Tiếng Việt | English

10/05/2021 - 14:53

Để hợp tác xã nông nghiệp ngày càng phát huy hiệu quả

Thời gian qua, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được xem là một trong những giải pháp quan trọng, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã (HTX). Với vai trò là cầu nối hỗ trợ HTX và các thành viên, Liên minh HTX tỉnh Long An triển khai nhiều hoạt động lồng ghép các chương trình hỗ trợ của Trung ương và tỉnh về phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hỗ trợ các HTX xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị...

Hiện nay, một số hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh dù có sự liên kết nhưng chưa chặt chẽ

Hiện nay, một số hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh dù có sự liên kết nhưng chưa chặt chẽ

Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Long An - Nguyễn Hoàng Huy, trên địa bàn tỉnh hiện có 266 HTX, trong đó có 206 HTX nông nghiệp. Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển của các HTX. Chính vì vậy, những năm gần đây, Liên minh HTX tăng cường công tác hỗ trợ, làm cầu nối cho các HTX thực hiện chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm; giúp các HTX nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất cho hội đồng quản trị, ban giám đốc và các thành viên.

Trước đây, các HTX nông nghiệp còn ngần ngại khi tham gia liên kết chuỗi giá trị sản phẩm. Phần đông nông dân và cả thành viên HTX là doanh nghiệp phải đặt cọc trước, trong khi các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu không chấp nhận. Chính vì vậy, khi xảy ra tranh chấp, hợp đồng lại thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết nên đa số sản phẩm của thành viên HTX được tiêu thụ qua thương lái với giá cả bấp bênh và không ổn định.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Kiến Bình (huyện Tân Thạnh) - Dương Hoài Ân thông tin: “Phần lớn HTX nông nghiệp thường tập trung hoạt động các dịch vụ đầu vào gồm cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, phân bón,... mà chưa quan tâm đến các dịch vụ đầu ra như khâu bảo quản, sơ chế, đóng gói, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên cũng như nông dân nên việc liên kết chuỗi giá trị sản phẩm còn lỏng lẻo. Việc kiểm tra dư lượng phân, thuốc trên sản phẩm chưa được thống nhất từ 2 phía dẫn đến tình trạng phá vỡ hợp đồng khiến các thành viên HTX và nông dân mất niềm tin khi tham gia trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản”.

Một nguyên nhân khác khiến cho các HTX nông nghiệp chưa thực sự có sự liên kết chặt chẽ là do chưa có trụ sở làm việc ổn định và máy móc, thiết bị hiện đại. Nhiều HTX nông nghiệp phải thuê, mượn văn phòng ấp hoặc nhà của thành viên làm trụ sở. Đội ngũ cán bộ quản lý HTX phần đông đã lớn tuổi, hạn chế về năng lực chuyên môn và chưa tìm được đội ngũ trẻ để kế thừa, tâm lý còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước,...

HTX nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững, việc tạo liên kết chuỗi giá trị từ các HTX nông nghiệp là điều cần thiết hiện nay.

Để các HTX nông nghiệp ngày càng phát huy hiệu quả, thiết nghĩ Ban Chỉ đạo phát triển KTTT tỉnh, Liên minh HTX tỉnh cần tiếp tục chú trọng thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực KTTT; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và cả thành viên HTX; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm của KTTT.

Bên cạnh đó, khuyến khích các HTX tích cực tham gia các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, hội nghị, triển lãm, hội chợ, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các kênh, tiếp cận, tham gia mạnh vào hoạt động thương mại điện tử,...; hỗ trợ các HTX cải tiến quy trình kỹ thuật sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, bảo đảm các tiêu chuẩn, đạt chứng nhận an toàn, xây dựng, tạo lập nhãn hiệu, nhận diện thương hiệu, bao bì, mẫu mã sản phẩm; tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước và xã hội, tạo điều kiện để các HTX nông nghiệp tham gia xây dựng các mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị làm cơ sở để triển khai nhân rộng,...

Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục vận động thành lập các HTX mới, nhất là tại các xã nông thôn mới bảo đảm hoạt động đúng nguyên tắc của Luật HTX năm 2012; vận động phát triển tổ, nhóm, câu lạc bộ hợp tác ở các tổ chức đoàn thể, chú trọng chất lượng và hiệu quả KT-XH, làm cơ sở để phát triển thành các HTX.

Giám đốc HTX Thanh long Quê Mỹ Thạnh (huyện Tân Trụ) - Lê Văn Chín chia sẻ: “Mong rằng các ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ các HTX nông nghiệp trong xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản của nông dân. Cần có các chính sách hỗ trợ các HTX nông nghiệp liên kết với nhau trong các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến và thương mại nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho chuỗi ngành hàng nông sản phát triển bền vững”./.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết