Linh hoạt trong dạy và học trực tuyến
Thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa tích cực tham gia phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho HS, giáo viên (GV), vừa nỗ lực hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục, các trường THPT trên địa bàn tỉnh tổ chức dạy và học trực tuyến từ ngày 20/9 đến nay. Điều đó thể hiện rõ nét phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học” của ngành Giáo dục và Đào tạo. Trong quá trình tổ chức dạy và học trực tuyến, các trường linh hoạt, chủ động và có những phương án phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị.
Giáo viên Trường THPT Thủ Thừa (huyện Thủ Thừa) linh hoạt trong dạy trực tuyến, kết hợp giáo án điện tử và giảng bài trên bảng
Mặc dù dạy và học trực tuyến không thể hiệu quả bằng dạy và học trực tiếp nhưng kết quả dạy và học trực tuyến đối với cấp THPT trên địa bàn tỉnh từ đầu năm học đến nay cơ bản đạt yêu cầu. Tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến dao động từ 98-99%, tương đương học trực tiếp. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng khi các em khắc phục được những khó khăn về thiết bị phục vụ học tập. Theo đó, Sở đề nghị các trường thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý; đồng thời, động viên, nhắc nhở các em nghiêm túc học tập, nhất là nâng cao ý thức tự học, tự nghiên cứu”.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Thanh Tiệp
|
Trường THPT Tân Thạnh (huyện Tân Thạnh), GV và HS dạy, học trực tuyến tại nhà theo thời khóa biểu của trường. Và để các tiết học đạt hiệu quả, trường tăng cường phối hợp phụ huynh HS nhắc nhở các em học tập nghiêm túc; đồng thời, theo dõi thiết bị phục vụ học tập trực tuyến của HS.
Những HS chưa có điện thoại, máy tính kết nối Internet được hướng dẫn đến nhà bạn gần nhất để cùng học. Trong quá trình giảng dạy, GV linh hoạt, chủ động thời gian, nội dung dạy học. Thầy Phạm Quốc Thành - GV môn Hóa học, Trường THPT Tân Thạnh, chia sẻ: “Do đặc thù dạy học trực tuyến nên sẽ có những tác động khách quan ảnh hưởng tới tiết học của HS như đường truyền yếu, mưa lớn mọi người không nghe rõ,...Khi đó, thầy và trò có thể chủ động giảng và nghe lại nội dung bài học hoặc dời tiết học qua thời gian phù hợp hơn nếu cần thiết. Các nội dung khó hiểu, mang tính trừu tượng có thể để lại và dạy sau khi các em học trực tiếp”.
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Tân Thạnh - Phan Văn Hà, học trực tuyến quan trọng nhất là ý thức tự giác học tập của HS. Do vậy, trường thường xuyên nhắc nhở, phối hợp phụ huynh HS động viên các em học tập. Tính đến nay, hoạt động dạy và học trực tuyến của trường cơ bản hiệu quả, đạt được các mục tiêu đề ra.
Trường THPT Thủ Thừa (huyện Thủ Thừa) tổ chức dạy học trực tuyến theo hình thức tất cả GV đến trường dạy tại phòng học theo thời khóa biểu của trường, trừ trường hợp GV không thể đến trường do quy định phòng, chống dịch Covid-19. Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Thừa - Hồ Thái Bình cho biết: “Trường đề ra phương án GV đến trường dạy trực tuyến nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học cao nhất có thể cho đơn vị. GV đến trường dạy sẽ không bị tác động bởi những việc cá nhân tại nhà, ảnh hưởng các tạp âm và tập trung, đầu tư cho trọn mỗi tiết dạy.
Trường cũng nâng cao chất lượng đường truyền và có thiết bị dự phòng khi GV gặp sự cố về máy móc, thiết bị. Việc GV đến trường dạy trực tuyến giúp trường dễ quản lý, đánh giá chất lượng tiết học hơn. Có thể khẳng định, đến nay, hoạt động dạy và học trực tuyến của trường đi vào ổn định và từng bước đạt được hiệu quả như mong muốn”.
Thầy và trò cùng vượt qua khó khăn
Trong dạy và học trực tuyến, GV, HS còn gặp nhiều khó khăn. Một số HS thiếu thiết bị phục vụ học tập, đường truyền Internet của các em bị yếu dẫn đến ngắt quãng trong quá trình học hay tinh thần học tập của một bộ phận HS chưa cao,... Những điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy và học trực tuyến của các trường. Tuy nhiên, hiểu rõ khó khăn, GV, HS nỗ lực vượt qua bằng nhiều giải pháp phù hợp.
Ngoài dạy theo thời khóa biểu, thầy Lê Tài Anh Nhân còn tăng cường tiết phụ đạo cho học sinh
Đúc kết kinh nghiệm trong dạy học trực tuyến của các năm học trước, thầy Lê Tài Anh Nhân - GV môn Vật lý, Trường THPT Nguyễn Trung Trực (huyện Tân Trụ), luôn nỗ lực và có nhiều giải pháp giúp HS tiếp cận bài giảng thuận lợi nhất. Theo đó, thầy khai thác và hướng dẫn HS học tập từ nguồn Kho học liệu Long An. Trong quá trình giảng dạy, thầy thường xuyên gọi HS phát biểu, tạo sự tương tác qua lại giữa thầy và trò để tiết học sinh động, hấp dẫn hơn.
Thầy Nhân tâm sự: “Chỉ giảng một chiều thì HS sẽ dễ chán và mất tập trung. Do vậy, tôi thường xuyên cho các em phát biểu, đặc biệt là không tập trung vào một vài em giỏi mà ngược lại, phải tạo điều kiện, khơi gợi việc đóng góp xây dựng bài học của HS trung bình, yếu. Ngoài ra, khi học trực tuyến, các yếu tố bên ngoài tác động không ít, làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, do vậy, tôi tăng cường thêm tiết phụ đạo để những em chưa nắm rõ bài được nghe giảng lại và hướng dẫn làm bài tập kỹ hơn”.
Học sinh nỗ lực vượt qua những khó khăn, trở ngại để tham gia đầy đủ các tiết học trực tuyến
Với cô Võ Thị Thu Hằng - GV môn Lịch sử, Trường THPT Nguyễn Thông (huyện Châu Thành), việc dạy trực tuyến là cơ hội cũng là thách thức bởi HS thường “ngán” học lịch sử vì nhiều số liệu, mốc sự kiện,... Do vậy, cô Hằng nỗ lực và có sự đầu tư chỉn chu cho từng tiết dạy trực tuyến. Cô Hằng chia sẻ: “Chỉ cần tạo được hứng thú học tập cho HS thì tiết học sẽ hiệu quả. Thế nên, khi soạn bài giảng, tôi tinh gọn nội dung bài học, tăng cường sử dụng hình ảnh, clip minh họa; đồng thời, đặt ra nhiều câu hỏi để tạo sự tương tác tích cực của HS, cho các em tranh luận, phản biện với nhau. Mỗi câu trả lời đúng của HS sẽ được ghi nhận để tích lũy điểm. Khi tạo được không khí học tập sôi nổi thì HS sẽ không chán, ngán môn Lịch sử nữa”.
Cùng GV, HS cũng nỗ lực vượt qua những trở ngại để tiếp cận kiến thức mới trong mỗi bài giảng, đặc biệt là những em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; HS vùng sâu, vùng xa, biên giới,... Sống với ông, bà ngoại từ nhỏ, hai chị em Huỳnh Mai Thi - HS lớp 11A8 và Huỳnh Mai Xuân - HS lớp 10A8, Trường THPT Thủ Thừa, thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù mỗi em có một chiếc điện thoại thông minh phục vụ học trực tuyến nhưng gia đình không đăng ký wifi. Các em đăng ký gói cước Internet từ mạng di động để học. Đôi khi đang học đường truyền yếu, bị tự động rời khỏi lớp, các em phải nhanh chóng vào lại để không bị mất kiến thức bài giảng.
Mai Thi tâm sự: “Mỗi khi học, em đăng ký gói cước Internet theo ngày. Tất cả dung lượng có được, em dùng để phục vụ học và không lãng phí cho các hoạt động giải trí. Tuy nhiên, đôi lúc mạng yếu, hết dung lượng, việc học của em cũng bị ảnh hưởng. Những lúc như vậy, em thường hỏi lại bài thầy cô, bạn bè những phần chưa rõ; đồng thời, tự nghiên cứu, học thêm từ sách giáo khoa, tài liệu thầy cô gửi. Mặc dù gặp vài khó khăn trong quá trình học trực tuyến nhưng em vẫn có thể vượt qua được. Việc học trực tuyến cũng là giải pháp hiệu quả nhằm bảo đảm an toàn cho em và các bạn thời điểm này”.
Các trường linh hoạt trong dạy và học trực tuyến, GV, HS nỗ lực vượt qua những khó khăn, trở ngại trong quá trình dạy và học. Từ đó, hoạt động dạy và học trực tuyến cơ bản đạt yêu cầu đề ra. Hiện các trường tiếp tục phát huy những thế mạnh, khắc phục khó khăn để việc dạy và học trực tuyến đạt hiệu quả cao nhất có thể./.
Ngọc Thạch