Việc đánh giá cán bộ (CB) là khâu cơ bản và quan trọng của công tác CB. Đánh giá không đúng dẫn đến sử dụng CB một cách tùy tiện và làm mất đi động lực phấn đấu của cá nhân khác. Do đó, công tác CB nói chung và việc đánh giá CB nói riêng phải đúng thực chất để làm căn cứ bố trí, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm,…
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đánh giá CB phải đánh giá đúng về đức và tài, ý thức chính trị, lập trường và lòng trung thành với lý tưởng cách mạng; phải theo từng bước, lấy tiêu chuẩn hiệu quả, chất lượng công việc làm nền tảng và toàn bộ quá trình phấn đấu của CB, từ đó nhận xét, đánh giá một cách khoa học, công khai, khách quan và dân chủ. Đây là công việc khó khăn, phức tạp nên không thể tùy tiện, tránh đánh giá một cách hình thức, chủ quan, qua loa, nể nang và dĩ hòa vi quý.
Để thực hiện Di chúc của Bác về đánh giá CB, trước hết, CB lãnh đạo, quản lý khi xem xét, đánh giá phải công tâm, tránh cảm tính, một chiều hoặc xuất phát từ lợi ích của người đánh giá; phải có phương pháp khách quan, toàn diện, xem xét cả quá trình phát triển của CB. Ngoài ra, việc đánh giá phải phát huy tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, được tập thể cấp ủy và từng đơn vị, địa phương góp ý trên tinh thần thẳng thắn và dân chủ, tạo động lực để CB tiếp tục phấn đấu và rèn luyện.
Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là tìm ra những giải pháp thiết thực để sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm sau đánh giá.
Tăng cường kiểm tra, giám sát CB về tư tưởng, phẩm chất đạo đức, quan hệ công tác và sinh hoạt giúp cấp ủy có điều kiện thấy rõ quá trình phấn đấu, rèn luyện của CB, đảm bảo việc đánh giá thực chất, qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn những dấu hiệu vi phạm.
Đánh giá CB một cách công khai, thống nhất vừa giúp CB phát huy năng lực vừa là căn cứ để bố trí, bổ nhiệm CB đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới./.
Hoàn Thành