Tiếng Việt | English

08/04/2016 - 22:24

Long An: Nâng cao cảnh giác với sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika

Sáng ngày 5-4-2016, Bộ Y tế công bố 2 trường hợp người Việt Nam đầu tiên nhiễm virus Zika tại Nha Trang và TP.HCM. Căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ, nguy cơ nhiễm virus Zika sẽ có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống.

Hiện nay, vi rút Zika được ghi nhận tại: Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Lào và Việt Nam. Trong khi đó, người dân không có miễn dịch với vi rút Zika.

Nước ta có loại muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH), đây cũng là loại muỗi truyền vi rút Zika. Hiện tại, tình hình mắc SXH tại Long An tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2015.

Cán bộ y tế hướng dẫn người dân diệt lăng quăng và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi

Bệnh SXH và bệnh do vi rút Zika hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Nhiều trường hợp bệnh không có biểu hiện triệu chứng (khoảng 80%) nên rất khó phát hiện, chẩn đoán khống chế dịch.

Tại Long An, dịch SXH thường xuất hiện ở các huyện có nhiều KCN như: Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, TP.Tân An. Trong đó, nhiều năm qua, Đức Hòa là một trong những địa phương có số ca mắc SXH chiếm tỷ lệ cao trong toàn tỉnh.

Giám đốc Sở Y tế Long An – Lê Thanh Liêm thông tin: Bộ Y tế nâng cảnh báo dịch do vi rút Zika lên cấp độ 2. Đây cũng là mối quan ngại cho ngành Y tế và toàn xã hội. Tuy triệu chứng lâm sàng của Zika hoàn toàn không nguy hiểm nhưng để lại hệ lụy to lớn cho xã hội sau này là sinh ra những đứa bé đầu nhỏ, hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh,…

Đến thời điểm này, trước tình hình TP.HCM – địa phương giáp ranh có trường hợp nhiễm Zika, Long An cũng không nằm ngoài nguy cơ xuất hiện dịch Zika nếu không chủ động phòng, chống.

Do đó, ngành Y tế Long An khẩn trương triển khai các biện pháp và xây dựng các tình huống giả định để chủ động khống chế ngay khi có dịch xảy ra; tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác hại, hậu quả của bệnh Zika với cộng đồng và thế hệ mai sau, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đang mang thai.

Đồng thời, giám sát ở các cửa khẩu, kiểm tra, tư vấn, kiểm tra những người đi từ vùng dịch nếu có vấn đề gì có liên quan đến Zika thì sẽ báo ngay cơ sở y tế để có biện pháp ngăn chặn lây lan trong cộng đồng; kêu gọi toàn xã hội cùng chung tay tập trung diệt muỗi và lăng quăng. Đây cũng là biện pháp đơn giản và hữu hiệu nhất nhằm ngăn chặn SXH và Zika trong cộng đồng./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết