Tiếng Việt | English

29/11/2019 - 10:10

Dấu ấn đồng chí Chín Cần

Tham gia cách mạng vào tháng 02/1945, đồng chí Nguyễn Văn Chính (bí danh Chín Cần) có nhiều đóng góp cho cách mạng. Năm 1977-1984 là thời kỳ Long An và cả nước đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách do chiến tranh biên giới, lũ lụt, nhất là cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp,... đồng chí thực hiện cải tiến phân phối, lưu thông, được Trung ương đánh giá là sáng tạo và tư duy đổi mới. Đồng chí còn là người khởi động đắp Tỉnh lộ 49 (Quốc lộ 62), vạch chủ trương tiến quân khai phá Đồng Tháp Mười. Nhân dịp hội thảo khoa học, Báo Long An lược ghi ý kiến của một số nhà khoa học về sự đóng góp của đồng chí đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

► Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Long An - Đỗ Thanh Bình:

Tháng 8/1954, đồng chí Nguyễn Văn Chính được bầu lại làm Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Chợ Lớn, ông sắp xếp lại chi bộ, cho cán bộ “điều lắng”, đưa quần chúng ra đấu tranh chính trị với địch bằng biểu tình. Ông vừa chỉ đạo củng cố các cơ sở binh vận, duy trì các lớp huấn luyện chính trị ngắn hạn tại Rừng Sác, vừa tận dụng thời gian vào thành Sài Gòn tổ chức lại nơi làm việc của Tỉnh ủy. Cũng trong giai đoạn này, ông chỉ đạo Huyện ủy Cần Giuộc thành lập “Đại đội 12” (C12 vào tháng 01/1957). Đây là đơn vị vũ trang cách mạng đầu tiên ở vùng Nam Long An thời kỳ đầu chống Mỹ, ít lâu sau phát triển thành D508 và đánh trận Vàm Sác nổi tiếng.

Trong thời gian làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, phụ trách Tuyên huấn tỉnh (năm 1957), ông tham mưu và cùng Tỉnh ủy phát triển thành các đội vũ trang tuyên truyền đầu tiên nhằm hạn chế sự khủng bố của địch, khôi phục thế đấu tranh chính trị của quần chúng; chăm lo xây dựng các đơn vị vũ trang. Tháng 4/1959, ông thay mặt Tỉnh ủy đồng ý cho B45 thuộc D508 (tiền thân là C12) đánh đồn Gò Xoài - Vàm Sác (Cần Giuộc) bằng cải trang kết hợp nội ứng giữa ban ngày. Đây là trận đánh đồn hiệu quả và sớm nhất ở Long An thời chống Mỹ.

Từ tháng 11/1959 đến sau Đồng Khởi năm 1960, ông là Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chính trị viên Ban Chỉ huy Tỉnh đội. Ông xây dựng “3 thứ quân”, hình thành đội ngũ cán bộ tốt - nòng cốt ở khắp các huyện, khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa. Sau khi Long An nổ ra nhiều cuộc đấu tranh: Đánh đồn Đức Lập, đông đảo quần chúng kéo biểu tình vào thị trấn Đức Hòa và lan khắp các quận, huyện, giải phóng được một số vùng đất, ông chỉ đạo thành lập “Đại đội 1” - đơn vị cơ động đầu tiên của tỉnh vào năm 1960 tại Đức Huệ. Long An đồng khởi đợt 2, đợt 3,…và giành thắng lợi. Ông phát động toàn dân đẩy mạnh chiến tranh du kích, rào làng chiến đấu, cài chông mìn, lựu đạn, đạp lôi, chống địch càn quét, buộc địch phải phân tán chủ lực. Ông là người đề xuất mở trận tập kích vào Trung tâm huấn luyện biệt kích Hiệp Hòa. Năm 1964, Tiểu đoàn 1 Long An (tiền thân từ C1 cơ động) chính thức ra đời. Ông giao nhiệm vụ “ra quân phải đánh thắng!”. Tiểu đoàn 1 về sau trở thành đơn vị 3 lần Anh hùng!. 

 PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM:

Trong thời kỳ bao cấp, hàng hóa bị “ngăn sông cấm chợ”, đồng chí Chín Cần đột phá trong khâu phân phối, lưu thông, thực hiện cơ chế một giá, mua đúng giá, bán đúng giá;... cả 9 mặt hàng chiến lược do Trung ương quản lý. Về mua, áp dụng giá thỏa thuận, thấp hơn giá thị trường 10-15%. Về bán, thực hiện thống nhất một hệ thống giá, xóa bỏ chế độ cung cấp hàng hóa theo tem phiếu, bìa, sổ mua hàng. Những người được hưởng chế độ cung cấp hàng hóa được bù giá đủ tiêu chuẩn và theo đúng giá bán lẻ mới của thương nghiệp quốc doanh về 9 mặt hàng thiết yếu. Ngoài những mặt hàng đó, công nhân phải mua với giá cao, được quyền mua tự do. Khoản chênh lệch thu được do bán giá cao được dùng cho bù giá hàng giao cho Trung ương theo giá chỉ đạo, bù giá cho các đối tượng hưởng chế độ cung cấp, hỗ trợ kinh doanh, giải quyết cứu tế xã hội, hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng,…

Với tư duy “nếu cứ để tiếp tục khủng hoảng như thế này thì dân chết mà Đảng cũng chết”, ông áp dụng cho Long An “làm chui” đối với một số mặt hàng như mía đường và đậu phộng. Việc làm này đạt những kết quả khả quan, giúp tỉnh đủ lượng đường và đậu phộng phân phối trong nhân dân và kịp thời làm chủ thị trường. Sau đó, Long An tiếp tục thực hiện cơ chế một giá, xây dựng phương án thu mua nông phẩm và bán vật tư nông nghiệp với giá thỏa thuận. Việc thu mua không gò bó theo hợp đồng hai chiều hoặc trao đổi hai chiều theo giá chỉ đạo mà mua và bán theo giá thỏa thuận. Từ đó, sản xuất phục hồi, kinh tế phát triển. Chỉ sau thời gian áp dụng bù giá vào lương, cuối năm 1980, hơn 300 công nhân xin nghỉ việc đã quay trở lại làm việc. Việc bù giá vào lương thực sự làm cho người dân, nhất là cán bộ, công nhân viên chủ động hơn trong cuộc sống,...

► TS Lưu Văn Quyết - Trưởng khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM:

Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy (từ tháng 4/1977 đến 3/1984), đồng chí Chín Cần nhiều lần cùng các đoàn cán bộ đi khảo sát, nghiên cứu thực địa các xã, các tiểu vùng vào những thời điểm khác nhau. Từ đó, đúc kết cơ sở khoa học, đề ra chủ trương khả thi để khai hoang, mở rộng diện tích sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH, phân bố lại dân cư và lao động,... Thời kỳ đầu triển khai Chương trình Đồng Tháp Mười, Long An chú trọng đầu tư vốn, lao động, xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi, quy hoạch điểm dân cư mới, đặt nền móng cho cuộc tiến quân vào khai phá Đồng Tháp Mười.

Chương trình khai thác Đồng Tháp Mười đòi hỏi mức đầu tư tài chính lớn. Ngoài nguồn ngân sách của tỉnh còn có nguồn vốn kinh tế mới cũng được sử dụng kết hợp để cải tạo đất hoang và đào kênh. Con lộ 49 xuyên qua bưng biền dần hình thành từ sức dân và lòng quyết tâm chinh phục, cải tạo vùng đất mới. Bình quân mỗi năm, có hơn 100 hộ được đưa lên Đồng Tháp Mười, khai hoang mỗi năm hơn 1.000ha đất sản xuất lúa. Ông Chín chủ trương thành lập các đoàn quân lao động chủ lực, mạnh về sức trẻ, chặt chẽ về tổ chức, cơ động nhanh trên mọi địa bàn, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ “Tiến quân vào Đồng Tháp Mười”. Ngoài ra, tỉnh còn huy động nhân dân, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang tham gia lao động công ích cho chương trình; huy động các nguồn lực lao động và vốn để xây, mở các tuyến đường huyết mạch, tạo cầu nối cho việc lưu thông từ Tân An đến các địa phương vùng Đồng Tháp Mười;... Từ những chính sách đó, vùng đất bưng biền, hoang vu, vùng Đồng Tháp Mười trở nên trù phú, là vựa lúa lớn của tỉnh và cả nước./.

Nguyệt Nhi (lược ghi)

Chia sẻ bài viết