Tiếng Việt | English

14/02/2022 - 11:18

Để 'tín dụng đen' không còn đất sống - Hỗ trợ, bảo vệ người dân trước 'bẫy' của 'tín dụng đen' (bài cuối)

Hệ lụy của "tín dụng đen" (TDĐ) vô cùng lớn nhưng để ngăn chặn, đẩy lùi không phải dễ dàng. Điều này đòi hỏi các cơ quan liên quan phải vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa.

Theo các chuyên gia, sẽ không có giải pháp khắc phục triệt để "tín dụng đen" (TDĐ), về lâu dài, cần sử dụng giải pháp kinh tế, tài chính để thu hẹp TDĐ. Trong đó, cần cải tổ hệ thống tài chính, ngân hàng, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay khi gặp khó khăn.

Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh tỉnh Long An - Nguyễn Trọng Điệp, ngân hàng dành rất nhiều ưu đãi cho các đối tượng yếu thế

Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh tỉnh Long An - Nguyễn Trọng Điệp, ngân hàng dành rất nhiều ưu đãi cho các đối tượng yếu thế

Triển khai nhiều gói tín dụng

TDĐ xuất phát từ nhu cầu vay vốn của người dân, các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Trên thực tế, phần lớn người vay vốn của đối tượng cho vay nặng lãi tập trung vào những gia đình có hoàn cảnh khó khăn cần tiền để chi trả đột xuất, cấp bách nhưng không có nguồn vốn vay kịp thời nên phải tìm đến đối tượng cho vay “nóng” bên ngoài. Nhiều người dù biết rằng sẽ phải trả mức lãi suất rất cao nhưng vì hoàn cảnh, họ đành “nhắm mắt đưa chân”.

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Long An - Lê Thị Mỹ Hiền, nguồn vốn vay kịp thời phục vụ sản xuất, kinh doanh được các ngân hàng hỗ trợ, cho vay có tài sản thế chấp, thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay, tín chấp, quản lý dòng tiền,... Các trường hợp khó khăn đột xuất, cấp bách cũng được các tổ chức tín dụng phối hợp, xem xét dựa trên mức độ tín nhiệm của khách hàng. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng cũng phải tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của Hội sở chính về quy trình cho vay và phải bảo đảm khả năng thu hồi vốn.

Cũng theo bà Lê Thị Mỹ Hiền, toàn tỉnh hiện có 193 điểm giao dịch ngân hàng. Thời gian qua, nhằm giúp người dân tiếp cận vốn vay nhanh chóng hơn và đặc biệt là thủ tục dễ dàng, thuận tiện hơn, các tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh cải cách thủ tục vay vốn trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Thời gian xét duyệt cho vay cũng được rút ngắn hơn so với trước đây. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng gia hạn nợ khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng, chưa thể trả được nợ đúng hạn.

Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh tỉnh Long An - Nguyễn Trọng Điệp, ngân hàng dành rất nhiều ưu đãi cho các đối tượng yếu thế

Kiến nghị tại cuộc đối thoại của Thường trực HĐND tỉnh về "tín dụng đen", Phó Giám đốc Sở Tư pháp - Trần Văn Năm cho rằng, cần nâng cao mức hình phạt để bảo đảm tính răn đe

Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh Long An - Nguyễn Trọng Điệp cho biết: “Với chức năng của mình, hệ thống Ngân hàng CSXH đang dành rất nhiều ưu đãi cho các đối tượng yếu thế. Hiện nay, chúng tôi triển khai trên địa bàn tỉnh 15 chương trình tín dụng, từ việc cho vay phục vụ nhu cầu thiết yếu như xây nhà, xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, hỗ trợ học sinh, sinh viên đi học,... đến vay phục vụ sản xuất, kinh doanh cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm. Đặc biệt, chúng tôi còn triển khai cho vay doanh nghiệp trả lương cho người lao động ngừng việc và khôi phục sản xuất theo Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ”.

Như chúng ta đã biết, Ngân hàng CSXH được Chính phủ thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Đối tượng phục vụ cho vay chính của Ngân hàng CSXH chủ yếu là các đối tượng yếu thế, kinh tế tương đối khó khăn, đa phần không đủ điều kiện vay vốn tại các ngân hàng thương mại. Về lãi suất thì luôn thấp hơn so với lãi suất cho vay thị trường trong cùng thời hạn và mục đích đầu tư, thậm chí có chương trình lãi suất cho vay bằng 0%. Hầu hết các chương trình tín dụng đang triển khai đều thực hiện chi vay tín chấp, không cần tài sản bảo đảm.

Người dân cần cảnh giác trước những lời mời vay tiền hấp dẫn nhưng "hậu quả không lường"

Người dân cần cảnh giác trước những lời mời vay tiền hấp dẫn nhưng "hậu quả không lường"

Ông Nguyễn Trọng Điệp thông tin, năm 2021, trước ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, Ngân hàng CSXH phối hợp chính quyền địa phương, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân. Tổng doanh số cho vay gần 1.000 tỉ đồng với gần 30.000 lượt hộ gia đình được vay vốn. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, ngân hàng chủ động điều chỉnh hạn trả nợ cho gần 5.000 hộ vay vốn với số tiền trên 88 tỉ đồng; tạm hoãn thu lãi cho gần 115.000 hộ vay vốn, tổng số tiền trên 69 tỉ đồng. Việc làm này đã phần nào hỗ trợ người dân trong lúc khó khăn, hạn chế tiếp cận TDĐ.

Tăng cường các biện pháp ngăn chặn

Nhằm hạn chế tình trạng người dân tìm đến các đối tượng cho vay nặng lãi, nhất là trong công nhân, lao động, các cấp Công đoàn (CĐ) trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; đồng thời, cung cấp thông tin để công nhân hiểu rõ về phương thức, thủ đoạn và tác hại của TDĐ. Từ đó, giúp công nhân nâng cao cảnh giác, chủ động tố giác với chính quyền địa phương khi phát hiện đối tượng hoạt động TDĐ hoặc trở thành nạn nhân của TDĐ.

Theo báo cáo của Công an tỉnh, trên địa bàn hiện có khoảng 2.500 cơ sở kinh doanh ngành, nghề theo quy định tại Nghị định số 96/2016/NĐ-CP. Trong đó, có 702 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh vàng, điện thoại kết hợp dịch vụ cầm đồ. Tài sản thế chấp chủ yếu là xe máy, vàng bạc, nhà đất,... Hầu hết cơ sở đều thể hiện lãi suất trên hợp đồng cầm tài sản đúng quy định. Tuy nhiên, qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã xử lý 13 trường hợp chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cơ sở lưu trú vi phạm các điều kiện về an ninh, trật tự, với số tiền 47,5 triệu đồng (cầm cố tài sản của người khác mà không có ủy quyền; không vào sổ theo dõi, quản lý tài sản của người cầm tài sản; không vào sổ đăng ký lưu trú,...).

Cùng với đó, Liên đoàn Lao động tỉnh triển khai, thực hiện chương trình Phúc lợi đoàn viên, chương trình Mái ấm CĐ, kịp thời hỗ trợ công nhân, lao động gặp khó khăn từ nguồn tài chính CĐ và các nguồn quỹ của Liên đoàn Lao động. CĐ còn thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, lao động như tham gia thương lượng với người sử dụng lao động ổn định việc làm, thu nhập tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn, nhà ở,...

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh - Phạm Thị Quyên cho hay, các cấp CĐ luôn phát huy vai trò của lực lượng tại chỗ, đó là những công nhân nòng cốt, tổ công nhân tự quản, ban chấp hành CĐ cơ sở tại các doanh nghiệp nhằm kịp thời phát hiện, tố giác TDĐ; chủ động báo cáo cấp ủy, phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương và lực lượng công an trong công tác tuyên truyền và tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc để có những biện pháp hiệu quả ngăn chặn TDĐ trong công nhân, lao động.

Từ sự tham gia đồng bộ, tích cực của các cơ quan liên quan, tình trạng TDĐ đã được kéo giảm rõ rệt. Tuy nhiên, các chế tài, mức phạt cả về hành chính và hình sự dành cho đối tượng cho vay nặng lãi, TDĐ còn rất thấp. Vì vậy, theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp - Trần Văn Năm, cần sớm sửa đổi, bổ sung biện pháp chế tài đối với hành vi cho vay nặng lãi, TDĐ, cụ thể là sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2013/NĐ-CP để rõ ràng, phù hợp với thực tiễn và các quy định của pháp luật hiện hành. Mặt khác, cũng cần nâng cao mức phạt về xử lý hình sự để bảo đảm tính răn đe.

Ngoài ra, với vai trò, trách nhiệm của mình, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành và trực tiếp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế tình trạng nhiều người đi vay vì thiếu hiểu biết pháp luật đã “vô tư” ký vào hợp đồng ủy quyền mà không biết đã rơi vào “bẫy” của đối tượng cho vay dẫn đến mất trắng tài sản. “Đồng thời, Sở Tư pháp cũng tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động công chứng” - ông Trần Văn Năm
cho biết.

Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Đây là thời điểm các đối tượng có thể lợi dụng để hoạt động cho vay nặng lãi, TDĐ. Chính vì vậy, bên cạnh các giải pháp của cơ quan chức năng, mỗi người cần cân nhắc kỹ trước khi ký hợp đồng vay vốn và nên tìm đến những tổ chức tín dụng uy tín để bảo vệ chính mình và gia đình, tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”./.

Theo quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013, hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay sẽ bị phạt từ 5-15 triệu đồng; hành vi cho vay lãi nặng có thể bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, mức độ nghiêm trọng hơn có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

An Kỳ

Chia sẻ bài viết