Chuẩn hóa chất lượng nông sản
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, Sở phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức nhiều hội nghị nhằm kết nối cung - cầu giữa các DN thu mua nông sản (xuất khẩu và tiêu thụ trong nước) với các HTX, nông dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở tổ chức nhiều cuộc tập huấn triển khai các quy định khi tham gia xuất khẩu nông sản sang các thị trường tiềm năng như châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ,... Qua đó, tạo điều kiện cho nông sản của tỉnh tiếp cận các thị trường nước ngoài.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Công Thương đã hỗ trợ hơn 100 lượt doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh
Toàn tỉnh Long An hiện có gần 30.000ha đất trồng cây lâu năm, trong đó chủ yếu là các loại cây ăn quả như thanh long, chanh, mít, sầu riêng, xoài,... Đây là những sản phẩm chủ lực của tỉnh đang được phát triển, hình thành vùng sản xuất tập trung phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường cho biết, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung hỗ trợ DN, HTX, nông dân xây dựng mã số vùng trồng (MSVT) phục vụ xuất khẩu cho những cây trồng có tiềm năng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 288 lượt MSVT với tổng diện tích trên 13.734ha, xuất khẩu sang các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, EU, Nga, Anh, Trung Quốc.
Nông sản được cấp nhiều MSVT nhất là thanh long, kế đến là chanh, dưa hấu, chuối, sầu riêng, xoài, khoai lang,... Ngoài ra, toàn tỉnh có 163 cơ sở đóng gói được cấp mã số, trong đó thanh long 109 cơ sở; chanh 31 cơ sở; chuối 2 cơ sở; mít, sầu riêng, xoài 21 cơ sở.
Huyện Tân Thạnh hiện có trên 2.069ha đất trồng cây ăn quả, trong đó chủ yếu là mít, sầu riêng và chanh, tập trung nhiều ở xã Tân Lập, Tân Ninh, Nhơn Ninh, Tân Thành. Nhằm tìm đầu ra ổn định cho nông sản và xây dựng thương hiệu riêng, huyện phối hợp các ngành tạo điều kiện cho nông dân xây dựng MSVT, mã số cơ sở đóng gói.
Huyện Tân Thạnh hiện có 3 mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu đi Trung Quốc
Đến nay, huyện Tân Thạnh xây dựng được 5 MSVT, trong đó 3 MSVT trên cây sầu riêng, 1 MSVT dưa hấu xuất đi Trung Quốc và 1 MSVT cho chanh không hạt xuất đi châu Âu. Đồng thời, huyện có 2 MSVT nội địa trên cây lúa; 6 HTX, tổ hợp tác đạt chứng nhận VietGAP và 1 cơ sở sản xuất nấm đạt chứng nhận hữu cơ.
Ông Nguyễn Văn Hoàng (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) chia sẻ: “Với gần 2ha sầu riêng hơn 6 năm tuổi, gia đình tôi được chính quyền địa phương và các ngành chức năng hỗ trợ xây dựng MSVT nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Để được cấp MSVT, gia đình tôi canh tác đúng quy trình kỹ thuật mà ngành chức năng hướng dẫn, sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo danh mục cho phép và ghi chép nhật ký sản xuất đầy đủ”.
Đẩy mạnh thương mại điện tử
Bên cạnh các kênh phân phối truyền thống, thời gian gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) trở thành kênh phân phối mới giúp nông dân, HTX và DN thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tiêu thụ nông sản. Khi tham gia vào TMĐT, nông dân, HTX, DN nông nghiệp có cơ hội mở rộng số lượng và đối tượng khách hàng. Việc mua bán, điều tiết hàng hóa từ nơi thừa sang nơi thiếu diễn ra linh hoạt và nhanh chóng. Việc liên kết, tiêu thụ giữa các bên được thực hiện thông qua các đơn vị vận chuyển chuyên nghiệp.
Công ty (Cty) TNHH Thương mại Sản xuất PURE (xã Tân Long, huyện Thủ Thừa) chuyên sản xuất tinh dầu tràm mang thương hiệu Con Yêu là một trong nhiều đơn vị tận dụng TMĐT để tiếp thị sản phẩm. Giám đốc Cty TNHH Thương mại Sản xuất PURE - Nguyễn Quốc Vũ cho biết: “Hiện tại, Cty bán hàng qua nhiều kênh phân phối, trong đó có TMĐT. Bởi, xu hướng lớn nhất của các DN lẫn nhà bán lẻ là bán hàng đa kênh, đẩy mạnh bán hàng online bên cạnh tối ưu hóa kênh bán hàng truyền thống. Khi tham gia sàn TMĐT, Cty dễ dàng quảng bá sản phẩm, giảm nhiều chi phí trong khâu bán hàng”.
Sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại Sản xuất PURE trên sàn thương mại điện tử do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh - Phạm Văn Phong, để đưa nông sản lên các sàn TMĐT hiệu quả, nông dân cần lưu ý khâu sản xuất phải bảo đảm chất lượng, mẫu mã, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP,… Các sản phẩm qua sơ chế, chế biến phải có nhãn mác, công bố hợp quy, thông tin rõ ràng,... Mặt khác, sản phẩm phải bảo đảm tính đồng đều, có sự trau chuốt hình ảnh sản phẩm trên các sàn TMĐT.
Hiện toàn tỉnh có trên 50 gian hàng đăng ký tham gia với trên 485 sản phẩm được trưng bày trên các sàn TMĐT. Bên cạnh đó, Sở Công Thương còn phối hợp Bưu điện tỉnh, Viettel hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh, HTX, DN nông nghiệp,... trong tỉnh quảng bá hình ảnh, phát triển sản phẩm và nhận diện thương hiệu trên sàn TMĐT (https://postmart.vn, https://voso.vn). Đến nay, có trên 63.200 tổ chức, cá nhân bán hàng trên 2 sàn TMĐT này với trên 7.650 sản phẩm được đăng ký.
Ngoài ra, Sở giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh qua nhóm Zalo, Facebook; xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại
Từ đầu năm 2023 đến nay, ngành chức năng hỗ trợ các DN, HTX, chủ thể kinh tế tham gia hội chợ tại TP.Hà Nội, TP.Cần Thơ, tỉnh Lào Cai, Hậu Giang,...; kết nối Hiệp hội Thanh long Long An với Hội Liên hiệp thương mại APEC BCI về bao tiêu và đầu tư sản phẩm với các DN, cùng nhiều chương trình, chính sách khác nhằm giúp DN mở rộng thị trường tiêu thụ.
Thông tin từ Sở Công Thương, từ đầu năm 2023 đến nay, Sở hỗ trợ trên 100 lượt DN tham gia các hội chợ, triển lãm; hỗ trợ nhiều DN tiếp đoàn khảo sát và kết nối trực tiếp với nhiều DN đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc;...
Công nhân sơ chế, đóng gói nông sản (xoài) để xuất khẩu
Là một trong những DN thường xuyên góp mặt tại các hội chợ thương mại, hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, Cty TNHH Một thành viên Vườn Nhà Mình (xã Tân Bình, huyện Tân Trụ) mang các sản phẩm được chế biến từ cây chùm ngây đến với khách hàng gần xa.
Theo Giám đốc Cty TNHH Một thành viên Vườn Nhà Mình - Phạm Ngọc Anh Tuấn, nhờ sự hỗ trợ từ Sở Công Thương, Cty có cơ hội được quảng bá sản phẩm của mình tại các hội chợ thương mại, hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Từ những hội chợ này, Cty có thêm nhiều khách hàng và ký được nhiều hợp đồng, việc kinh doanh của Cty cũng thuận lợi hơn.
Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ thông tin, vừa qua, Sở tổ chức Hội nghị kết nối giao thương DN logistics trong lĩnh vực TMĐT. Hội nghị diễn ra với tinh thần thân thiện và cởi mở. Các sở, ngành tỉnh, các địa phương và DN đã trao đổi khá nhiều nội dung về các xu hướng và cập nhật mới nhất trong lĩnh vực logistics, TMĐT và xuất, nhập khẩu.
“Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại và công nghiệp hỗ trợ tỉnh Long An năm 2023, từ đầu năm 2023 đến nay, Sở hỗ trợ các DN, HTX và chủ thể OCOP cung cấp thông tin mùa vụ, sản lượng thu hoạch, nuôi trồng; thời điểm thu hoạch sản phẩm nông nghiệp cho sàn TMĐT; hướng dẫn hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn TMĐT; xây dựng tài liệu hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký tài khoản và đưa sản phẩm lên sàn TMĐT bằng nhiều hình thức” - bà Châu Thị Lệ thông tin thêm.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng đã mở ra triển vọng mới trong khâu liên kết, xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản. Qua đó, giúp nông sản của tỉnh có thêm nhiều thị trường tiêu thụ, giảm nguy cơ tái diễn tình trạng “được mùa, rớt giá” mỗi khi bước vào giai đoạn thu hoạch rộ./.
Bùi Tùng