Tiếng Việt | English

26/10/2022 - 09:08

Đồng chí Võ Văn Ngân - Người con ưu tú của quê hương Long An

Đồng chí Võ Văn Ngân sinh năm 1902 tại làng Đức Hòa, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), là vùng đất giàu truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất, sẵn sàng vùng lên chống phong kiến áp bức và thực dân Pháp xâm lược. Gia đình đồng chí Võ Văn Ngân là một trong những gia đình có truyền thống yêu nước ở địa phương. Đồng chí và những người anh em họ Võ là cánh chim đầu đàn của vùng đất Đức Hòa trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đồng chí Võ Văn Ngân (Ảnh TL)

Từ bé, Võ Văn Ngân chịu ảnh hưởng truyền thống cách mạng của quê hương, gia đình, đặc biệt từ người anh là đồng chí Võ Văn Tần (người con ưu tú của quê hương Long An và cách mạng Việt Nam). Đồng chí Võ Văn Ngân có điều kiện đi theo anh nên sớm tiếp cận những tư tưởng tiến bộ về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

Năm 1925, đồng chí Võ Văn Ngân cùng anh trai Võ Văn Tần tham gia Hội kín Nguyễn An Ninh (tức Thanh niên Cao vọng Đảng) và tích cực hoạt động trong tổ chức yêu nước này. Đồng chí Võ Văn Ngân còn vận động thành lập chi hội ở các làng Mỹ Hạnh, Đức Hòa, Hựu Thạnh.

Khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập với những tư tưởng cách mạng mới mẻ, tiến bộ, đồng chí Võ Văn Ngân tự nguyện gia nhập, trở thành một trong những hội viên đầu tiên và bước đầu tiếp cận với chủ nghĩa cộng sản. Là một trong số hội viên cốt cán, đồng chí Võ Văn Ngân đã tổ chức kết nạp và xây dựng được các chi hội khắp quận Đức Hòa và lan rộng đến các vùng nông thôn của Gia Định - Chợ Lớn.

Năm 1929, đồng chí Võ Văn Ngân là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở Đức Hòa, đây là Chi bộ cộng sản ra đời sớm nhất ở Đức Hòa.

Ngày 06/3/1930 tại Giồng Cám, làng Đức Hòa, quận Đức Hòa (nay thuộc xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), đồng chí Châu Văn Liêm phụ trách Liên Tỉnh ủy Chợ Lớn - Gia Định, chủ trì cuộc họp quyết định chuyển Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là Chi bộ đầu tiên ở Đức Hòa cũng như của tỉnh Chợ Lớn được thành lập với 7 đảng viên, đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư Chi bộ. Tháng 5/1930, Quận ủy Đức Hòa được thành lập do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư Quận ủy, cùng đồng chí Võ Văn Ngân và 2 người anh họ Võ là ủy viên. Qua đó thấy được vai trò hạt nhân nòng cốt, uy tín của gia đình họ Võ trong việc tuyên truyền, vận động, kết hợp quần chúng nhân dân Đức Hòa đứng chung dưới lá cờ Đảng.

Ngày 04/6/1930, vai trò chiến sĩ cộng sản của đồng chí Võ Văn Ngân được thử thách và tôi luyện. Quận ủy Đức Hòa dưới sự lãnh đạo của đồng chí Châu Văn Liêm, trực tiếp chỉ đạo cuộc biểu tình của nông dân đòi giảm sưu, giảm thuế, chống áp bức với tính chất và quy mô chưa từng có. Đây là cuộc biểu dương lực lượng lớn nhất ở Nam kỳ của nông dân được vận động, tập hợp và lãnh đạo có tổ chức của Quận ủy Đức Hòa chỉ sau 1 tháng thành lập, bước đầu khẳng định vai trò tham gia tổ chức của đồng chí Võ Văn Ngân.

Sau sự kiện trên, thực dân Pháp tổ chức lùng sục bắt bớ, tra tấn người biểu tình khắp Chợ Lớn. Nhiều cơ sở Đảng ở Chợ Lớn, Gia Định bị vỡ, nhiều đảng viên, quần chúng tham gia biểu tình bị bắt, bị đày. Tuy nhiên, đồng chí Võ Văn Ngân cùng Quận ủy Đức Hòa vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động, khiến thực dân Pháp lo sợ và truy lùng. Đồng chí Võ Văn Ngân chuyển qua quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định hoạt động. Tại đây, trước sự khủng bố trắng của địch, tổ chức Đảng từ tỉnh xuống cơ sở gần như bị phá vỡ, đồng chí Võ Văn Ngân quyết không để Đảng bị gián đoạn hoạt động, ông tích cực gây dựng cơ sở và liên lạc với tổ chức của địa phương, vực dậy phong trào cách mạng, tổ chức lại Quận ủy Gò Vấp, tiến tới xây dựng Tỉnh ủy Gia Định và được Xứ ủy chỉ định làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Văn Ngân, Đảng bộ tỉnh Gia Định đã giương cao ngọn cờ chống khủng bố, áp bức, bóc lột của đế quốc, thực dân, xây dựng, phát triển cơ sở Đảng, các tổ chức quần chúng ở các địa phương.

Giữa năm 1932, đồng chí Võ Văn Ngân về làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, thay đồng chí Võ Văn Tần. Các cơ sở cách mạng tại đây được củng cố và luôn giữ vững trong điều kiện Xứ ủy bị phá vỡ; đây là thành công rất lớn của đồng chí Võ Văn Ngân từ sau cao trào cách mạng 1930-1931.

Năm 1934, đồng chí Trần Văn Giàu thành lập Xứ ủy Nam kỳ. Đặc ủy Vàm Cỏ Đông được thành lập, đồng chí Võ Văn Ngân và đồng chí Võ Văn Tần tham gia cấp ủy. Bằng năng lực và thực tiễn hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Văn Ngân đã dành nhiều công sức để liên lạc và tổ chức các hoạt động cách mạng của Đảng. Với những đóng góp tích cực không ngừng nghỉ, đồng chí Võ Văn Ngân được bầu vào Xứ ủy trực tiếp phụ trách Thành ủy Sài Gòn - Gia Định.

Năm 1935, đồng chí Võ Văn Ngân được cử đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ I (từ ngày 27 đến 31/3/1935) tại Ma Cao (Trung Quốc) và được bầu là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trở về nước sau đại hội, đồng chí Võ Văn Ngân trực tiếp chỉ đạo lập lại Xứ ủy và được cử làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, có nhiệm vụ xây dựng lại tổ chức Đảng, lãnh đạo phong trào cách trong toàn xứ Nam kỳ; đồng thời, xúc tiến xây dựng căn cứ ở khu vực Bà Điểm - Hóc Môn, Gia Định làm địa chỉ tuyệt đối bí mật, an toàn để Trung ương Đảng yên tâm trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng của cả nước trong thời gian dài.

Dưới sự chỉ đạo của Bí thư Xứ ủy Nam kỳ - Võ Văn Ngân, hệ thống tổ chức Đảng được phục hồi, phong trào cách mạng được bảo đảm liên tục và phát triển, trong đó nổi lên là các phong trào đấu tranh của công nhân ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Hệ thống tổ chức của Đảng bộ Nam kỳ được củng cố gồm Xứ ủy, 2 liên tỉnh ủy, 16 cơ quan lãnh đạo ở 16/21 tỉnh, thành phố thuộc Nam kỳ. Xứ ủy còn lãnh đạo “Đặc ủy” của 60 đảng viên người Hoa thuộc Đảng Cộng sản Đông Dương.

Khi Mặt trận bình dân Pháp cầm quyền, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ - Võ Văn Ngân kêu gọi các nơi thành lập Ủy ban hành động để tập hợp quần chúng và tham gia Đông Dương Đại hội. Có trên 600 ủy ban hành động được thành lập trong toàn Nam kỳ. Song song đó, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ - Võ Văn Ngân đã chỉ đạo các phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân đòi các quyền dân sinh, dân chủ nổ ra hầu hết các tỉnh Nam kỳ, đặc biệt là ở khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, chỉ trong năm 1936, có trên 10 cuộc bãi công lớn của công nhân của các hãng. Năm 1936, Xứ ủy ra 2 thông cáo hướng dẫn tổ chức đấu tranh nhằm bảo vệ lợi ích của nông dân và công nhân. Hơn 20.000 lao động ngoại thành dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy đã hưởng ứng, giương băng rôn, khẩu hiệu đòi tự do nghiệp đoàn, tự do ngôn luận khi phái viên Đảng Xã hội cấp tiến sang điều tra tình hình Đông Dương. Tháng 01/1937, cuộc biểu tình lớn với 40.000 nông dân, tiểu điền chủ, tá điền từ các tỉnh tại Bến cảng Nhà Rồng đưa yêu sách đòi Toàn quyền Đông Dương thực thi những cải cách dân chủ ở Đông Dương. Đây được xem là những cuộc biểu dương ý chí, lực lượng rộng rãi, tiêu biểu nhất của quần chúng lao động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bí thư Xứ ủy Nam kỳ - Võ Văn Ngân.

Dành trọn cuộc đời và tâm huyết cho Đảng, cho Tổ quốc, đồng chí Võ Văn Ngân lâm bệnh nặng, không thể tiếp tục hoạt động. Trung ương Đảng chỉ định đồng chí Võ Văn Tần thay làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ. Ngày 29/10/1938, đồng chí Võ Văn Ngân qua đời trên quê hương Đức Hòa. Đây là sự tổn thất vô cùng lớn đối với Đảng, đối với cách mạng nói chung và tỉnh Long An.

Kế thừa truyền thống tốt đẹp của quê hương, những tấm gương đấu tranh và tinh thần yêu nước của gia đình, nhất là người anh Võ Văn Tần, đồng chí Võ Văn Ngân sớm hình thành những tư tưởng tiến bộ. Đồng chí đã tìm ra ánh sáng con đường giải phóng dân tộc là con đường cách mạng vô sản do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Từ đây, chí hướng yêu nước cùng với nhiệt huyết tuổi trẻ của đồng chí được chắp thêm đôi cánh lớn, đồng chí trở thành cánh chim đầu đàn trong việc xây dựng cơ sở Đảng và tổ chức lãnh đạo hoạt động phong trào cách mạng mạnh mẽ ở khắp Chợ Lớn cũng như toàn Nam kỳ cho đến hơi thở cuối cùng. Những trọng trách đồng chí đã trải qua trong quá trình hoạt động cách mạng có ảnh hưởng rất lớn đến công tác xây dựng Đảng cũng như phong trào cách mạng của cả Nam kỳ kể từ buổi đầu thành lập Đảng. Những cống hiến của đồng chí Võ Văn Ngân đối với cách mạng Việt Nam và quê hương Long An được khẳng định thông qua những đặc điểm sau đây:

Một là, năng lực tuyên truyền, tập hợp quần chúng cùng đứng chung dưới lá cờ lãnh đạo của Đảng. Năng lực đó sớm bộc lộ ngay từ khi tham gia Hội kín Nguyễn An Ninh; đồng chí Võ Văn Ngân đã tích cực vận động thành lập chi hội ở các làng của quận Đức Hòa. Khi chuyển sang tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, rồi An Nam Cộng sản Đảng và sau này tham gia thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, năng lực được chứng minh thông qua việc xây dựng cơ sở Đảng, phát triển đảng viên, thành lập chi bộ Đảng khắp quận Đức Hòa và các quận thuộc tỉnh Chợ Lớn, tỉnh Gia Định. Năng lực tập hợp quần chúng đứng chung dưới lá cờ Đảng biểu hiện nổi bật ở cuộc biểu tình của đông đảo nông dân ngày 04/6/1930 tại quận Đức Hòa làm thực dân Pháp khiếp sợ. Đây cũng là điểm đáng chú ý nhất của cao trào cách mạng 1930-1931 trong toàn xứ.

Hai là, bản lĩnh cộng sản vững vàng của đồng chí Võ Văn Ngân từng bước được tôi luyện theo năm tháng hoạt động cách mạng. Sau cao trào cách mạng 1930-1931, trước áp lực khủng bố trắng của Pháp, đồng chí Võ Văn Ngân đã nỗ lực xây dựng cơ sở, vực dậy phong trào cách mạng ở tỉnh Gia Định vốn đã bị bế tắc. Đồng chí đã tổ chức lại Quận ủy Gò Vấp, xây dựng Tỉnh ủy Gia Định và được chỉ định làm Bí thư. Khi là Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, đồng chí Võ Văn Ngân đã củng cố, xây dựng, tổ chức và lãnh đạo nhân dân 2 tỉnh Chợ Lớn - Gia Định giữ vững nhịp độ đấu tranh, thực dân Pháp dù đã nhận ra người đứng đầu phát động các phong trào nhưng chúng không phát hiện ra. Đây là một thành công rất lớn về phong cách lãnh đạo cũng như nguyên tắc bí mật trên con đường làm cách mạng của đồng chí Võ Văn Ngân.

Ba là, tài năng, uy tín và năng lực lãnh đạo mang tầm vóc tư lệnh vùng. Với tư cách là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Võ Văn Ngân được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, một vị trí đã khẳng định sự chín muồi trong công tác lãnh đạo mang tầm vóc (toàn Nam kỳ) của đồng chí Võ Văn Ngân. Việc xác định vùng Bà Điểm, Hóc Môn, tỉnh Gia Định làm căn cứ để Trung ương Đảng hoạt động một cách an toàn cho thấy sự hiểu biết, tầm nhìn rộng về địa thế chính trị của đồng chí. Trên cương vị tư lệnh toàn miền, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ - Võ Văn Ngân đã thể hiện đầy đủ uy tín, bản lĩnh, năng lực, phong cách, thực tiễn trong việc lãnh đạo các địa phương khôi phục và củng cố lại các cơ quan lãnh đạo cách mạng của các tỉnh và toàn Xứ. Nổi bật nhất là kêu gọi các đảng phái chính trị và toàn thể nhân dân đoàn kết, hợp tác thành lập Ủy ban hành động để tập hợp quần chúng và tham gia Đông Dương Đại hội. Ban hành các thông cáo; đồng thời, lãnh đạo tổ chức nhiều cuộc biểu tình với nhiều thành phần, đối tượng quần chúng tham gia có quy lớn chưa từng có và đạt được nhiều mục tiêu thắng lợi. Đây là cơ sở để Hội nghị mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 3/1937 xác định những chủ trương mới khi tình hình cách mạng thay đổi, góp thêm quan điểm lý luận về tư duy và những phương hướng lớn cho sự đấu tranh cách mạng của Đảng sau này. Những thành quả trên là “bước đệm” cần thiết để người kế nhiệm Bí thư Xứ ủy là đồng chí Võ Văn Tần, thuận lợi hơn trong việc thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển, cơ sở Đảng được củng cố, phát triển rộng khắp trong công nhân, nông dân ở nông thôn và thành thị.

Từ một thanh niên yêu nước, đồng chí Võ Văn Ngân sớm giác ngộ cách mạng và đứng vào hàng ngũ Đảng. Trong 9 năm hoạt động cách mạng và giữ nhiều trọng trách của Đảng: Ủy viên Quận ủy Đức Hòa, Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, Ủy viên Đặc khu Vàm Cỏ Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, người chiến sĩ cộng sản Võ Văn Ngân đã hoạt động cách mạng bằng nhiệt huyết tuổi trẻ cho đến khi trái tim yêu nước ngừng đập. Những cống hiến xuất sắc của đồng chí là thể hiện mãnh liệt niềm tin tuyệt đối vào sự thành công của con đường giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đồng chí xứng đáng là tấm gương sáng ngời về sự cống hiến, hy sinh, phấn đấu suốt đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam.

Tinh thần yêu nước quật cường và những cống hiến to lớn của những người con họ Võ, đặc biệt là đồng chí Võ Văn Ngân đối với cách mạng và dân tộc Việt Nam đã làm rạng danh quê hương Long An, trở thành di sản tinh thần đối với thế hệ hôm nay và mai sau. Vinh dự, tự hào là quê hương của đồng chí Võ Văn Ngân, Đảng bộ và nhân dân Long An sắt son ghi ơn, không ngừng học tập, noi gương, kế thừa và phát huy tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng, đạo đức cao đẹp của đồng chí Võ Văn Ngân, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, phát huy tính chủ động, khát vọng, quyết tâm đưa quê hương Long An vươn lên mạnh mẽ và giàu đẹp./.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Thanh Hải

Chia sẻ bài viết


Lắp đặt lưới an toàn ban công giá xưởng