Tiếng Việt | English

04/12/2020 - 10:46

Đột phá trong giảm nghèo

Thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ x, nhiệm kỳ 2015-2020 giảm hộ nghèo dưới 3%, đến nay, hộ nghèo của tỉnh chỉ còn 1,22%, vượt chỉ tiêu NQĐH đề ra.

Hỗ trợ nhà tình thương giúp hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống

Hỗ trợ nhà tình thương giúp hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống

Năm 2016, qua rà soát, hộ nghèo của tỉnh theo hướng đa chiều còn 4,03%; hộ cận nghèo 3,78%. Để hoàn thành chỉ tiêu NQĐH đề ra; đồng thời, nâng cao mức sống cho nhân dân, tỉnh huy động nhiều nguồn lực thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, trong đó đặc biệt quan tâm đến phương pháp giảm dần chính sách cho không sang cho có điều kiện, nhằm góp phần nâng cao ý thức và tạo động lực cho người nghèo vươn lên thoát nghèo.

Với phương châm cho “cần câu” thay vì “con cá”, giai đoạn 2015-2020, tỉnh giải quyết việc làm cho 155.000 lao động; cho trên 15.434 lượt hộ vay vốn từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để phát triển sản xuất, tạo việc làm, với kinh phí 378.559 triệu đồng; tạo điều kiện cho trên 1.200 người tham gia làm việc nước ngoài có thời hạn; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã 135, xã bãi ngang cho 2.676 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo với tổng số tiền trên 21,1 tỉ đồng và các xã ngoài Chương trình 135, xã bãi ngang cho 302 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo với tổng số tiền trên 13,5 tỉ đồng,...

Tư vấn giới thiệu việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững

Tư vấn giới thiệu việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững

Điểm nổi bật trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững của tỉnh là phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, góp phần giúp người nghèo có điều kiện thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Cụ thể, đến ngày 30/9/2020, tổng doanh số cho vay (giai đoạn 2016-2020) đạt 4.663 tỉ đồng, với 187.638  lượt hộ được vay vốn; tổng doanh số thu nợ đạt 3.470 tỉ đồng; tổng dư nợ đạt 3.558 tỉ đồng với 116.730 khách hàng còn dư nợ, tăng 1.188 tỉ đồng (tăng 50,13%) so với năm 2015.Ngoài thực hiện tốt việc trao “cần câu” cho người nghèo thay vì “con cá”, tỉnh còn thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho người nghèo như hỗ trợ y tế, tiền điện, thông tin - truyền thông, giáo dục,... Và một thành tựu đáng ghi nhận là việc xây dựng nhà tình thương, Đại đoàn kết cho người nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Chỉ tính từ năm 2015-2019, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 1.994 căn nhà Đại đoàn kết với số tiền 74.526,807 triệu đồng, sửa chữa 328 căn với số tiền 3.647,210 triệu đồng. Riêng thực hiện Chương trình Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đã xây dựng 990 căn nhà cho hộ nghèo với tổng số tiền trên 44 tỉ đồng.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tạo điều kiện cho người dân thoát nghèo

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tạo điều kiện cho người dân thoát nghèo

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Hồng Mai chia sẻ: “Công tác giảm nghèo được tổ chức thực hiện theo hướng bền vững nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa nông thôn và thành thị. Dự kiến cuối năm 2020, hộ nghèo của tỉnh còn 1,22%. Giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh đã giảm 2,81% hộ nghèo, bình quân mỗi năm giảm từ 0,3%-0,5%. Để đạt kết quả này, Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; Ban Chỉ đạo chương trình và Cơ quan Thường trực phát huy vai trò trong công tác tham mưu, chủ động và hướng dẫn trong quá trình tổ chức thực hiện, đáp ứng cơ bản chức năng, nhiệm vụ được phân công; huy động được nhiều nguồn lực đóng góp cho các hoạt động an sinh xã hội, nhất là sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân. Thời gian tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ NQĐH Đảng bộ cơ sở lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra như giảm 50% số hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí mới; lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ 35%”.

5 năm nhìn lại công tác giảm nghèo, tỉnh đã đạt nhiều kết quả nổi bật, vượt chỉ tiêu NQĐH đề ra. Qua đó, đời sống người dân không ngừng được nâng lên, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xóa dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị./.

- Phó Chủ tịch UBND xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc - Nguyễn Minh Thuận: Phước Vĩnh Đông là xã bãi ngang duy nhất của tỉnh. Từ nguồn kinh phí phân bổ dành cho xã bãi ngang, xã xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng và chăn nuôi gia cầm cho 132 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Ngoài ra, xã còn tạo điều kiện cho người nghèo được học nghề, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Sau thời gian thực hiện, đến nay, xã còn 170 hộ nghèo (giảm 217 hộ nghèo so với đầu năm 2016), đời sống người dân ngày càng được nâng lên.

- Bà Bùì Thị Hoa, ngụ xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ: Năm 2018, tôi bị bệnh nan y, từ đó kinh tế gia đình lâm vào cảnh khó khăn vì mọi chi phí sinh hoạt đều dựa vào số tiền làm thuê ngày có, ngày không của chồng tôi. Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của gia đình, xã đưa gia đình tôi vào danh sách hộ cận nghèo để được hỗ trợ về y tế. Đặc biệt, thấy căn nhà trống trước, trống sau, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện vận động các nhà hảo tâm 50 triệu đồng hỗ trợ gia đình xây lại căn nhà. Giờ đây, bệnh của tôi đã thuyên giảm, căn nhà cũng khang trang, dự kiến cuối năm 2020 gia đình tôi thoát nghèo.

- Ông Nguyễn Văn Ẩn, ngụ xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng:Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, được xã hỗ trợ 1 con bò từ Chương trình 135 dành cho xã biên giới và tạo điều kiện vay vốn 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư chuồng trại, con giống chăn nuôi bò. Đến nay, đàn bò có trên 10 con, kinh tế gia đình cũng ổn định, không còn là hộ nghèo của xã. Nếu không có sự hỗ trợ vốn kịp thời, gia đình tôi sẽ không có cuộc sống sung túc như hôm nay.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết