Tiếng Việt | English

22/04/2021 - 14:45

Đêm nay, Việt Nam đón "đỉnh" mưa sao băng cổ xưa nhất thế giới

Theo giờ Việt Nam thì mưa sao băng Lyrid sẽ đạt đỉnh vào đêm ngày 22, rạng sáng ngày 23/4. Sự kiện này phải mất 415 năm mới có 1 lần.

Theo tờ Space, mưa sao băng Lyrid có nguồn gốc từ sao chổi Thatcher, được phát hiện bởi nhà thiên văn nghiệp dư người New York (Mỹ) A.E.Thatcher vào năm 1861.

Sao chổi này quay quanh mặt trời mỗi 415 năm và cứ khoảng ngày 22/4 hàng năm, Trái Đất sẽ đi qua chiếc đuôi đầy đá bụi của sao chổi. Chính những mảnh đá bụi bốc cháy đã tạo nên mưa sao băng ngoạn mục.


Điểm phát ra mưa sao băng Lyrid (dấu cộng màu vàng) nằm ở khoảng giữa chòm Lyra (Thiên Cầm) và Hercules (Vũ Tiên) - Ảnh: SKY&TELESCOPE.

Đặc điểm của mưa sao băng này là thường không thể quan sát trước 21 giờ tối. Theo kết quả định vị của trang Time and Date tại TP HCM, đêm đỉnh điểm sẽ rơi vào đêm 22, rạng sáng ngày 23, trong đó thời gian quan sát tốt nhất là từ 22 giờ đêm ngày 22 cho đến 6 giờ sáng ngày 23.

Mưa sao băng này thật ra đã xuất hiện ở tần suất yếu hơn từ ngày 16/4. Nó sẽ biến mất hoàn toàn vào ngày 25/4. Trong đêm cực đỉnh, có thể quan sát khoảng 10-20 ngôi sao băng mỗi giờ. Để quan sát tốt hơn, bạn nên chọn một nơi có tầm nhìn thoáng đãng, để mắt làm quen với bóng tối khoảng 15-20 phút trước khi quan sát.

Mưa sao băng Lyrid cũng là trận mưa sao băng được ghi nhận trong lịch sử loài người: cổ văn Trung Quốc đã mô tả nó từ 2.500 năm về trước.

Cái tên Lyrid của mưa sao băng được lấy từ tên chòm sao Lyra (Thiên Cầm), nằm gần điểm xuất phát của các ngôi sao băng trên bầu trời./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết