Tiếng Việt | English

10/07/2015 - 16:36

Đề xuất nghiêm cấm báo điện tử cóp nhặt, "ăn cắp" thông tin

 

(Ảnh minh họa: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Ngày 10/7, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về dự thảo Luật Báo chí. Dự kiến, dự án Luật sẽ được trình Quốc hội xem xét lần đầu tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII diễn ra vào cuối năm nay.

Luật Báo chí đã được ban hành từ năn 1989 và được sửa đổi, bổ sung năm 1999. Sau 15 năm thi hành, Luật Báo chí hiện hành cùng hệ thống văn bản dưới luật đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đồng bộ cho quản lý lĩnh vực báo chí. Báo chí Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình và chất lượng, phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, đặc biệt là xu hướng hội tụ về công nghệ giữa viễn thông, tuyền thông và Internet diễn ra mạnh mẽ, Luật Báo chí hiện hành không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển của báo chí Việt Nam, không bao quát được đầy đủ hoạt động thuộc lĩnh vực này.

Nhiều ý kiến tại hội nghị đánh giá, dự thảo Luật báo chí đã đề cập đến khá toàn diện những vấn đề về tổ chức, hoạt động báo chí, các loại hình báo chí, quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí, hợp tác quốc tế về báo chí, bản quyền báo chí… Đây là những vấn đề mà luật hiện hành chưa đề cập hoặc đề cập chưa đầy đủ, cụ thể. Cùng với các dự luật khác đang được xem xét và trình Quốc hội sắp tới, dự thảo Luật Báo chí là một bước triển khai các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân.

Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương đánh giá cao việc dự thảo Luật đã quy định về “Báo chí điện tử” là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, hình ảnh, âm thanh được truyền dẫn trên môi trường mạng, bao gồm báo điện tử và tạp chí điện tử.

Tuy nhiên, nhà báo Hữu Thọ cho rằng định nghĩa chưa hoàn chỉnh, chưa phán ánh đúng hiện trạng hiện nay. Ông nêu lên một thực tế đang diễn ra là việc cắt, dán, cóp nhặt thông tin từ nhiều trang báo điện tử khác để ghép lại thành sản phẩm của mình. Điều này gây nhiều bức xúc, gây nguy hại cho nền báo chí. Nhà báo Hữu Thọ đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu để đưa nội dung nghiêm cấm các hành vi này vào dự thảo luật.

Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đánh giá, dự thảo lần này có cả chương riêng quy định cụ thể về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; trách nhiệm của cơ quan báo chí, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Đây được coi là điểm sáng trong dự thảo Luật, đảm bảo phát huy quyền con người trong hoạt động báo chí Việt Nam.

Bà Trần Thị Tâm Đan đánh giá những vấn đề nhạy cảm như trả lời trên báo chí, cải chính trên báo chí, phản hồi thông tin, liên kết trong hoạt động báo chí... đã được quy định cụ thể hơn so với Luật hiện hành.

Tuy nhiên, bà Trần Thị Tâm Đan cho rằng quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân tuy đã được quy định trong dự thảo nhưng trên thực tế, để thực hiện quyền này, phụ thuộc rất nhiều vào ý thức trách nhiệm của cơ quan báo chí, đạo đức và năng lực của nhà báo.

Theo Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Thị Tâm Đan nên quy định cụ thể trong dự luật việc tạo điều kiện cho nhà báo về cơ chế, chính sách để nhà báo yên tâm thực hiện nhiệm vụ, khách quan, vô tư trong giải quyết quyền và lợi ích của người dân.

Theo Điều 16 dự thảo Luật, đối tượng được thành lập cơ quan báo chí là “cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp” và “các tổ chức khác do Chính phủ quy định.”

Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết cho rằng cơ quan chức năng cần chủ động nghiên cứu vấn đề liên quan tới báo chí tư nhân, ban hành quy phạm pháp luật để điều chỉnh sẽ tốt hơn là ứng phó một cách thụ động.

Một số ý kiến đề nghị dự thảo cần nghiên cứu có một khái niệm chung “Báo chí” là gì, trên cơ sở đó mới nêu các khái niệm “báo in”, “báo nói”… sẽ chính xác và thuận lợi hơn. Tiến sỹ Vũ Thị Thanh Tâm (Đài Truyền hình Việt Nam) cho rằng cách định nghĩa như dự thảo vẫn có sự lẫn lộn với các loại hình báo chí.

Tổng biên tập Báo Người đại biểu Nhân dân Đỗ Chí Nghĩa cho rằng dự thảo Luật sử dụng thuật ngữ “báo nói,” báo hình”... là chưa thật chính xác. Tuy nói “báo nói,” “báo hình” có thể đa số người dân sẽ hiểu nhưng theo ông Nghĩa, các quy định trong luật cần chuẩn chỉnh, theo đó dự thảo nên viết là “báo phát thanh,” “báo truyền hình”…

Bàn về khái niệm nhà báo, dự luật quy định chỉ các công dân được cấp thẻ nhà báo mới được gọi là nhà báo. Theo Chủ tịch Le Media JSC Lê Quốc Vinh, khái niệm này không chuẩn xác vì khái niệm “thẻ nhà báo” chỉ là một loại chứng nhận cho những người được công nhận hành nghề chính thức. Nhưng thực tế có nhiều nhà báo, hoạt động hành nghề có uy tín nhưng vì nhiều lý do khác nhau, họ không được cấp thẻ nhà báo hoặc đã không còn đảm nhiệm vị trí nào trong cơ quan báo chí chính thức nên không còn thẻ nhà báo.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã bàn luận, đề xuất và làm rõ hơn nhiều vấn đề trong dự thảo Luật. Đó là các vấn đề về có thừa nhận báo chí tư nhân hay không; những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; quảng cáo trên báo chí; liên doanh, liên kết trong hoạt động báo chí; đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chủ quản báo chí, quỹ phát triển báo chí...

Dự án Luật Báo chí sẽ được Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thẩm tra trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 10 sắp tới./.

Theo Vietnam+

Chia sẻ bài viết