Tiếng Việt | English

02/07/2016 - 15:38

Đề thi môn Ngữ văn năm nay có gì mới?

So sánh với đề thi môn Ngữ văn những năm trước, nhiều thí sinh cho rằng với cách ra đề như năm nay nếu chỉ học thuộc thì khó có thể làm tốt.

Sáng nay (2/7) các thí sinh kết thúc môn thi Ngữ văn, thời gian làm bài 180 phút. Đa phần các thí sinh cho rằng đề ra vừa sức với học sinh, tuy nhiên nếu so sánh với đề thi năm 2015 thì đề năm nay có tính phân loại cao hơn, yêu cầu học sinh phải thực sự hiểu bài mới có thể làm được.

Ra sớm 30 phút so với thời gian quy định tại điểm thi trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy) thí sinh Nguyễn Quang Huy cho biết: “Phần đọc hiểu thứ hai hơi khó. So với năm trước, năm nay có cả văn học nước ngoài nên khiến thí sinh khá lúng túng. Trong phần trích nguồn, có ghi là Ngữ văn 11 tập 2, nhưng em cũng không nhớ là đã từng học bài này chưa nên em thấy khó hiểu, nhất là câu giải thích tại sao tác giả cho rằng “Số phận của những cái tuyệt đối cá nhân, không bộc lộ ra khỏi bản thân, chẳng có gì đáng thèm muốn”. Dù còn tận 30 phút nhưng em cũng chưa chắc là mình đã giải thích đúng câu này”.

Đối với câu nghị luận xã hội, nhiều thí sinh cho rằng không có nhiều thay đổi so với cách ra đề “truyền thống” của những năm trước. Tuy nhiên khá nhiều sĩ tử tỏ ra thất vọng khi Tổng thống Obama, cá chết miền Trung và các vấn đề về môi trường hay mạng xã hội không xuất hiện trong đề thi.

Kết thúc buổi thi môn Ngữ văn, nhiều thí sinh lo lắng vì đề ra "lạ" hơn năm trước

Năm thứ 2 tham dự kỳ thi THPT quốc gia, thí sinh Nguyễn Thị Yến (Ứng Hòa, Hà Nội) chia sẻ: “Năm nay em thi lại để vào đại học, thi hai năm liên tiếp, em thấy đề thi năm nay khá vừa sức so với thí sinh. Nhưng câu nghị luận xã hội không đề cập đến những vấn đề nóng, trong khi học sinh đi học lại ôn rất nhiều về những vấn đề được giới truyền thông nhắc đến trong năm qua nên em cảm thấy nản khi làm đề. Năm ngoái viết về bệnh vô cảm, em thấy dễ lấy dẫn chứng hơn khi viết về tính hèn nhát và dũng khí”.

Chia sẻ thêm về câu nghị luận văn học, Yến cho rằng “Cách ra đề năm nay khó hơn năm trước do không hỏi một cách trực tiếp. Thường đề thi thử các trường hay ra về tình huống truyện nhưng không đề cập gì đến khát vọng của nhân vật. Để làm được đề này cũng không phải chỉ phân tích từ đầu đến cuối hay nói mỗi tình huống truyện mà còn cần biết nhặt ý, đưa ra các luận điểm phù hợp. Em không đưa ra được nhiều luận điểm lắm khi làm đề này”.

Dù bị lệch “tủ” nhưng thí sinh Thùy Trang (Trần Quốc Hoàn) vẫn vui vẻ chia sẻ: “Câu nghị luận văn học năm nay em bị "lệch tủ" nhưng vẫn làm tốt. Trước ngày thi em học rất nhiều bài “Sóng”( Xuân Quỳnh) và bài “ Đất nước” ( Nguyễn Khoa Điềm), em cũng như rất nhiều bạn khác không nghĩ là lại vào bài “Vợ nhặt”. Với cách ra đề hỏi về tình huống truyện để từ đó phân tích khát vọng của nhân vật, em thấy khá thú vị. Dù không học kỹ nhưng em vẫn có thể làm được, do đề không yêu cầu học thuộc mà cần vận dụng kiến thức, chỉ cần hiểu và nắm chắc kiến thức là làm được”.

Thí sinh Nguyễn Kim Yến, Sơn Tây lại cho rằng đề thi năm nay so với năm ngoái có tình phân hóa cao hơn. Nếu như năm trước, đề chỉ hỏi mỗi về nhân vật người đàn bà hàng chài và cách nhìn nhận cuộc sống, thì đề nghị luận văn học năm nay có vẻ phức tạp hơn, đòi hỏi phải chọn lọc ý, kỹ năng xử lý đề tốt”.

Nhận xét nhanh về đề thi năm nay, cô Thanh Tâm, giáo viên dạy văn trường THPT Nam Sách, Hải Dương cho rằng, đề thi môn Ngữ văn năm nay vừa sức với học sinh. Với phần nghị luận xã hội, nhiều thí sinh cho rằng đề không đề cập đến những vấn đề xã hội nóng. Nhưng trên thực tế trong phần nghị luận xã hội có 2 dạng chính. Một là nghị luận về một hiện tượng xã hội, hai là nghị luận về một tư tưởng đạo lý. Theo cô Tâm việc đề ra về tư tưởng đạo lý không chỉ có tính thời sự mà còn có ý nghĩa giáo dục nhân cách, đạo đức cho các em. Nói về câu nghị luận văn học, cô nhận định đề năm nay có sự mới mẻ, thay đổi trong cách hỏi.

Theo cô, cùng một vấn đề nhưng nếu cách hỏi khác nhau, yêu cầu học sinh phải có sự sáng tạo, vận dụng kiến thức, phải suy nghĩ mới có thể làm được, chứ không chỉ đơn giản là học thuộc và áp dụng y nguyên cách làm như những cách hỏi thường thấy. Đây cũng là hướng đổi mới trong việc dạy và học Văn hiện nay trong các nhà trường./.

CTV Nguyễn Trang/VOV.VN

Chia sẻ bài viết