Tiếng Việt | English

30/01/2017 - 14:58

Điện, nước về nông thôn

Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh không ngừng đưa điện, nước về nông thôn bằng việc lắp đặt, xây dựng các công trình thiết thực, liên quan phục vụ nhu cầu của người dân.

Điện vào tận ngõ

Tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An số hộ dân sử dụng điện qua mỗi năm đều tăng, tính đến cuối năm 2016, có 99,97% số hộ sử dụng điện. Mỗi năm, ngành điện luôn bố trí vốn để xây dựng các công trình đưa điện đến các hộ dân chưa có điện hoặc điện áp yếu do đường dây kéo từ trạm về nhà dân khá xa.

Năm 2016, Tân Trụ xây dựng 2 công trình liên xã đưa điện đến với người dân với tổng kinh phí trên 8 tỉ đồng.

Nhân viên Điện lực Tân Trụ lắp đặt điện kế trong dự án điện liên xã để cấp điện cho vùng nông thôn (ảnh chụp tại ấp 5, xã Tân Phước Tây)

Tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An số hộ dân có điện đạt 100%, tuy nhiên, còn một số xã, do đường điện kéo về khá xa nên điện áp yếu, hao hụt khi truyền tải.

Hiểu được khó khăn trên, ngành điện lắp đặt, nâng cấp đường dây, xây dựng thêm các trạm điện nhằm phục vụ nhu cầu của người dân.

Theo Điện lực huyện, năm 2016, ngành thực hiện 3 công trình mới, sửa chữa lớn 3 công trình với tổng kinh phí trên 11 tỉ đồng, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Bên cạnh đó, Điện lực huyện thường xuyên kiểm tra, khảo sát, báo cáo kịp thời về Điện lực tỉnh để có kế hoạch nâng cấp, xây dựng các công trình bảo đảm cung cấp đầy đủ điện sinh hoạt và sản xuất cho người dân.

Theo Giám đốc Công ty Điện lực Long An - Đoàn Tấn Năng, hàng năm, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện ở vùng nông thôn đều tăng. Ngành điện đầu tư nhiều hạng mục công trình để đưa điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng điện ở nông thôn và chất lượng điện cung cấp cho các hoạt động, ngành điện xây dựng các kế hoạch trung hạn, dài hạn bằng việc thực hiện các giải pháp như giải quyết cấp điện cho các hộ dân có nhu cầu gắn điện kế mới, tách điện kế từ tổ hợp có từ 2 hộ trở lên (trong vòng 3 ngày làm việc đối với khu vực thành thị và 5 ngày làm việc đối với khu vực nông thôn) theo đề án tách xóa cụm của Tổng Công ty Điện lực miền Nam.

Triển khai các dự án gồm dự án vay vốn nước ngoài, dự án vốn ngân sách và vốn đối ứng ngành điện (dự án 2081) với 2 dự án: Cải tạo, phát triển lưới điện trung, hạ thế khu vực nông thôn tỉnh Long An (vay vốn JICA) và cho cải tạo, nâng cấp, phát triển lưới điện trung, hạ thế khu vực trung tâm thị xã, thành phố thuộc tỉnh Long An (vay vốn KFW). Tổng số vốn đầu tư của 2 dự án trên là 327 tỉ đồng với khối lượng gồm 202,6km đường dây trung áp, 472,7km đường dây hạ áp, dung lượng 29.375kVA. Hiện tại, các dự án trên đang trong giai đoạn phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, dự kiến triển khai thực hiện cuối năm 2016, đầu năm 2017.

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Dương Văn Hoàng Hoanh thông tin: Bên cạnh việc ngành điện đầu tư xây dựng, nâng cấp lưới điện theo kế hoạch, đề án của công ty, Chính phủ có dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Long An theo Quyết định 2081/QĐ-TTg, ngày 8-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ với khối lượng đầu tư 377,39km đường dây trung thế, 688,77km đường dây hạ thế, 768 trạm biến áp công suất 68.087kVA, vốn đầu tư ước tính 484,5 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước 85%, vốn đối ứng ngành điện 15%, triển khai giai đoạn 2016-2020.

Khi thực hiện dự án trên sẽ dùng lưới điện quốc gia cấp điện cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới để bảo đảm mục tiêu đến năm 2020, hầu hết các hộ dân ở nông thôn có điện; đồng thời, cấp điện cho các trạm bơm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp.

Nước đến tận nhà

Tại các xã nông thôn, vùng sâu, biên giới của tỉnh, tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh (HVS) còn khá khiêm tốn. Một số nơi, người dân dùng nước mặt tại các kênh, sông không bảo đảm, bị nhiễm phèn, mặn.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 xác định rõ vấn đề đưa nước HVS đến với người dân là nhiệm vụ quan trọng và đề ra kế hoạch cụ thể đến năm 2020, phấn đấu 98% người dân được sử dụng nước HVS. Để hoàn thành kế hoạch, thời gian qua, các cấp, các ngành phối hợp đầu tư nâng cấp, xây dựng mới hệ thống các trạm bơm, giếng nước, công trình cấp nước,...

Trạm bơm cấp nước hợp vệ sinh cho người dân ấp Tân Hòa, xã Bình Hòa Bắc, huyện Ðức Huệ đang được nâng cấp, sửa chữa với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân

Tại huyện Đức Huệ, tỉnh Long An mỗi năm được đầu tư nhiều trạm bơm, hệ thống cấp nước để đưa nước HVS về địa bàn. Bình Hòa Bắc là một trong những xã có tỷ lệ người dân sử dụng nước HVS thấp của huyện.

Trước thực trạng trên, xã kiến nghị và được đầu tư 5 trạm bơm. Bà Bùi Thị Anh, ngụ ấp Tân Hòa, xã Bình Hòa Bắc chia sẻ: “Trước kia, nguồn nước ở đây bị nhiễm phèn nặng, muốn sử dụng phải đợi lắng cả ngày. Nay có trạm bơm, giếng nước, người dân có nước HVS sử dụng, mừng lắm!”.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Bắc - Lương Hoàng Quí cho biết: “Hiện nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước HVS trên địa bàn đạt 98%, trong năm 2016, xã nâng cấp trạm bơm nước với kinh phí trên 300 triệu đồng tại ấp Tân Hòa. Phấn đấu đến năm 2017, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước HVS đạt 100%, phía xã trình kế hoạch xây mới 4 trạm bơm nước, nâng cấp 4 trạm cũ với tổng kinh phí trên 3,3 tỉ đồng”.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, năm 2016, huyện triển khai thực hiện nhiều công trình cấp nước, nâng cấp một số trạm bơm, giếng được tỉnh giao để đưa nước về đến nhà của các hộ dân. Hiện nay, tỷ lệ người dân sử dụng nước HVS trên địa bàn đạt hơn 90%. Để nâng cao hơn nữa tỷ lệ này, thời gian tới, huyện tập trung vào những công trình có công suất lớn khoảng 50-70m3/giờ; phối hợp các sở, ngành tỉnh khảo sát, tận dụng nguồn nước mặt từ các hầm đất đã khai thác để đưa vào sử dụng.

Tỷ lệ người dân sử dụng nước HVS tại xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa đạt 100%; toàn xã hiện có 13 trạm bơm nước phục vụ người dân.

Chủ tịch UBND xã Tân Tây - Nguyễn Văn Chẳn đánh giá: “Các trạm bơm nước cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, một số trạm do đầu tư đã lâu nên xuống cấp, xã kiến nghị cấp trên đầu tư nâng cấp để phục vụ nhu cầu của người dân”. Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - Huỳnh Kim Tùng thông tin: “Trên địa bàn có khoảng 111 trạm bơm nước cấp nước HVS cho người dân huyện nhà, tỷ lệ người dân sử dụng nước HVS qua mỗi năm đều tăng, hiện nay đạt gần 98%”.

Đến cuối năm 2016, số hộ có điện trên địa bàn tỉnh là 402.948/403.819 hộ, đạt 99,78%; trong đó, tại vùng nông thôn có điện: 324.023/324.868 hộ, đạt 99,74%. Dự kiến đến năm 2020, số hộ có điện: 424.560/424.915 hộ, đạt 99,92%; tại vùng nông thôn có điện: 335.815/336.144 hộ, đạt 99,90%.

Toàn tỉnh có 1.626 trạm cấp nước, khu vực nông thôn có 1.507 công trình cấp nước máy cho người dân nông thôn, đạt trên 68%, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước HVS trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 94,6% (tăng hơn 3,5% so với năm 2012), trong đó, xã đạt tỷ lệ cao nhất 100%, xã thấp nhất đạt 22,5%.

Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn - Hà Văn Thiệp nhận định: Nhiều năm qua, tỉnh rất chú trọng việc đầu tư các trạm bơm để cấp nước HVS cho người dân trên địa bàn, đặc biệt ở các huyện: Đức Huệ, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Thạnh Hóa,... Việc cấp nước được ưu tiên tại những nơi thiếu nước sử dụng, các xã vùng nông thôn và xã nằm trong lộ trình xây dựng nông thôn mới.

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ người dân sử dụng nước HVS đạt 98%, trung tâm xây dựng các kế hoạch trung hạn, dài hạn phù hợp với nguồn lực của tỉnh./.

Lực Nguyễn

Chia sẻ bài viết