trở nên cộc cằn, ít nói, thậm chí không muốn nói chuyện với bất cứ ai. Giờ đây, tất cả sinh hoạt cá nhân của anh phải dựa vào sự giúp đỡ của người cha già bị khuyết tật một chân.

Ông Nguyễn Trúc An (cha anh P.) bộc bạch: “Sáng, tôi thức dậy sớm nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa và vệ sinh cá nhân cho con trai, sau đó mới đi bán vé số. Mẹ P. mất đã lâu, cha con nương tựa nhau mà sống. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, P. học hết lớp 12 thì nghỉ để đi làm.

Trước đây, P. làm được bao nhiêu tiền đều dành dụm sửa nhà, lo chi phí sinh hoạt trong gia đình. Còn giờ, nhìn con nằm một chỗ khi tuổi đời còn quá trẻ, tôi cảm thấy rất chua xót!”.

Cách đây hơn 1 năm, trong một lần đi làm hồ, anh P. không may bị TNLĐ. Là lao động tự do, không tham gia các loại bảo hiểm, ông Trúc An phải tự bỏ tiền túi chạy chữa thuốc men cho con. Dòng họ thấy vậy phụ giúp anh P. chi phí thuốc men suốt 6 tháng điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Vụ tai nạn làm anh P. bị liệt hơn nửa thân người.

Chia sẻ với hoàn cảnh này, xã thường xuyên vận động nhà hảo tâm tặng quà, nhu yếu phẩm nhân các dịp lễ, tết. Sự giúp đỡ, đồng cảm của mọi người giúp cha con anh P. có thêm niềm tin, nghị lực để sống tiếp.

Đoàn công tác của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đến thăm, tặng quà chị Nguyễn Phan Hiền Phương Thảo (thứ 3,trái qua, xã Bình Quới, huyện Châu Thành) nhân Tháng An toàn vệ sinh lao động

2. Năm 2022, chị Nguyễn Phan Hiền Phương Thảo (xã Bình Quới, huyện Châu Thành) không may bị TNLĐ trên đường đi làm về. Cú va chạm bất ngờ khiến chị bị thương tay, chân, gò má với tỷ lệ thương tật 69%. Hiện tại, chị phải nghỉ việc ở nhà, tất cả chi phí sinh hoạt trong gia đình dựa vào số tiền làm công nhân ít ỏi của chồng.

Chị Thảo chia sẻ: “Tôi bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về nên được tính là TNLĐ. TNLĐ xảy ra là điều không ai muốn bởi nó để lại nỗi ám ảnh, trở thành gánh nặng cho gia đình. Đến giờ, tôi vẫn chưa dám chạy xe. Giờ tôi cố gắng tập vật lý trị liệu, uống thuốc đầy đủ để sức khỏe sớm phục hồi, phụ chồng lo kinh tế trong gia đình”.

3. Vợ chồng bà Nguyễn Thị Hồng Xuyên (xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) có 3 người con. Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Trần Văn Kiệt (con bà Hồng Xuyên) nghỉ học sớm để đi làm kiếm thu nhập phụ cha mẹ lo cho 2 em.

Tháng 6/2022, trên đường đi làm về, anh Kiệt không may bị tai nạn và qua đời khi mới 19 tuổi. Sự ra đi đột ngột của anh để lại niềm tiếc thương, đau buồn cho người ở lại, bởi cha mẹ nào chịu được cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh.

Bà Nguyễn Thị Hồng Xuyên (thứ 2, phải qua, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) đau lòng kể về vụ tai nạn lao động của con trai

Bà Xuyên tâm sự: “Mới sáng, 2 mẹ còn nói chuyện với nhau. Con trai còn nói tháng này lãnh lương sẽ mua cho mẹ và em mấy bộ đồ mới. Vậy mà chiều lại nhận được tin con mất. Khi nghe tin, tôi ngã quỵ, không tin đó là sự thật. Đến giờ, lâu lâu nghĩ về con, tôi vẫn còn khóc”.

Hệ lụy TNLĐ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tính mạng và tinh thần của nhiều người. Do đó, người lao động và người sử dụng lao động cần phải chấp hành nghiêm các biện pháp an toàn vệ sinh lao động./.

Huỳnh Hương - Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết


Tạo cv xin việc nhanh chóng Giày bảo hộ hans chính hãng