Tiếng Việt | English

10/02/2022 - 08:59

Để 'tín dụng đen' không còn đất sống - Biến tướng và những hệ lụy của 'tín dụng đen' (Bài 2)

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn, tình trạng cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” đang có dấu hiệu tăng trở lại. Vì vậy, ngăn chặn, đẩy lùi, để “tín dụng đen” không còn đất sống là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Các đối tượng vẫn lén lút rải, dán các tờ rơi quảng cáo cho vay tiền Các đối tượng vẫn lén lút rải, dán các tờ rơi quảng cáo cho vay tiền 

Qua gần 3 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần kéo giảm hoạt động "tín dụng đen" (TDĐ) trên địa bàn tỉnh. Mặc dù vậy, tình trạng cho vay lãi nặng vẫn còn diễn ra và biến tướng với hình thức tinh vi hơn.

Nguy cơ mất trắng tài sản

Vừa qua, phóng viên có dịp tiếp xúc và tìm hiểu về trường hợp của anh L.V.H. (xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa) bị TDĐ lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. Theo lời kể của anh H., năm 2019, anh mang phần đất hương hỏa của gia đình do anh đứng tên để thế chấp “mượn” 500 triệu đồng từ một người quen. Hai bên thỏa thuận, anh H. sẽ mượn số tiền này trong vòng 1 năm, nếu muốn lấy lại giấy tờ đất trước thời hạn phải trả người cho mượn ít nhất 6 tháng tiền lãi.

Thời gian đầu, anh H. vẫn đóng đầy đủ tiền lãi. Tuy nhiên, khi bị gia đình phát hiện và buộc phải chuộc tài sản về thì anh H. mới “tá hỏa” vì phần đất ủy quyền đã được chuyển nhượng cho người khác chỉ 1 tháng sau khi anh ký giấy mượn tiền. Anh H. bức xúc: “Tôi chỉ mượn của L.T.N. số tiền 500 triệu đồng, còn phần đất của gia đình có giá trị hiện tại trên 3 tỉ đồng. Sau khi phát hiện sự việc, tôi đã nộp đơn khởi kiện L.T.N. lên tòa án, mong sớm được giải quyết”.

Thông tin từ cơ quan công an, những trường hợp tương tự anh H. không phải hiếm. Cũng trên địa bàn huyện Đức Hòa, chị N.T.C.T. (xã Đức Hòa Hạ) thế chấp phần đất và căn nhà gia đình chị đang ở để vay 800 triệu đồng làm vốn kinh doanh. Theo thỏa thuận, mỗi tháng chị phải trả người cho vay tiền lãi 24 triệu đồng. Chị đã đóng lãi được 4 tháng. Sau đó, do làm ăn thua lỗ không còn khả năng chi trả, lúc này chị cũng phát hiện nhà và đất của mình đã bị sang tên, đổi chủ từ lâu.

Chị N.T.C.T. (bìa phải) trình báo cơ quan công an khi phát hiện nhà và đất của mình đã bị sang tên, đổi chủChị N.T.C.T. (bìa phải) trình báo cơ quan công an khi phát hiện nhà và đất của mình đã bị sang tên, đổi chủ

“Khi liên hệ với người cho vay, ông ta hứa sẽ cho tôi chuộc lại tài sản với giá 1,3 tỉ đồng. Tôi đồng ý và vay mượn khắp nơi; đồng thời, mẹ tôi phải bán gấp một phần đất khác để giúp tôi lấy lại tài sản. Sau khi tôi chuẩn bị đủ tiền, ông ta lại viện đủ lý do và đòi tăng giá “chuộc”. Gia đình tôi đã tìm mọi cách thương lượng với người cho vay nhưng đến nay vẫn chưa chuộc lại được nhà và đất đã ủy quyền” - chị T. nói trong nước mắt.

Thủ đoạn, chiêu lừa tinh vi

Theo điểm d, khoản 3, Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt từ 5 triệu đồng đến dưới 15 triệu đồng đối với hành vi cho vay lãi nặng như sau: Cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay. Do đó, không xử lý hành chính đối với hành vi cho vay dùng thủ đoạn cho vay thủ tục đơn giản (chỉ cần sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân,...).

Trường hợp của chị T. và anh H. dù lãi suất cho vay chưa vượt so với quy định nhưng theo cơ quan công an, 2 trường hợp này đều có dấu hiệu lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. Người cho vay lợi dụng lúc người vay gặp khó khăn, cho vay tiền với hình thức “hợp đồng giả cách” nhưng mục đích chính là chiếm đoạt phần tài sản trị giá gấp nhiều lần so với số tiền được vay. Nhiều người vay vì không hiểu rõ quy định nên vừa phải trả lãi suất “cắt cổ”, lãi chồng lãi đến khi không còn khả năng chi trả thì mất luôn phần tài sản đã ủy quyền.

Thông tin từ Công an huyện Thạnh Hóa, năm 2021, trên địa bàn có tình trạng các đối tượng ngoài địa phương đến hoạt động cho vay tiền góp ngày với lãi suất vượt mức quy định. Các đối tượng còn phát tán tờ rơi, dán quảng cáo có nội dung hỗ trợ tài chính, cho vay không cần thế chấp nhắm đến đối tượng thanh, thiếu niên ham chơi, dân lao động cần tiền gấp để trả nợ,... Ngoài ra, còn có tình trạng cho vay trong học sinh, rất đáng báo động.

Tại huyện Bến Lức, thời gian gần đây, Công an huyện phát hiện 1 điểm mở tiệm cầm đồ nghi vấn có cho vay với phương thức tinh vi, lách luật để đối phó với cơ quan chức năng. “Khi người dân có nhu cầu vay tiền, đối tượng yêu cầu họ đem xe môtô đến viết giấy mua bán xe rồi đối tượng làm hợp đồng cho thuê lại xe, tùy vào số tiền bán xe (tương ứng với số tiền vay), thời gian thuê xe để tính tiền thuê xe hàng ngày” - Thượng tá Trương Nhật Minh - Trưởng Công an huyện Bến Lức, cho hay.

Bẫy "tín dụng đen" trực tuyến

Đại tá Phạm Thanh Tâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: Tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động TDĐ trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế, giảm nhưng vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Thời gian qua, xuất hiện một số cá nhân, tổ chức thông qua các trang mạng xã hội, ứng dụng (app) trên di động như Zalo, Facebook,... để quảng cáo cho vay trực tuyến với hình thức đa dạng. Vì vậy, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác để tránh “tiền mất, tật mang”.

Qua tìm hiểu của phóng viên, các hoạt động vay tiền online đang “nở rộ”, nhất là khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp ở một số nơi, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, đây là thời điểm các đối tượng có thể lợi dụng để cho vay nặng lãi, TDĐ. Theo Đại tá Phạm Thanh Tâm, tại Long An, lực lượng công an chưa tiếp nhận nguồn tin báo liên quan đến tội phạm, vi phạm liên quan đến vay tiền online nhưng trên thực tế, nhiều người đã tìm đến giải pháp vay tiền này vì nhanh chóng, tiện lợi, không cần thế chấp,...

Chỉ cần lên mạng và gõ cụm từ “vay tiền online” hay “vay tiền nhanh”,... thì chúng ta có thể tìm thấy hàng trăm kết quả khác nhau về các ứng dụng cho vay tiền. Các ứng dụng này chỉ yêu cầu người vay tạo một tài khoản bằng cách cung cấp thông tin cá nhân và đồng ý các điều khoản trên hợp đồng điện tử, trong đó có điều khoản bắt buộc là người vay phải đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên điện thoại di động.

Sau khi thực hiện đầy đủ các bước như ứng dụng yêu cầu thì “công ty tài chính” trên mạng sẽ tự động chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của người vay. Cách thức vay nhanh gọn nhưng chi phí làm thủ tục không hề rẻ, kèm theo đó là lãi suất rất cao. Theo phân tích của Bộ Công an, các đối tượng cho vay trên mạng với lãi suất khoảng 4,4%/ngày, tương đương 30,8%/tuần, 132%/tháng và 1.600%/năm.

Nếu người vay không trả tiền lãi đúng hạn sẽ bị “nhân viên” của các “công ty tài chính” này gọi điện, nhắn tin gây sức ép, khủng bố về tinh thần hoặc gọi đến nơi làm việc, thậm chí uy hiếp đến tính mạng những người thân để buộc người vay phải trả tiền. Tuy nhiên, với chi phí vay tiền và lãi suất quá cao, nhiều người không thể nào trả nổi dẫn đến nợ nần chồng chất, phải bán hoặc cầm cố tài sản để trả nợ.

Có thể thấy, dù vay trực tiếp hay online thì điểm chung của những giao dịch này là lãi suất rất cao. Vay càng nhiều thì lãi suất càng lớn, người vay càng ít có khả năng chi trả. Nếu không bị lừa đảo mất trắng tài sản thì người vay cũng phải trả số tiền “khủng” so với tiền gốc và lãi suất thỏa thuận ban đầu. Biết là thế nhưng nhiều người đang gặp khó khăn vẫn tìm đến TDĐ để rồi không còn lối thoát./.

(còn tiếp)

Bài 3: Đồng bộ các giải pháp đẩy lùi “tín dụng đen”

An Kỳ

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích