Tiếng Việt | English

11/02/2022 - 09:38

Để 'tín dụng đen' không còn đất sống - Đồng bộ các giải pháp đẩy lùi 'tín dụng đen' (bài 3)

Hệ lụy của "tín dụng đen" (TDĐ) vô cùng lớn nhưng để ngăn chặn, đẩy lùi không phải dễ dàng. Điều này đòi hỏi các cơ quan liên quan phải vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa.

Quyết tâm đẩy lùi “tín dụng đen”

Theo Đại tá Phạm Thanh Tâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An, đối tượng cho vay TDĐ hầu hết từ nơi khác đến, với thủ đoạn cho vay tinh vi, gây khó khăn cho công tác phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ. Mặt khác, những người vay tiền lo sợ bị đe dọa, khống chế, khủng bố về tinh thần hoặc sợ bị lộ lý do không chính đáng trong việc vay tiền nên không mạnh dạn trình bày, tố giác hành vi vi phạm. Đến khi lực lượng công an phát hiện, mời làm việc thì người vay thường né tránh, không hợp tác.

Chính vì vậy, bên cạnh triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, các biện pháp hành chính kết hợp với nghiệp vụ trinh sát; tăng cường công tác nghiệp vụ cơ bản, nhất là nắm tình hình, rà soát để kịp thời phát hiện, lập hồ sơ quản lý, đấu tranh, xử lý các đối tượng hoạt động TDĐ, các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan, lực lượng công an còn phối hợp tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân.

Cuối tháng 10/2021, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức đối thoại với các ngành có liên quan để tìm giải pháp ngăn chặn, xử lý tệ nạn "tín dụng đen"

Thời gian qua, công an các đơn vị, địa phương phối hợp các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về quy định của Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ; đồng thời, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, mạng xã hội Zalo, Facebook về phương thức, thủ đoạn lợi dụng các dịch vụ này để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và hệ lụy do các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến hoạt động TDĐ gây ra.

Trong 3 năm (2019, 2020, 2021), Công an tỉnh xây dựng mới và nhân rộng nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm, như Móc khóa an ninh, trật tự (in số điện thoại của công an và UBND cấp xã); Phối hợp 5 lực lượng trong tuần tra phòng, chống tội phạm; 2 không, 2 báo đối với TDĐ (không vay, không môi giới; báo đối tượng cho vay và báo người vay TDĐ); Tin nhắn phòng, chống tội phạm; Nhóm Zalo tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phòng, chống tội phạm;...

Cùng với đó, lực lượng công an còn phối hợp các ngành, đoàn thể thường xuyên tháo gỡ, tiêu hủy các thông tin quảng cáo về hoạt động cho vay trái phép trên cột điện, cột tín hiệu giao thông, các khu vực công cộng và quét vôi, sơn lại; yêu cầu các địa điểm bán hàng trả góp (siêu thị điện máy, cửa hàng điện thoại di động,...) không cung cấp thông tin của khách hàng cho các công ty, nhóm đối tượng hoạt động kinh doanh tài chính trái phép để gọi điện, lôi kéo, dụ dỗ cho vay.

Bí thư Đoàn xã Phước Lợi, huyện Bến Lức - Lê Hoàng Vũ cho biết: Hàng năm, Đoàn xã đều tích cực tham gia cùng Đoàn cơ sở Công an huyện ra quân xóa các quảng cáo trái phép, nhất là quảng cáo về cho vay TDĐ kết hợp tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân. Nhìn chung, 2 năm gần đây, tình trạng dán và phát tán tờ rơi quảng cáo giảm rõ rệt. Trên địa bàn xã cũng không còn tình trạng tạt sơn hay chất bẩn vào nhà dân để đòi nợ như những năm trước.

Huy động nhiều lực lượng tham gia

Đại tá Phạm Thanh Tâm thông tin, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động toàn dân phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, nhất là tội phạm TDĐ, Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh Công văn số 7579/UBND, ngày 15/12/2020 về Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động TDĐ để quán triệt, chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh gắn với đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Lực lượng công an tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết các tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến hoạt động TDĐ để điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật; kiên quyết lập hồ sơ xử lý tùy theo mức độ vi phạm để tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa chung. Phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động người dân tham gia phát hiện và tố giác những tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động TDĐ, cho vay, đòi nợ,... để cơ quan công an đấu tranh, xử lý.

Lực lượng công an phối hợp Đoàn Thanh niên ra quân xóa các quảng cáo không đúng quy định

Từ tháng 5/2021, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh đã thành lập nhiều trạm, chốt kiểm soát phòng, chống dịch; đồng thời, chỉ đạo tăng cường các biện pháp công tác công an, bố trí các tổ tuần tra lưu động phòng, chống tội phạm trên các tuyến giao thông. Nhờ đó, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến TDĐ, các hành vi đòi nợ, siết nợ, dán tờ rơi quảng cáo,... giảm đáng kể và có chuyển biến tích cực.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm cho biết, tỉnh đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh, các tổ chức, cá nhân có biểu hiện cho vay lãi nặng. Ngoài ra, tỉnh còn chỉ đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội và một số tổ chức tài chính triển khai hoạt động cho vay đến các hộ nghèo, hộ chính sách, đặc biệt là cho vay giải quyết việc làm, cho vay học sinh, sinh viên,...; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, góp phần hạn chế việc người dân phải vay bên ngoài với lãi suất cao.

Để phòng ngừa hoạt động TDĐ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh - Phan Ngọc Hoàng Đình Thục cho rằng, công tác tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng, trong đó cần tuyên truyền nâng cao hiểu biết về quy định của pháp luật trong hoạt động cho vay tài sản, về lãi suất tiền vay, quy định pháp luật về giao dịch ủy quyền chuyển nhượng, thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất,... để người dân không trở thành đối tượng, nạn nhân hoạt động TDĐ.

Bà Đình Thục nêu rõ, khi người dân xác lập, thực hiện và chấm dứt các giao dịch tài sản thì phải bằng văn bản, giấy tờ, đúng mục đích và phải đăng ký theo quy định pháp luật tại cơ quan có thẩm quyền để làm chứng cứ bảo vệ cho mình khi có tranh chấp phát sinh.

Với chức năng, nhiệm vụ của ngành, thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp chặt chẽ ngành Công an giải quyết nhiều tin báo, tố giác về hành vi cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê hoặc các hành vi tội phạm có liên quan đến TDĐ. Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh - Trương Văn Nghị, khi vụ việc có dấu hiệu tội phạm, ngành phối hợp điều tra, xác minh để xét xử về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Đối với những trường hợp chưa đủ căn cứ xử lý hình sự, ngành đề nghị cơ quan chức năng xử phạt hành chính để làm cơ sở nếu đối tượng tiếp tục vi phạm lần sau đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

“Nhằm ngăn chặn, đẩy lùi TDĐ, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp đấu tranh trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tập trung rà soát, lập danh sách quản lý các băng nhóm tội phạm. Song song đó là tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, công chứng, chứng thực việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất để tránh tình trạng đối tượng cho vay lãi nặng lợi dụng thủ tục pháp lý này để hợp thức hóa các hoạt động vi phạm pháp luật” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm thông tin thêm./.

Điều 468 Luật Tín dụng quy định về lãi suất như sau: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Như vậy, bất kỳ hoạt động cho vay nào mà vượt quá quy định trên thì đều là vi phạm luật.

(còn tiếp)

An Kỳ

Bài cuối: Hỗ trợ, bảo vệ người dân trước “bẫy” của “tín dụng đen”

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích