Số lượng cò nhạn được cán bộ Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen giải cứu từ việc săn bắt trái quy định
Hầu hết các loài động vật hoang dã này được người bán thu mua của những người dân đánh bắt nhỏ, lẻ ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười. Bên cạnh đó là một lượng hàng lớn được các tiểu thương tận thu từ Campuchia không hề qua hải quan hay kiểm dịch. Với mức độ đánh bắt, tiêu thụ động vật hoang dã lớn như hiện nay, đến lúc nào đó, những đàn chim trời, động vật hoang dã liệu có còn xuất hiện trong tự nhiên?
Bài 1: Bẫy chim giăng khắp bìa rừng
Năm 2015, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, huyện Tân Hưng được chính thức công nhận là khu Ramsar thứ 2.227 của thế giới, khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam. Đây không những là nơi lưu giữ được hệ sinh thái đặc trưng của vùng đất ngập nước mà còn là nơi trú ngụ và làm tổ của hàng trăm ngàn cá thể chim. Trong đó, có nhiều loài nằm trong Sách Đỏ của Việt Nam cũng như thế giới: Điêng điểng, quắm đen, giang sen hay thậm chí là sếu đầu đỏ,... Thế nhưng, trong số hàng ngàn cá thể chim đang tung cánh kiếm ăn hàng ngày, không ít con không còn được về với tổ. Nguyên nhân chính là từ sự đánh bắt tận diệt chim rừng của một số hộ dân, thậm chí là các tay săn chim “thứ thiệt”. Hàng ngày, hàng vạn lưỡi câu, lưới mắc được giăng ngang dọc, bủa vây những cánh chim trời...
Ngàn lưỡi câu bao vây chim trời
Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen nằm trọn trong 3 xã: Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi và Vĩnh Châu A của huyện Tân Hưng. Toàn bộ Khu Bảo tồn được chia làm 12 tiểu khu với tổng diện tích 4.802ha. Trong đó, khu vực vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt với diện tích khoảng 2.000ha, khu rừng tràm kinh tế với diện tích 1.200ha và vùng đa dạng sinh học. Gần như toàn bộ Khu Bảo tồn được phủ bởi những vạt rừng tràm xanh ngút ngàn. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để hàng vạn cá thể chim trời tìm về trú ngụ.
Theo Phó Giám đốc Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen - Nguyễn Công Toại, từ khi Khu Bảo tồn được công nhận là khu Ramsar thế giới, công tác bảo tồn tại đây được thực hiện nghiêm ngặt. Cùng lực lượng của Khu Bảo tồn, người dân của 3 nơi Khu Bảo tồn hiện diện cũng rất tích cực tham gia vào công tác bảo tồn. Thế nhưng, thoáng chút buồn, ông nói: "Ngoài kia vẫn còn một số đối tượng ý thức kém lén lút săn bắt chim trời".
Đúng như lời ông Toại chia sẻ, vừa rời khỏi Khu Bảo tồn, men theo Đường tỉnh 819 về ấp Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi, gặp anh P. - cán bộ xã này, anh cho chúng tôi hay: Mùa này, có rất nhiều người dùng đủ các loại phương tiện như giăng lưới, đặt bẫy để săn chim trời. Nhưng theo anh, phổ biến nhất vẫn là dùng lưỡi câu để câu chim. “Loại này thì chim gì mắc phải cũng không thể thoát được. Từng lưỡi câu sẽ cuốn và găm vào mình chim khiến chúng không thể bay thoát. Người đặt bẫy cứ thế gỡ, gom vào giỏ rồi bán cho các thương lái thu mua chim”.
Men theo tuyến đường liên ấp của xã Vĩnh Lợi, xa xa, bên những ruộng lúa là những cọc tre được dựng sẵn. Anh P. lý giải, những cọc tre ấy là khung được người bẫy chim dựng sẵn để đặt lưỡi câu chờ chim mắc bẫy. “Riêng xã này cũng có ít nhất hơn chục hộ chuyên giăng câu bắt chim bán. Có mẻ, người bẫy chim bẫy được cả bầy le le gần trăm con, bán thu tiền triệu” - anh cho biết thêm.
Từng chùm lưỡi câu được người câu chim thả lơ lửng xuống mép lúa chờ chim sa bẫy
Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn P., ấp Cả Nổ, xã Vĩnh Lợi, một trong số những người bẫy chim để tìm hiểu. Ông “vô tư” cho biết: “Chỉ những hộ dân có lúa cặp với bìa rừng của Khu Bảo tồn và Lâm trường Vĩnh Lợi mới bẫy được chim. Ruộng ở khu vực xa, chim ít xuống lắm, có đặt bẫy cũng chẳng ăn thua!”.
Dẫn chúng tôi ra khu vực giăng câu chim, ông cho biết: “Mình chỉ cần cắm từng hàng cọc tre rồi giăng lưỡi câu tới sát mép lúa, chim sà xuống ăn hoặc bay lên là dính câu. Giăng câu kiểu này “độc” cái là chim dính vào hết đường thoát! Đặt câu, mình không phải thu câu như bẫy giật lưới. Cứ bỏ câu đó suốt ngày, mỗi ngày ra thăm 2, 3 lần, có chim thì gỡ”.
Theo quan sát của chúng tôi, bẫy giăng câu được thiết kế từ những chiếc lưỡi câu cá thông thường được buộc chặt vào những sợi dây nylon dài chừng 0,5m, thả xuống tới mép lúa. Trung bình 1 dây câu được người dân đặt khoảng hơn 1.000 lưỡi. Để thu hút chim trời, nhiều hộ dân còn thu sẵn tiếng chim để phát dụ chim về. Hầu hết diện tích lúa xung quanh Khu Bảo tồn và Lâm trường Vĩnh Lợi đều được người dân đặt bẫy câu chim.
Theo ông Nguyễn Văn P., một ngày, với những dây câu được đặt tại hơn 2ha ruộng của gia đình, ít nhất ông cũng kiếm được chục con, chủ yếu là cò, le le, cúm núm và một số loại chim khác. Hôm nào may mắn thì cũng được vài chục con. Hiện tại, ông P. bán lại cho thương lái thu mua với giá: Cò trắng 70.000 đồng/kg; le le 200.000 đồng/con, cúm núm giá 180.000-200.000 đồng/kg,...
Với hàng ngàn lưỡi câu được giăng khắp trên các cánh đồng ngoài bìa rừng, mỗi ngày, có hàng trăm con chim trời “xấu số” bị bắt.
Xót cảnh "làm thịt" chim trời
Theo những người dân ở đây, phần lớn chim trời sau khi bị đánh bắt được các hộ dân bán lại cho thương lái hoặc trực tiếp đưa ra chợ huyện để bán. Có mặt tại chợ thị trấn Tân Hưng buổi sáng sớm, từng xâu cò trắng bị buộc chặt, con sống, con chết được người bán chào mời. “20.000 đồng/con cò trắng; le le, vịt trời 300.000 đồng/con, còn gà nước (hay còn gọi là cúm núm) giá 380.000 đồng/kg. Toàn chim từ tự nhiên mới đánh bắt”.
Chỉ chưa đầy 1 giờ đồng hồ, hơn 20 con cò trắng cùng cặp vịt trời và mớ gà nước được bà T. bán hết. Đặc biệt, khi khách có nhu cầu làm sẵn, bà cũng sẵn sàng. Chẳng cần dao, kéo, từng con cò trắng còn sống được bà giữ chặt chân, tay cầm cổ, tay nhổ lông, cứ thế chỉ một loáng, chúng được bà vặt sạch lông. Bà khẳng định, mình đặt ít bẫy nên mỗi ngày chỉ độ chừng đó, chứ một số hộ khác đánh bắt nhiều, sáng sớm có thương lái đến thu mua luôn.
Còn tại chợ thị trấn Vĩnh Hưng, ngay khu chợ Bàu Sậy, hàng loạt loại rắn: Rắn bông súng, hổ ngựa, rắn ri voi, ri cá, rắn trun và cò trắng, cò ma cũng được bày bán công khai, mặc dù một số ít trong đó không hề được phép kinh doanh, buôn bán thương mại.
Nhưng nổi tiếng nhất và được nhiều người dân không chỉ Long An mà các tỉnh miền Tây cũng như TP.HCM biết phải kể đến chợ nông sản Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa. Mỗi ngày, hàng ngàn con chim được các chủ kinh doanh tại chợ “làm thịt” tại đây.
Theo ông Phạm Phùng L. - chủ một cửa hàng bán chim trời tại chợ nông sản Thạnh Hóa, một ngày, cửa hàng của ông bán được hàng trăm con chim các loại cùng một lượng lớn rắn, rùa,... “Khách có nhu cầu mua sống, mình bán sống, khách nào cần làm, mình cũng làm giúp không tính công” - ông cho biết.
Từng loại chim trời bị người bán nhổ sạch lông thiêu chết dưới ngọn đèn khò từ bình ga mini
Ông vừa nói, vừa cùng vợ là bà Nguyễn Thị G. nhổ lông sống đám chim chằng nghịch và ốc cao được bán với giá 20.000 đồng/con. Khi khách có nhu cầu mua và thui, ông bắt từng con còn sống, dùng chiếc bình ga mini gắn sẵn mỏ khò thui vàng ươm mặc con chim giãy giụa rồi chết từ từ. Rồi những con cò ốc, cò trắng cũng được người bán dùng cách này “hành quyết” tới chết chỉ để phục vụ nhu cầu của thực khách.
Nỗ lực cứu chim trời
Gắn bó với Khu Bảo tồn đến nay hơn 10 năm, ông Nguyễn Công Toại hiểu rõ từng khu vực, từng loài chim và tập tính của chúng trong Khu Bảo tồn.
"Cứ 2, 3 năm, vài hécta rừng tràm lại chết khô do chim làm tổ. Nhưng đó lại là tín hiệu vui đối với người làm công tác bảo tồn, bởi chim vẫn còn chọn nơi đây “xây tổ làm nhà”" - ông Toại tâm sự.
Toàn bộ diện tích vùng lõi Khu Bảo tồn luôn được bảo vệ nghiêm ngặt 24/24 tại 7 chốt. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác bảo tồn còn thường xuyên gặp gỡ người dân, hướng dẫn họ những mô hình làm ăn không gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và chung tay bảo vệ các loại động vật rừng. Và cũng chính những nỗ lực ấy, hàng trăm con chim bị săn bắt trái phép được giải cứu, trả về môi trường tự nhiên.
Ngày 05/4/2016, tại xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, một số đối tượng dùng lưới giăng bắt trái phép 35 cá thể cò nhạn - một trong số loài động vật nguy cấp cần được bảo vệ. Lực lượng công an tiến hành kiểm tra và thu giữ, kịp thời bàn giao cho Khu Bảo tồn tiếp nhận về nuôi dưỡng để thả lại tự nhiên. “Nếu không có thông tin từ chính người dân thì lực lượng chức năng cũng không thể phát hiện và xử lý” - ông Toại khẳng định.
Không thể quản lý hết hàng ngàn hécta trong khi nhân lực làm công tác bảo tồn còn rất mỏng nên hàng ngày, vẫn có một số đối tượng lén lút dùng lưới, câu để giăng bẫy chim ngoài bìa rừng. Những con cò, chim “xấu số” không thoát khỏi bẫy của thợ săn và vẫn bị tận diệt từng ngày./.
Kiên Định - Văn Đát
Bài tiếp: “Nhức nhối chợ nông sản Thạnh Hóa”