Tiếng Việt | English

16/08/2022 - 20:50

Điểm sáng xây dựng cầu giao thông nông thôn

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An xây dựng được hàng trăm cây cầu giao thông nông thôn (GTNT), góp phần thay đổi diện mạo quê hương, nhất là hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới (NTM).

Từ năm 2021 đến nay, xã Tân Lập vận động xây dựng được 5 cây cầu giao thông nông thôn

Huyện Tân Thạnh có nhiều kênh, rạch nhỏ, ngoằn ngoèo, len lỏi khắp vùng. Có dịp đến, chúng ta dễ dàng bắt gặp được những cây cầu bêtông nông thôn, nối liền hai bờ vui, giúp người dân đi lại thuận tiện và giảm dần cảnh “qua sông phải lụy đò”.

Chia sẻ về thành quả này, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Thạnh - Nguyễn Thị Trúc cho biết: “Xác định tiêu chí GTNT là một trong những tiêu chí khó, trong khi đó nguồn ngân sách hàng năm đầu tư xây dựng cầu, đường giao thông rất hạn chế, vì vậy, huyện tận dụng tối đa nguồn lực của mạnh thường quân và nhân dân đóng góp để xây dựng cầu GTNT. Cụ thể, khi xây dựng một cây cầu GTNT, huyện sẽ đối ứng ngân sách 40%, vận động mạnh thường quân 50%, số còn lại nhân dân đóng góp.

Ngày khởi công xây dựng và cắt băng khánh thành cầu, lãnh đạo huyện luôn dành thời gian đến dự để cảm ơn mạnh thường quân và nhân dân đã chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng cầu GTNT. Thông qua cách làm này, nhiều mạnh thường quân đã gắn bó với huyện để xây nên những nhịp cầu kết nối bờ vui, từ đó có những cây cầu huyện chỉ đối ứng ngân sách 20%”.

“Ai có của góp của, ai không có của thì góp sức, không phân biệt ít nhiều”. Đây chính là phương châm vận động người dân tham gia xây dựng cầu GTNT trên địa bàn huyện. Với phương châm này, huyện huy động được các tầng lớp nhân dân cùng tham gia bằng những hành động, việc làm thiết thực. Ông Trình Văn Miêu (xã Tân Bình) bộc bạch: “Vợ chồng tôi không có tiền đóng góp xây cầu nhưng bỏ công ra gần 2 tháng để nấu cơm cho thợ xây cầu ăn. Biết gia đình nấu cơm, người dân xung quanh có trái mướp, con cá cũng đem đến đóng góp. Riêng ngày đổ dầm, sàn cầu, tôi đi vận động người dân cùng đến tham gia tiếp thợ. Có được cây cầu đi lại thuận tiện, người dân rất phấn khởi nên ai cũng đồng tình hưởng ứng”.

Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, huyện xây dựng trên 120 cây cầu GTNT, tổng kinh phí gần 46 tỉ đồng, trong đó người dân, mạnh thường quân đóng góp khoảng 80%. Xã Tân Hòa, Tân Bình, Nhơn Hòa Lập, Tân Lập, Kiến Bình là các địa phương tiêu biểu trong công tác xã hội hóa xây dựng cầu GTNT. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập - Trần Minh Nghĩa cho biết: “Từ năm 2021 đến nay, xã vận động xây dựng được 5 cây cầu GTNT, bình quân 200 triệu đồng/cây, trong đó nhiều cây cầu nằm ở vị trí quan trọng, kết nối nhiều ấp, có lưu lượng phương tiện qua lại đông và gần các trường học. Việc vận động xây dựng cầu GTNT đã giúp xã hoàn thành tiêu chí về giao thông trong hành trình xây dựng xã NTM nâng cao”.

Với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và mạnh thường quân, đến nay, huyện cơ bản hoàn thành tiêu chí về GTNT. Đây chính là tiền đề giúp huyện về đích huyện NTM vào năm 2024, góp phần hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Hà Thanh Chì chia sẻ: “Dù cơ bản hoàn thành tiêu chí số 2 về GTNT nhưng huyện vẫn tiếp tục tranh thủ các nguồn lực để xây dựng, sửa chữa cầu, góp phần cho người dân đi lại thuận tiện, thúc đẩy kinh tế, văn hóa và xã hội phát triển. Thời gian tới, huyện rất mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của mạnh thường quân và sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong hành trình xây dựng cầu, đường GTNT”./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích