Tiếng Việt | English

29/07/2017 - 02:25

Đổi thay trên những vùng đất anh hùng

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Long An là một trong những cái nôi của cách mạng, lưu dấu bao sự kiện lịch sử. Những cái tên gắn liền với lịch sử: Bình Thành, Bình Hòa Nam, Đám lá tối trời,... trở thành niềm tự hào của quân và dân Long An. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, những vùng kháng chiến năm xưa nay dần thay da, đổi thịt, cuộc sống người dân ấm no, hạnh phúc.

Sáng ngời “Đám lá tối trời”

Từng là mảnh đất làm khiếp vía kẻ thù, “Đám lá tối trời” - căn cứ cách mạng nổi tiếng, là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ nói riêng và người dân Long An nói chung. Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nơi đây lưu dấu bao ký ức hào hùng. Từ cầu Triêm Đức, Đường tỉnh 833 nhựa phẳng lì chạy về Nhựt Ninh, nối liền vùng đất cách mạng anh hùng với xã Đức Tân và thị trấn Tân Trụ. Một bên trồng lúa, một bên là những vuông tôm, mang lại diện mạo mới cho cuộc sống người dân nơi đây.

Những vuông tôm giúp dân thoát nghèo, mang lại diện mạo mới cho vùng đất “Đám lá tối trời”

Chúng tôi đứng giữa “Đám lá tối trời” - vùng đất với những rặng dừa nước lao xao, quanh năm không thấy ánh sáng, bảo bọc, chở che bộ đội ta ngày nào, nay bừng sáng lên bởi những con đường bêtông, những ngôi nhà khang trang và đâu đó là những căn biệt thự nguy nga vượt lên trên bầu trời. Giữa vùng “Đám lá tối trời” là con đường bêtông cùng tên rộng, đẹp thuộc hàng nhất tỉnh được thi công từ nguồn vốn “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Theo cụ Dương Thị Sáu - gia đình cách mạng, ngụ ấp Thuận Lợi, xã Nhựt Ninh, năm nay gần 80 tuổi, cả khu vực này, trước đây là căn cứ địa quan trọng của cán bộ cách mạng. Vùng đất rập rờn những đám dừa nước, che phủ cả một góc trời, chở che cán bộ ta và cũng là nơi chôn vùi bao xác quân thù, góp phần cùng nhân dân toàn tỉnh chiến thắng kẻ thù xâm lược. Bà Sáu vẫn nhớ trận càn nổi tiếng năm 1966 của quân giặc, khoảng 200 tên địch bị tiêu diệt và bắn chìm 1 tàu chiến, thu 30 súng,... cùng nhiều quân trang, quân dụng khác. Sau trận càn năm 1966, địa danh “Đám lá tối trời” trở thành nỗi khiếp đảm của kẻ thù. Đất nước hòa bình, thống nhất nhưng vết tích chiến tranh vẫn hằn sâu trong cuộc sống của người dân.

Những hàng dừa nước cản bước quân thù nay lại là trở ngại trong xây dựng kinh tế của địa phương. Lúa trồng kém hiệu quả, kinh tế người dân gặp khó khăn; một lần nữa, những người dân kiên trung lại đứng trước “cuộc chiến mới” - cuộc chiến không tiếng súng nơi mặt trận kinh tế. Không phụ lòng người, con tôm “bén duyên” với người dân nơi đây và trở thành vật nuôi giúp nhiều gia đình thoát nghèo và vươn lên khá giả. Theo Chủ tịch UBND xã Nhựt Ninh - Huỳnh Văn Nhanh, hiện toàn xã, người dân thả nuôi hơn 260ha tôm, bình quân lợi nhuận khoảng 170 triệu đồng/ha/năm. Sau nhiều năm khó khăn, nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 33 triệu đồng/người/năm. Ngoài con tôm, gần đây, người dân trong xã còn mạnh dạn đầu tư nuôi bò thịt với hơn 400 con. Xã hoàn thành 16/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và phấn đấu về đích trước năm 2020.

Đổi thay ở vùng đất cách mạng

Cũng như vùng đất “Đám lá tối trời”, Khu Di tích lịch sử Cách mạng tỉnh Long An (trước kia được gọi là Khu Di tích lịch sử Cách mạng Bình Thành, thuộc xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ) hôm nay mang nhiều nét chấm phá mới. Ngoài khu di tích được đầu tư xây dựng khang trang với kinh phí gần 200 tỉ đồng thì chính sự đổi thay cuộc sống mới là thước đo đánh giá cho sự phát triển từng ngày của người dân vùng lõi của cách mạng.

Được chọn làm căn cứ cách mạng, vùng đất trũng thấp Bình Thành có nhiều bưng biền xen lẫn những giồng đất cao, tạo nên một địa hình phức tạp. Khu vực này nằm ở vị trí tiếp giáp giữa miền Đông và miền Tây Nam bộ, gần với Sài Gòn và dựa lưng vào nước bạn Campuchia. Với những điều kiện ấy, Bình Thành trở thành căn cứ bưng biền độc đáo trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chính những đặc điểm ấy, sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp, một số cán bộ, đảng viên của 2 tỉnh Tân An - Chợ Lớn rút lên Bình Thành xây dựng căn cứ cách mạng.

Trong điều kiện Trung ương chưa cho phép đấu tranh vũ trang, những chiến sĩ cách mạng đóng tại Bình Thành lợi dụng danh nghĩa quân giáo phái để thành lập nên Bộ Tư lệnh Trung Nam bộ - lực lượng vũ trang đầu tiên của Khu 8 và Nam bộ sau năm 1954. Tháng 7-1957, Xứ ủy thành lập tỉnh Long An trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh Tân An và Chợ Lớn. Và nơi đây cũng được lực lượng vũ trang trong tỉnh và Sư đoàn 9 Miền chọn là nơi tập kết và điểm xuất phát để tấn công vào Sài Gòn trong chiến dịch Tổng tấn công, nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Cây chanh góp phần đưa vùng căn cứ cách mạng Bình Thành, Đức Huệ phát triển

Từ ký ức hào hùng, vùng đất căn cứ cách mạng năm xưa, giờ đây thay đổi rất nhiều. Bà Bùi Thị Châu - người gắn bó với công việc Trưởng ấp trong 7 năm qua tại địa bàn này, cho biết: “Thay đổi nhiều lắm chứ! Giờ đây, xe ôtô có thể về đến ấp, đường nhựa chạy dài, con em có điều kiện tốt để học tập, những ngôi nhà khang trang liên tục được mọc lên, đủ nói lên những bước phát triển của vùng đất này”. Song, bà vẫn không thể nào quên những ngày tháng gian khổ trước đó. Khoảng gần 10 năm về trước, mặc dù là vùng căn cứ cách mạng nhưng về vùng này, muốn đi cũng khó, đường chỉ là những lối mòn, nhà cửa thưa thớt, người dân vẫn còn đi bộ và xuồng. Đã vậy, người dân cũng chỉ biết quẩn quanh sản xuất lúa nhưng kém hiệu quả.

Rồi đường lớn mở ra, Đường tỉnh 839 như một đòn bẩy thúc đẩy cho vùng đất này. Từ những diện tích trồng lúa kém hiệu quả, người dân dần chuyển đổi sang trồng chanh. Những vườn chanh trĩu quả được giá mang lại thu nhập cao cho người dân. Đến nay, toàn xã, người dân mạnh dạn chuyển đổi hơn 150ha đất trồng lúa sang trồng chanh cho thu nhập ổn định. Kỳ vọng của Bí thư Đảng ủy xã Bình Hòa Hưng - Huỳnh Thị Thái Lan, mai này, trên chính mảnh đất cách mạng năm nào sẽ là vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trọng điểm của tỉnh. Và chuyến đi về vùng đất ấy làm tôi nhớ lại cuộc trò chuyện ngày nào với một vị lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải: “Khi giai đoạn sau của dự án đường Bo Bo - Bình Thành hoàn thiện sẽ đưa cả vùng Đức Huệ vươn lên”./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết