Hầu hết siêu thị, chợ đều đã mở cửa nhưng sức mua chưa cao
Doanh nghiệp phấn khởi
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu, rộng, các hiệp định thương mại tự do được thực thi, từ đó, DN nắm bắt cơ hội đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tết cổ truyền là kỳ nghỉ dài nhưng sau kỳ nghỉ này, để đáp ứng các hợp đồng, đơn hàng, hầu hết DN tổ chức hoạt động sản xuất ngay trong những ngày đầu xuân mới.
Phó Giám đốc Công ty (Cty) Lương thực Long An - Nguyễn Minh Việt cho biết, sau kỳ nghỉ tết dài ngày, đến thời điểm này, tất cả nhà máy sản xuất trực thuộc Cty đã bắt đầu đi vào hoạt động. Năm 2021, Cty dự kiến mua vào khoảng 180.000 tấn quy gạo. Dự kiến lượng hàng hóa trên Cty sẽ xuất bán thị trường nội địa khoảng 30%, 70% phục vụ xuất khẩu sang thị trường thế giới.
Theo đó, sau tết, nông dân sẽ thu hoạch rộ các trà lúa ở vụ Đông Xuân cho đến tháng 3/2021. Năm nay, tại Long An, ngành Nông nghiệp thực hiện mục tiêu chủ động phòng, chống hạn, mặn và giảm nhẹ thiên tai, vụ Đông Xuân 2020-2021, dự báo sản lượng tăng, ít thiệt hại do thiếu nước tưới hoặc xâm nhập mặn gây hại trên trà lúa. Theo kế hoạch, Cty sẽ ưu tiên thu mua lúa tại Long An, nhất là ở những diện tích thực hiện liên kết sản xuất, sau đó thu mua sang các địa phương lân cận như Tiền Giang, Đồng Tháp.
Ông Nguyễn Minh Việt phấn khởi chia sẻ thêm, năm 2020, nhờ áp dụng các trang thiết bị, dây chuyền sản xuất mới, sản lượng hàng hóa Cty xuất bán tăng nhiều so với các năm trước, đạt trên 161.000 tấn. Ở thị trường nội địa, Cty được Sở Công Thương hỗ trợ xúc tiến thương mại vào các bếp ăn tập thể của DN nên lượng tiêu thụ tăng trưởng tốt. Ngoài ra, Cty còn thực hiện xuất khẩu trực tiếp sang nhiều thị trường truyền thống như Trung Quốc, Malaysia, châu Phi,… Đặc biệt, Cty đang thăm dò, xúc tiến thị trường mới là EU. Trong năm 2021, Cty kỳ vọng sẽ xuất khẩu được nhiều gạo hơn vào thị trường EU, bởi thị trường này bền vững, giá xuất khẩu rất tốt.
Cty Cổ phần Thực phẩm An Long (Cụm công nghiệp Long Định - Long Cang, huyện Cần Đước) chuyên sản xuất, chế biến và mua bán, xuất, nhập khẩu các sản phẩm từ dầu thực vật. Thời gian qua, Cty cho ra đời nhiều sản phẩm dầu thực vật có giá trị dinh dưỡng cao, giá thành cạnh tranh nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Sau những ngày nghỉ tết, thời điểm này, tất cả cán bộ, công nhân, người lao động Cty đã bắt tay vào sản xuất. Theo đại diện Cty - ông Huỳnh Huy Hoàng, mục tiêu của Cty trong năm 2021 là không ngừng phát triển ý tưởng mới để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Bên cạnh đó, Cty cũng không ngừng thực hiện văn hóa trong DN, cải thiện đời sống, điều kiện làm việc, thu nhập cho người lao động, hướng đến trở thành một trong những Cty kinh doanh dầu thực vật hàng đầu Việt Nam.
Tiểu thương kỳ vọng
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa) - Nguyễn Quốc Cường cho biết, các thành viên HTX vui xuân nhưng không quên việc đồng áng. Hầu hết thành viên bắt tay thu hoạch rau màu vào sáng mùng 2 tết nhằm đáp ứng nhu cầu của tiểu thương, người tiêu dùng dùng rau xanh sớm. Thời tiết năm nay thuận lợi nên hầu hết thành viên đều trúng mùa. Đặc biệt, thời gian gần đây, HTX luôn tìm hiểu thị trường, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng để cho ra sản phẩm mới như bí hạt đậu, khổ qua nhật, mướp táo mỹ nhân,... Với các sản phẩm mới này, HTX hướng dẫn thành viên kỹ thuật canh tác, chăm bón nên phát triển tốt. Hầu hết sản phẩm mới đều có lợi nhuận cao hơn trồng sản phẩm truyền thống trên cùng một diện tích. Năm 2021, HTX sẽ phát huy tính năng động, chịu khó tìm hiểu thị trường để đồng hành cùng nông dân trong quá trình sản xuất, đạt lợi nhuận cao.
Các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh đã mở cửa trở lại phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Ghi nhận tại các điểm bán, hàng hóa phục vụ chủ yếu là một số mặt hàng hoa, quả, rau, củ, thực phẩm tươi sống. Theo đó, các mặt hàng bày bán ít hơn so với ngày thường, các loại rau, củ, quả có giá ổn định và có xu hướng giảm so với trước tết do nguồn cung đã được bảo đảm hơn. Bên cạnh đó, tại các chợ truyền thống, phần lớn tiểu thương đã hoạt động mua bán trở lại nhưng hàng hóa chưa phong phú, nhiều chủng loại như thời điểm trước tết.
Chị Nguyễn Thị Út - tiểu thương chợ phường 1, TP.Tân An, kinh doanh các loại tôm, cá cho hay, sau tết, tâm lý người tiêu dùng ít dùng thịt và chọn lựa các loại cá sông, tôm dùng chế biến món ăn. Vì vậy, những ngày đầu năm, các loại này bán tốt nhưng số lượng bán ra vẫn chưa nhiều như trước đây, chợ cũng sớm kết thúc hơn ngày thường. Giá bán các loại tôm, cá vẫn không đắt hơn so với ngày thường, bình quân tôm từ 150.000-300.000 đồng/kg, tùy loại.
Ngoài các mặt hàng rau, củ, quả, tôm, cá, đậu hũ cũng được người tiêu dùng chọn mua nhiều. Bà Trần Thị Ngọc, ngụ phường 4, TP.Tân An, cho biết, sau những ngày nghỉ tết, mùng 6, gia đình bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu làm đậu hũ. Theo bà Ngọc, đậu hũ được làm từ đậu nành, là món ăn dân dã, bổ dưỡng và dễ ăn, giá thành rẻ. Đậu hũ có thể chế biến thành rất nhiều món ăn, thích hợp cho những người ăn chay, nhất là trong tháng Giêng. Bình quân mỗi ngày, bà Ngọc bán ra khoảng 150 miếng đậu hũ, giá 5.000 đồng/miếng. Nói về kỳ vọng trong năm 2021, bà Ngọc mong muốn dịch bệnh Covid-19 nhanh chóng được kiềm chế, qua đi để DN ổn định sản xuất, người lao động có việc làm, thu nhập ổn định và kinh tế phát triển.
Theo thông tin từ Sở Công Thương, sau tết, giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu ổn định do nguồn cung bảo đảm khi hầu hết siêu thị, chợ đều đã mở cửa. Hiện nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả bình ổn nhưng sức mua chưa cao do người dân vẫn còn dự trữ vào đợt mua trước tết./.
Mai Hương