Có một nghịch lý và khoảng cách khá lớn trong lớp trung cấp kế toán. Tuấn học rất giỏi nhưng lại là con nhà nghèo. Ngoài giờ học, không như những cậu ấm, cô chiêu lang thang ở mấy quán cà phê, quán kem, quán nhậu vui vẻ, Tuấn đi làm thêm để trang trải học phí và lo cho gia đình.
Ba mất sớm, bỏ lại mẹ Tuấn và 3 đứa con. Mẹ bệnh triền miên, dưới Tuấn lại còn 2 đứa em thơ đang tuổi ăn tuổi học nên Tuấn không phút nào ngơi tay. Hễ ở đâu làm có tiền mà chân chính là Tuấn lao vào, không kể nặng nhọc.
Trong khi đó, phân nửa lớp học là những bạn con nhà khá giả, học lực trung bình hoặc yếu kém lại chia phe chơi chung với nhau. Bình - kẻ đứng đầu nhóm nhà giàu vì ganh ghét Tuấn học giỏi nên lúc nào cũng tìm cách mỉa mai để thầy cô không còn mang Bình ra so sánh với Tuấn.
- Nghèo kiết xác như mày thì học cho lắm sau này cũng không làm được gì! Cỡ mày ra trường không là thằng nhân viên quèn thì cũng chỉ là thằng công nhân khố rách - Bình lên giọng khinh miệt.
Tuấn nghe và hiểu những gì mà Bình nói nhưng đều gác bỏ ngoài tai. Thật ra, lúc đầu, Tuấn cũng tự ái, giận dữ và có đôi lần suýt đánh nhau với Bình vì sự xúc phạm thái quá đó. Nhưng rồi nghĩ lại thấy hắn không đáng để mình làm thế. Tuấn không dại gì nóng giận để mắc bẫy Bình vì Tuấn biết, nếu đánh nhau, dù Tuấn có to con hơn cũng không thắng cả nhóm a dua bên cạnh Bình.
Nhóm nhà nghèo của Tuấn có bênh vực cũng chỉ là lời khuyên, chẳng ai dám mang ách vào người cho phiền phức. Vì vậy, Tuấn đành chọn cách im lặng và mỉm cười, dù trong lòng rất khó chịu khi bị xúc phạm. Tuấn nghĩ thời gian hai năm rưỡi sẽ trôi qua nhanh, ra trường, Tuấn sẽ không còn gặp lại những đứa bạn khinh người như Bình, nên cố vứt bỏ mọi suy nghĩ vu vơ mà lao vào học và làm.
Có lần Bình nổi nóng chỉ thẳng vào mặt Tuấn vì bị giảng viên phê bình:
- Mày là cái quái gì mà ông thầy phải tuyên dương mày và phê bình tao chứ! Tao khinh! Thứ quê mùa như mày, ngay cả cửa hàng thức ăn nhanh còn chưa lết đôi dép tổ ong vào nói chi là nhà hàng sang trọng, tư cách gì mà sánh với tao.
Tuấn từ tốn nói:
- Tôi nghèo, quê mùa nhưng ít ra tôi còn có thể tiêu xài bằng chính đồng tiền mà mình làm ra. Còn cậu thì sao, vào nhà hàng sang trọng, tiêu pha hoang phí bằng chính đồng tiền cơ cực của ba mẹ, có đáng vui không?
- Mày… Bình cứng họng vì câu nói của Tuấn.
Chiều chủ nhật, bắt gặp Tuấn chọn những cành hồng đỏ ở cửa hàng hoa, Bình và đám bạn cười mỉa mai:
- Tụi bây coi, nghèo và xấu xí như nó cũng có bạn gái nữa kìa! Không biết con nhỏ nào xấu số nhỉ? Có tiền mua không đó mày?
Tuấn không muốn ăn thua với Bình, từ tốn chọn những cành hồng đỏ đẹp nhất đưa cho cô chủ gói giấy kiếng.
- Cả bó hoa hồng đỏ luôn kìa tụi bây - Bình lại tiếp tục châm chọc - Con nào bỏ bùa mà bữa nay nó lại chi mạnh tay để mua cả bó hoa đắt tiền nhỉ? Không được, tao phải mua một đóa hồng thiệt to tặng bạn gái cho nó lé mắt.
Tuấn vừa bước ra khỏi quầy, chị chủ ôn tồn nói:
- Tụi em ồn ào quá đấy! Hôm nay là ngày Vu lan, cậu ấy mua hoa tặng mẹ mình để tỏ lòng hiếu thảo với đấng sinh thành. Thanh niên bây giờ chỉ biết nghĩ đến việc tặng hoa, quà cho bạn gái mà chẳng bao giờ nghĩ về ba mẹ. Hiếm mới có người như cậu ta…
Cô chủ cửa hàng hoa bỏ lửng câu nói và trao bó hoa hồng to cho Bình. Lúc này, Bình và đám bạn đứng trơ người... /.
Nguyễn Duy Hoàng