Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, nhất là lực lượng công an trong tỉnh, hoạt động cho vay nặng lãi, "tín dụng đen" (TDĐ) có nhiều chuyển biến, giảm rõ rệt so với trước, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.
Những quảng cáo cho vay với điều kiện hấp dẫn (Ảnh minh họa)
Tăng cường đấu tranh với “tín dụng đen”
Thông tin từ Ban Nội chính Tỉnh ủy Long An, đầu năm 2019, toàn tỉnh có hơn 500 cá nhân và hơn 30 nhóm hoạt động cho vay và đòi nợ. Đối tượng cho vay phần lớn là người đến từ địa phương khác, chủ yếu là các tỉnh phía Bắc. Từ thực trạng đó, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo triển khai, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động TDĐ.
Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền tăng cường chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động TDĐ; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, các biện pháp hành chính kết hợp với nghiệp vụ trinh sát để quản lý, đấu tranh, xử lý các đối tượng hoạt động TDĐ, các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật khác có liên quan.
Tại huyện Thạnh Hóa, 2 năm gần đây, Công an huyện không tiếp nhận tin báo, tố giác và kiến nghị khởi tố vụ việc nào liên quan đến hoạt động của các đối tượng TDĐ. Tuy nhiên, qua nắm tình hình, Công an huyện đã mời làm việc 3 đối tượng từ nơi khác đến địa bàn hoạt động cho vay tiền góp ngày với lãi suất vượt mức quy định. Đồng thời, rà soát, lập danh sách 17 đối tượng có biểu hiện cho vay vượt lãi suất theo quy định là người trên địa bàn; tiến hành mời làm việc cho cam kết không vi phạm.
Nhằm phát hiện, giải quyết kịp thời các ổ, nhóm, đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động TDĐ, không để hình thành điểm nóng gây bức xúc trong nhân dân, công an các địa phương còn phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân nâng cao cảnh giác. Phát động phong trào quần chúng hợp tác cung cấp lời khai về phương thức, thủ đoạn hoạt động, lãi suất cho vay, số tiền thu lợi bất chính, làm căn cứ để xử lý các đối tượng theo quy định.
Qua công tác tuyên truyền, đấu tranh của lực lượng công an các cấp, tình hình cho vay nặng lãi, TDĐ trên địa bàn tỉnh từng bước được kiềm chế, đẩy lùi. Các hành vi đòi nợ, siết nợ, lén lút rải, dán các tờ rơi quảng cáo cho vay TDĐ giảm đáng kể. Đại tá Phạm Thanh Tâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: Từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng công an trong tỉnh chỉ tiếp nhận 2 vụ việc, 2 đối tượng có dấu hiệu phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Căn cứ vào kết quả điều tra, lực lượng công an đã khởi tố 3 vụ, 6 đối tượng hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản, bắt, giam giữ người trái pháp luật; ra quyết định xử lý hành chính 48 vụ, 71 đối tượng về các hành vi có liên quan đến TDĐ. “Cùng với đó, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an cơ sở thường xuyên tổ chức tuần tra khép kín địa bàn, tập trung những khu vực trọng điểm, phức tạp, không để các đối tượng TDĐ hoạt động” - Đại tá Phạm Thanh Tâm cho biết thêm.
Nhiều khó khăn trong xử lý “tín dụng đen”
Nếu như trước đây, từ thành thị cho đến các vùng nông thôn, đi đến đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh tờ rơi, quảng cáo dán đầy trên các cột điện với lời mời hấp dẫn: “Cho vay không cần thẩm định”, “nhận tiền ngay trong ngày”, “hồ sơ thủ tục đơn giản chỉ cần chứng minh nhân dân”,... Dù biết hệ lụy khôn lường nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, cần tiền để chi trả gấp, không ít người vẫn “nhắm mắt đưa chân” vay TDĐ với lãi suất “cắt cổ”.
Hình thức vay này thường tiềm ẩn nhiều rủi ro. Không ít người vay đã bị “đưa vào tròng”, mất trắng tài sản giá trị gấp nhiều lần so với số tiền được vay. TDĐ có nhiều hình thức. Theo đó, người vay chỉ cần viết giấy nhận nợ với số tiền vay và lãi suất hoặc vay thỏa thuận miệng. Cũng có trường hợp đối tượng TDĐ trá hình cho vay thế chấp tài sản, thường là đất đai, nhà, với hình thức hợp đồng “giả cách”. Nhưng điểm chung của các hợp đồng này là lãi suất rất cao.
Theo Thượng tá Nguyễn Sơn - Trưởng Công an huyện Đức Hòa, tình trạng cho vay hợp đồng “giả cách” ủy quyền hiện nay rất phổ biến. Do không nắm rõ các quy định của pháp luật cũng như bản chất của hợp đồng ủy quyền, nhiều người vay không thể lấy lại được phần tài sản đã thế chấp. Các đối tượng cho vay TDĐ thường lợi dụng kẽ hở của pháp luật và sự thiếu hiểu biết của người vay để chiếm đoạt tài sản. Nhiều trường hợp dù bị phát hiện cũng rất khó xử lý.
Khi phát hiện tài sản thế chấp bị chuyển nhượng, người vay mới khởi kiện và trình báo cơ quan công an
Trên thực tế, tình trạng cho vay nặng lãi, TDĐ trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế, kéo giảm rất nhiều so với thời điểm trước năm 2019. Tuy nhiên, việc phát hiện, xử lý các đối tượng, vụ việc liên quan đến TDĐ còn nhiều bất cập. Rất nhiều vụ việc chỉ bị phát hiện khi người vay bỏ trốn khỏi địa phương hoặc người vay tiền không còn khả năng chi trả và bị đối tượng cho vay đe dọa đến tính mạng, sức khỏe thì mới trình báo cơ quan công an.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh - Phan Ngọc Hoàng Đình Thục cho biết, trong số các vụ án tranh chấp yêu cầu vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất, có hơn 1/2 tổng số vụ án có đương sự là bên chuyển nhượng trình bày cho rằng giao dịch chuyển nhượng giữa họ là giao dịch vay tiền lãi cao nhưng không có căn cứ chứng minh.
Bà Đình Thục phân tích: “Thông thường, tòa án căn cứ vào các yếu tố về số tiền lãi, giá trị của hợp đồng, hiện trạng tài sản,... để xác định dấu hiệu hợp đồng vay giả tạo về hình thức. Tuy nhiên, có những trường hợp bên chuyển nhượng không chứng minh được có việc vay tiền, việc trả tiền lãi, việc xác lập hợp đồng vay tiền nên tòa án không có căn cứ xác định đó là hợp đồng giả tạo để vay tiền”.
Cũng theo bà Đình Thục, văn bản giao dịch vay tiền lãi cao thường thể hiện dưới dạng biên nhận viết tay, có nội dung đơn giản, không ghi rõ thông tin người cho vay, không rõ mục đích vay, thời hạn vay, có lãi hay không có lãi, lãi suất bao nhiêu, chữ ký, chữ viết trong văn bản giao dịch vay tiền của bên vay cũng không rõ ràng, đầy đủ,... làm cho việc chứng minh trong tố tụng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến thời hạn giải quyết vụ án.
Bên cạnh đó, việc đấu tranh, xử lý tội phạm liên quan đến hoạt động TDĐ chưa triệt để do người vay lo sợ bị đe dọa, khủng bố về tinh thần hoặc lộ lý do không chính đáng trong việc vay tiền nên thường không hợp tác với cơ quan công an, chưa chủ động tố giác tội phạm. Nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, dễ bị các đối tượng lôi kéo để vay tiền hoặc lợi dụng đi vào con đường vi phạm pháp luật liên quan đến TDĐ./.
(còn tiếp)
Bài 2: Biến tướng và những hệ lụy của “tín dụng đen”
An Kỳ