Tiếng Việt | English

30/10/2021 - 13:43

Đánh giá tiềm năng hợp tác kỹ thuật quân sự trong khuôn khổ NATO

Sản phẩm của ngành công nghiệp quốc phòng các quốc gia thành viên NATO được sử dụng để trang bị cho quân đội của họ và quân đội các nước thuộc Liên minh.

Tiềm năng công nghiệp

Hiện tại, NATO bao gồm 30 quốc gia ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Trong đó, hơn 2/3 số thành viên NATO có các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng riêng và dưới 1/3 thành viên có nền công nghiệp phát triển. Tuy vậy, chỉ một số ít quốc gia có thể độc lập tự cung tự cấp tất cả các sản phẩm quân sự. Nước có nền công nghiệp quốc phòng phát triển nhất trong khối NATO là Mỹ. Nước này sản xuất các loại vũ khí, khí tài và thiết bị hiện đại dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo Viện SIPRI, năm 2020, Pháp đứng thứ ba thế giới (sau Mỹ và Nga) về doanh số bán các sản phẩm quân sự. Ngành công nghiệp của Pháp độc lập và trong khuôn khổ hợp tác quốc tế - xuất khẩu xe bọc thép, tên lửa, các loại vũ khí khác và các hệ thống điện tử. Ngành công nghiệp Đức cũng có khả năng tương tự với thế mạnh là sản xuất xe tăng và vũ khí cỡ nhỏ.

Mỹ, Pháp và Đức thống lĩnh các vũ khí Lục quân trong NATO. Nguồn: Topwar

Mỹ, Pháp và Đức thống lĩnh các vũ khí Lục quân trong NATO. Nguồn: Topwar

Trong những năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã tích cực phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của mình. Ankara có thể sản xuất vũ khí cỡ nhỏ, một số loại xe bọc thép, tên lửa, UAV… Nước này cũng đang nỗ lực tạo ra trường phái xe tăng và máy bay riêng. Tuy nhiên, xét về các chỉ số chung, ngành công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bị tụt hậu so với các đồng nghiệp nước ngoài.

Các quốc gia khác cũng có những khả năng sản xuất, nhưng chỉ đối với một số mặt hàng nhất định. Trong khi đó, một số nước nhỏ chỉ có các nhà máy sản xuất đạn và sửa chữa. Về tổng thể, NATO có tất cả các khả năng sản xuất và tự chủ trong việc trang bị nội khối. Tiềm năng này được hiện thực hóa thông qua các hợp đồng thương mại và chương trình viện trợ giữa các quốc gia.

Đối với Lục quân

Phần lớn nguồn cung cấp của NATO là các hệ thống vũ khí và thiết bị dành cho lực lượng mặt đất. Sản xuất vũ khí quy mô nhỏ tồn tại ở một số quốc gia thuộc Liên minh, nhưng Mỹ vẫn là nước dẫn đầu trong lĩnh vực này. Trên cơ sở thương mại và hỗ trợ, Mỹ cung cấp cho các quốc gia đồng minh các mẫu vũ khí do các công ty khác nhau sản xuất. Ngành công nghiệp Mỹ đã cạnh tranh thành công trên thị trường NATO với các nhà sản xuất xe bọc thép và thiết bị tương tự.

Trong những năm gần đây, Pháp và Anh đã có thêm khách hàng mới. Đáng nói, vai trò của Đức với đại diện là Heckler & Koch, ngày càng lớn. Đức hiện chiếm một vị trí đặc biệt trong lĩnh vực xe thiết giáp. Trong những thập kỷ gần đây, xe tăng do Đức sản xuất đã trở nên phổ biến ở Châu Âu và nhiều quốc gia hiện đang đặt hàng Đức hiện đại hóa chúng. Gần đây, Đức đã nhận đặt hàng hiện đại hóa xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 của Anh.

F-35 sẽ chiếm vị trí hàng đầu trong đội máy bay NATO? Nguồn: Topwar

F-35 sẽ chiếm vị trí hàng đầu trong đội máy bay NATO? Nguồn: Topwar

Hầu hết các thành viên NATO vận hành các hệ thống pháo tự hành và pháo xe kéo do Mỹ sản xuất. Việc hiện đại hóa lực lượng pháo có sự tham gia của Mỹ, Pháp, Đức… Xét về tổng số, lượng xe pháo Châu Âu đang hoạt động chưa thể so sánh với các mẫu của Mỹ, nhưng chiếm một tỷ trọng đáng kể trong số lượng sản phẩm mua mới.

Không quân

Chỉ có nửa tá thành viên NATO có ngành công nghiệp hàng không. Một số quốc gia tham gia các dự án của nước khác, với tư cách nhà cung cấp các cấu phần và cụm máy riêng lẻ. Phần lớn các máy bay chiến đấu và hỗ trợ của NATO có nguồn gốc từ Mỹ. Tuy nhiên, một phần đáng kể trong tổng số máy bay là do Châu Âu sản xuất, như máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon. Đối với máy bay trực thăng, các sản phẩm của Mỹ và Châu Âu tương đương nhau.

Trong những năm gần đây, Mỹ đã tích cực quảng bá máy bay chiến đấu mới nhất là tàng hình cơ F-35. 8 quốc gia NATO muốn mua các máy bay này. Thổ Nhĩ Kỳ đã bị loại khỏi chương trình vào năm 2020, nhưng dự kiến ​​sẽ xuất hiện các khách hàng mới. Dự báo ​​trong tương lai xa, F-35 sẽ chiếm vị trí hàng đầu trong đội máy bay NATO và thay thế F-16.

Nhiều thành viên NATO có ngành công nghiệp đóng tàu chiến phát triển. Nguồn: Topwar

Nhiều thành viên NATO có ngành công nghiệp đóng tàu chiến phát triển. Nguồn: Topwar

Đáng lưu ý, hiện tại, các dự án quốc tế FCAS và Tempest với mục tiêu là tạo ra máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo đang được triển khai. Những máy bay này sẽ không xuất hiện cho đến đầu những năm 2030 và có thể vượt F-35 về mặt thương mại. Trong lĩnh vực vũ khí hàng không, các công ty Mỹ và Châu Âu đang có mức độ thành công tương đương nhau. Ngành công nghiệp Mỹ trong lĩnh vực này được đại diện bởi một số tập đoàn lớn, còn hầu hết các dự án của Châu Âu đều nằm trong tay tập đoàn quốc tế MBDA.

Hải quân

Hơn một chục quốc gia NATO có ngành đóng tàu quân sự riêng và có khả năng đáp ứng ít nhất một phần nhu cầu của hải quân như Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italy. Họ xây dựng và duy trì các hạm đội với quy mô và khả năng cần thiết. Ngoài ra, tiềm năng công nghiệp mạnh cho phép họ thâm nhập thị trường quốc tế và đáp ứng các đơn đặt hàng từ các quốc gia khác trong Liên minh.

Một ví dụ điển hình là dự án tàu đa năng MEKO của Đức. Trong vài thập kỷ, MEKO đã được chế tạo cho Hải quân Đức và theo đơn đặt hàng của các nước khác. Các dòng tàu này đã được 4 quốc gia NATO và 9 quốc gia khác đặt hàng. Bức tranh trong lĩnh vực vũ khí hải quân hầu như không thay đổi trong những thập kỷ gần đây. Phổ biến nhất là các hệ thống pháo do Italy và Mỹ sản xuất, tên lửa tấn công có xuất xứ Mỹ hoặc Pháp. Các nhà sản xuất Mỹ và Châu Âu đều đang nghiên cứu phát triển vũ khí thế hệ mới.

Hợp tác nội khối NATO

Trong khuôn khổ NATO, các chương trình hợp tác kỹ thuật-quân sự quốc tế đã được vạch ra và đang hoạt động. Các quốc gia tự sản xuất sản phẩm trang bị cho quân đội của họ, đồng thời cung cấp cho các quốc gia thân thiện. Kể từ khi thành lập NATO, Mỹ vẫn là quốc gia chính xuất khẩu vũ khí và thiết bị. Cường quốc này có một nền công nghiệp quốc phòng phát triển, có khả năng đáp ứng mọi đơn hàng. Họ cũng trích một ngân sách quân sự lớn trang bị cho quân đội của mình và giúp đỡ các đồng minh.

Cho đến nay, Mỹ vẫn giữ được vị thế là nhà cung cấp chính trong NATO, với những hiệu quả tích cực nhất định về kinh tế, chính trị. Một số quốc gia thuộc NATO không dựa vào hợp tác quốc tế, với khả năng của mình, đã cố gắng bảo tồn và phát triển ngành công nghiệp nội địa. Các nỗ lực và mục tiêu của họ đã đạt được một số thành công, nhưng vẫn còn một khoảng cách đáng kể so với Mỹ, về mọi mặt. Bức tranh này được dự đoán sẽ không thay đổi nhiều trong tương lai. Mỹ vẫn sẽ giữ vai trò nhà lãnh đạo chính trị và quân sự-kỹ thuật của NATO./.

VOV.VN(Theo Topwar)

Chia sẻ bài viết


Sale kịch sàn bình ắc quy Rocket 120ah