Tiếng Việt | English

09/06/2016 - 12:07

Diệt muỗi vằn để phòng bệnh do vi rút Zika

Bộ Y tế đã công bố 2 ca dương tính với vi rút Zika tại Việt Nam. WHO cũng đã 2 lần tuyên bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh này. Và số trẻ mắc bệnh do vi rút Zika vẫn chưa dừng lại. Để giúp bạn đọc có thêm những thông tin về cách phòng, chống căn bệnh này tại Long An, chúng tôi có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Y tế - Thạc sĩ Lê Thanh Liêm.

Xin ông cho biết sự nguy hiểm của bệnh do vi rút Zika?

Ông Lê Thanh Liêm: Theo Thông cáo báo chí của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình hình dịch bệnh do vi rút Zika đang diễn biến phức tạp trên thế giới với tốc độ lây lan nhanh. Đến nay, có trên 60 quốc gia có nhiễm vi rút Zika và tổ chức Y tế thế giới đã 2 lần ra quyết định tình trạng khẩn cấp mang tính chất toàn cầu về y tế công cộng đối với bệnh Zika.

Hiện nay, WHO đang tập trung nghiên cứu để xác định về mối liên quan của vi rút Zika với hội chứng đầu nhỏ và bộ não chưa phát triển đầy đủ và hội chứng viêm đa rễ và dây thần kinh Guillain-Barre do sự gia tăng đột biến các trường hợp nhiễm bệnh này.

WHO cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên cơ sở sự lan nhanh của vi rút cùng các vấn đề sức khỏe tiềm năng liên kết của nóvàkhẳng định loại vi rút này đang “lây lan bùng nổ”. Cơ sở để ban bố tình trạng khẩn cấp là sự lây lan nhanh chóng của loại vi rút truyền qua muỗiAedescó mối liên hệ mật thiết với căn bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Margaret Chan mô tả dịch bệnh do Zika vi rútlà một “sự kiện bất thường”.

Xin ông cho biết, tình hình bệnh Zika tại Việt Nam đến thời điểm này?

Ông Lê Thanh Liêm: Việt Nam ghi nhận có 2 ca nhiễm vi rút Zika được công bố vào ngày 5-4-2016 cho thấy rằng, sau mấy tháng, chúng ta tích cực giám sát từ cửa khẩu cho tới cộng đồng, giờ vi rút Zika đã xâm nhập Việt Nam.

Bộ Y tế đưa mức độ cảnh báo dịch lên mức độ 2, tức là Việt Nam đã có vi rút Zika và đây cũng là mối quan ngại cho tất cả cán bộ quản lý ngành Y tế cũng như toàn xã hội.Bởi vì Zika mặc dù tính chất lâm sàng nó không nguy hiểm nhưng để lại hệ lụy rất lớn cho xã hội sau này, đó là sinh ra những đứa bé đầu nhỏ, và cũng có những trường hợp bị bại liệt do viêm đa rễ thần kinh, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Đến thời điểm này, TP.HCM và tỉnh Khánh Hòa đã có vi rút Zika thì tỉnh Long An cũng không thể nằm ngoài nguy cơ này, và tôi có thể khẳng định nguy cơ này rất cao.

Do tính chất biểu hiện trễ cũng như triệu chứng lâm sàng của nó rất kín đáo, khả năng vi rút Zika có thể xâm nhập qua tất cả các hàng rào kiểm dịch biên giới. Cho dù những hàng rào có chặt chẽ như thế nào đi nữa, chúng ta cũng không thể ngăn ngừa được trước sự gia tăng về hoạt động kinh tế, thương mại, giao lưu, du lịch quốc tế trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, các nước lân cận Việt Nam như Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc đã có trường hợp nhiễm Zika từ lâu. Tôi cũng nghĩ rằng, việc phòng, chống Zika sẽ còn tiếp tục ở nhiều thập kỷ nữa.

Trước tình hình trên, ngành Y tế Long An có những biện pháp gì để phòng, chống dịch bệnh này, thưa ông?

Ông Lê Thanh Liêm: Khi Zika xâm nhập vào Việt Nam thì chúng ta đã tính toán đến chuyện một cuộc chiến lâu dài với vi rút Zika giống như với bệnh sốt xuất huyết. Do trước đây, vào những thập niên 50, 60 của thế kỷ trước, vi rút sốt xuất huyết cũng đã thâm nhập Việt Nam và đến bây giờ, hơn 60 năm, chúng ta vẫn còn tiếp tục chống lại căn bệnh này. Đến nay, tình hình dịch bệnh ngày càng không giảm, mặc dù chúng ta có những tiến bộ khoa học khống chế tỷ lệ tử vong. Vi rút Zika cũng như thế, có những điểm rất tương đồng với vi rút sốt xuất huyết và có thể dự đoán trong tương lai, chúng ta phải còn tích cực làm rất nhiều công việc để phòng ngừa bệnh Zika.

Hiện nay, ngành Y tế triển khai trong 15 huyện, thị xã, thành phố và lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo tất cả các huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác này.Về mặt chuyên môn, hiện chúng tôi tập trung 3 nhiệm vụ:

Thứ nhất là công tác truyền thông. Truyền thông làm sao cho người dân thấy được tầm quan trọng, tác hại cũng như hậu quả của Zika để lại cho xã hội và cũng không làm cho người dân quá hoang mang, lo sợ. Bởi hiện nay, chúng ta có biện pháp ngăn ngừa và phòng, chống Zika, có thể làm giảm ca mắc và không để lây lan.

Phải xác định, phụ nữ, phụ nữ mang thai là những người cần phải được quan tâm và cần có những thông điệp gửi đến họ, giúp họ hiểu rõ bệnh Zika tác hại như thế nào, phải theo dõi tình trạng sức khỏe bản thân trong quá trình thai nghén là hết sức cần thiết.

Thứ hai là thực hiện công tác giám sát. Có 3 cấp độ: Trước tiên, phải giám sát tại các cửa khẩu để kiểm tra, tư vấn, cũng như gửi thông tin để những người đi và về từ những vùng dịch, khi có những vấn đề liên quan đến Zika phải báo cáo ngay cho cơ sở y tế, bảo đảm không để tình trạng lây lan cho cộng đồng. Kế đến là giám sát trọng điểm trong toàn quốc.

Qua chương trình trọng điểm vừa rồi thì chúng ta mới phát hiện là Zika đã xâm nhập vào Việt Nam. Tiếp nữa là chúng ta giám sát cộng đồng, đặc biệt các đối tượng có nguy cơ từ vùng dịch trở về hoặc là tự đi và về từ vùng dịch thì chúng ta phải có công tác giám sát chặt chẽ rồi tư vấn cho họ việc gì phải làm, chẳng hạn như là không để muỗi đốt, quan hệ tình dục an toàn, khi có triệu chứng bệnh phải báo cáo ngay cho cơ sở y tế.

Thứ ba, chúng tôi đang làm quyết liệt, đó là diệt lăng quăng và muỗi. Bởi vì có vi rút mà không có muỗi truyền bệnh coi như là chúng ta không bị gì cả. Toàn xã hội và cộng đồng đều phải tham gia tích cực công tác diệt lăng quăng, diệt muỗi và tránh muỗi đốt. Đây là việc làm tôi cho rằng rất quan trọng và cũng rất khó khăn để bảo đảm thành công trong việc ngăn chặn vi rút Zika lây lan.

Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này!./.

Thanh Bình

Chia sẻ bài viết