Tiếng Việt | English

01/03/2023 - 10:16

Đau đầu bảo vệ con trước mạng xã hội

Không thể cấm vì càng làm thế chúng càng tò mò, nhưng thả cho con tự do vào mạng xã hội, nỗi lo càng lớn hơn, thật là "tiến thoái lưỡng nan".

Bớt dùng điện thoại, cùng con xem một bộ phim hoạt hình thiếu nhi là cách chị Trâm chọn để hạn chế việc con lạm dụng lướt mạng xã hội

Không ít phụ huynh đang đau đầu tìm lời giải cho bài toán này vì đã phát sinh những tình huống "xin lỗi chịu không nổi". Nhưng chủ động hướng dẫn để con biết và sử dụng mạng xã hội đúng cách, hữu hiệu cũng chẳng hề đơn giản.

Lỡ một lần và...

Chị Ngọc Lan (32 tuổi, quận Bình Tân, TP.HCM) là bà mẹ hai con: bé Hổ (lớp 3) và bé Sam (1 tuổi). Công việc nội trợ, chăm sóc, đưa đón con học hành cùng hàng trăm thứ việc không tên... hầu như lúc nào cũng cuốn lấy người mẹ trẻ. Nhưng với chị, công việc ngốn nhiều công sức nhất chính là cho con ăn, nhất là khi có đứa con biếng ăn lại càng khốn khổ hơn.

Chuyện cho con ăn mỗi ngày với chị khá vất vả. Và "mẹo" mà chị áp dụng để con chịu ngồi yên, ăn nhanh không gì khác là thảy cho con chiếc điện thoại. Cứ mở điện thoại hay tivi kết nối mạng để con vào xem là thể nào bữa cơm cũng bớt tiếng nạt nộ quát mắng. Còn không là y như rằng, cả bữa "cơm không lành, canh không ngọt" xen lẫn cả nước mắt, thậm chí là đòn roi.

Thế nhưng như chính chị Lan trải lòng, nỗi day dứt nhất của chị là đã tập hư cho con xem điện thoại, vào mạng quá sớm. "Không biết bé có hiểu thế nào về những clip được xem nối tiếp nhau trên đó nhưng cứ mở thì sẽ ngồi yên, ăn nhanh, thậm chí ngồi xem vài tiếng cũng không hề hấn gì", chị Lan tâm sự.

Trường hợp khác, chị Trâm (30 tuổi, quê Quảng Trị) kể chỉ một lần mở TikTok cho con xem mà ân hận mãi vì đến giờ chưa biết sửa sai cách nào! Bé Moon (6 tuổi), cô con gái của chị chỉ cần ba mẹ sơ hở là tìm cách mở điện thoại, vào mạng. Từ lần được cho xem TikTok cùng mẹ, tới nay Moon biết cách tự tìm vào các mạng xã hội khác. Mặt chữ chưa thuộc nhưng cô bé hoàn toàn có thể tìm được các thứ mình muốn coi nhờ tính năng tìm kiếm bằng giọng nói.

Ban đầu, chị Trâm nghĩ đơn giản rằng cùng con chơi mạng xã hội cũng là cách trang bị cho con kiến thức và kỹ năng về công nghệ số. "Bất ngờ vì dù không hề chỉ dạy nhưng con bé biết đủ thứ trên mạng. Ngay cả khi mình cấm con không được xem điện thoại nữa nhưng hễ có cái gì "hot trend" nổi lên trên mạng bé cũng biết, rất khó để cấm", chị Trâm kể.

Rắn hay buông đều khó

Nhưng không thể tách con khỏi đời sống mạng là thực tế hiện hữu mà ai cũng phải thừa nhận. Chị Quỳnh Liên (40 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) nói không nên cấm con chơi mạng xã hội vì thế là gián tiếp tách con ra khỏi bạn bè đồng trang lứa. Để con không "lệch đường ray", chị chọn cách lặng lẽ giám sát con, từ nhắn tin, tương tác với mọi người cho tới lượt tìm kiếm trên điện thoại của cậu con trai đang học lớp 8.

Dù biết con đang trong độ tuổi tìm hiểu, muốn khám phá những điều mới nhưng bỗng dưng một ngày phát hiện con trai mình là thành viên một hội nhóm vốn không mấy phù hợp khiến chị Liên không khỏi bàng hoàng. Bạn Sơn (con trai chị Liên) nói tham gia các hội, nhóm liên quan đến tình yêu, giới tính là điều bình thường và chẳng có gì là sai trái! Cậu lập luận việc mình vào các hội, nhóm chơi xe độ xem các clip ngắn với những màn rồ ga, bốc đầu... chỉ là thỏa mãn sở thích thôi.

Nói chuyện, lắng nghe và cả răn dạy, từ mềm mỏng đến nói rắn nhưng cũng chỉ "được vài bữa rồi đâu lại vào đấy", rồi chị chốt bảo "rào cản tuổi tác và định kiến tư duy". "Con cá tính cũng mừng nhưng tụi trẻ bây giờ "lớn" sớm thế, dễ "nổi loạn". Biết con nói như vậy nghĩa là nó đã nghĩ đến chuyện tốt xấu nhưng hơi lo biết đâu với hai chữ đam mê mà ngày nào đó con cũng rồ ga bốc đầu như trong những clip kia rồi sao", chị Liên nói./.

Làm bạn cùng con trên mạng, được không?

Không cấm con chơi Facebook, thậm chí còn hỗ trợ con trong việc lập tài khoản là cách chị Thùy Dung (44 tuổi, TP.HCM) từng làm khi con gái mình vừa lên 13 tuổi. Nhưng như chị thừa nhận mình cũng đau đầu không biết diễn giải ra sao để con hiểu thế nào là cường độ sử dụng mạng chừng mực, ý thức việc cần bảo vệ danh tính, thông tin cá nhân trên mạng xã hội.

Nghĩ mãi, cuối cùng chị chọn cách "làm bạn cùng con trên không gian mạng" bằng cách đăng ảnh và tương tác cùng con, chia sẻ thông tin bổ ích trên mạng. Thay vì cấm đoán, chị thường trò chuyện và khéo léo hướng dẫn con tận dụng công nghệ để phục vụ việc học, lựa chọn không gian để con thể hiện mình.

"Tôi biết không dễ để làm được tất cả điều mình muốn một cách trọn vẹn vì cần quá trình, sự chia sẻ với nhau. Bởi càng cấm con càng làm nên phải cùng chơi, cùng hướng dẫn, nhất là cho con biết rằng bố mẹ luôn quan sát con dù đang ở không gian mạng hay đời thực", chị Dung nói.

Theo TTO

Chia sẻ bài viết