Tiếng Việt | English

17/09/2020 - 12:55

Đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đến gần công nhân, lao động

Thời gian qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Long An quan tâm phối hợp các doanh nghiệp thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho công nhân, lao động (CNLĐ). Khi CNLĐ có sức khỏe tốt không chỉ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động mà còn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động về DS/sức khỏe sinh sản (SKSS) tại các địa phương.

Chăm sóc sức khỏe cho công nhân, lao động là nhu cầu thiết thực

Chăm sóc sức khỏe cho công nhân, lao động 

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Long An nằm trong 10 tỉnh, thành có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Đến nay, tỉnh có 17 khu công nghiệp đang hoạt động thu hút khoảng 138.500 lao động, trong đó nữ chiếm khoảng 60%, đa số là lao động nhập cư từ các vùng nông thôn ra thành thị để tìm kiếm việc làm. Do thời gian làm việc khắt khe, kinh tế còn khó khăn nên CNLĐ ít có điều kiện tiếp cận các dịch vụ CSSK. Vì vậy, việc CSSK cho CNLĐ là nhu cầu thiết thực, được nhiều CNLĐ quan tâm.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan (phường 3, TP.Tân An) chia sẻ: “Do đi làm suốt nên tôi không có điều kiện đi khám sức khỏe tại các cơ sở y tế. Nếu nghỉ làm thì ảnh hưởng đến thu nhập. Được công ty mời các y, bác sĩ về khám sức khỏe tổng quát, CSSKSS định kỳ cho phụ nữ là mong muốn của nhiều CNLĐ”.

Rất nhiều nữ CNLĐ làm việc trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đối mặt với nguy cơ thiếu thông tin, kiến thức và khó tiếp cận với các dịch vụ CSSKSS, KHHGĐ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đời sống CNLĐ, để lại nhiều hậu quả đáng tiếc như tình trạng mang thai ngoài ý muốn, mắc bệnh lây lan qua đường tình dục, nạo phá thai không an toàn, vô sinh,…

Chăm sóc sức khỏe cho công nhân, lao động là nhu cầu thiết thực

Chăm sóc sức khỏe cho công nhân, lao động là nhu cầu thiết thực

Hiểu được tình trạng này, hàng năm, các địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp như Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa, Thủ Thừa, Tân Trụ, Thạnh Hóa, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An chú trọng triển khai mô hình cung cấp dịch vụ CSSKSS cho CNLĐ. Mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 30.000 CN được tư vấn, cung cấp các dịch vụ SKSS và phương tiện tránh thai.

Ngoài ra, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh còn phối hợp trung tâm y tế, Liên đoàn Lao động cấp huyện và các công ty đẩy mạnh truyền thông, tư vấn và cung ứng dịch vụ CSSKSS cho CNLĐ tại các khu, cụm công nghiệp. Từ đó, góp phần giúp CNLĐ nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi trong tiếp cận các dịch vụ CSSKSS có chất lượng.

Năm 2019, huyện Bến Lức thực hiện cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ miễn phí cho 373 CNLĐ tại các công ty, doanh nghiệp với các dịch vụ như khám phụ khoa, soi tươi, test VIA (tầm soát ung thư cổ tử cung) và siêu âm. Chị Hồ Thị Mộng Thu - CN làm việc tại Công ty TNHH May mặc Thịnh Đạt, chia sẻ: “Khi Công đoàn công ty phổ biến đợt triển khai khám SKSS thì tôi đăng ký ngay. Qua các đợt khám, chúng tôi được tư vấn lợi ích của CSSKSS và thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Chúng tôi còn được siêu âm, tầm soát ung thư cổ tử cung để tầm soát bệnh và điều trị kịp thời”.

Tuy nhiên, việc triển khai mô hình tại các địa phương còn nhiều khó khăn. Theo Trưởng phòng DS thuộc Trung tâm Y tế huyện Bến Lức - Nguyễn Sanh Tài, một số công ty, doanh nghiệp chưa quan tâm việc CSSKSS cho CNLĐ nên việc đặt lịch CSSKSS cho CNLĐ rất khó khăn. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số công ty có tâm lý e ngại khi tổ chức CSSKSS cho CNLĐ. Ngoài ra, trong thực hiện hoạt động CSSKSS cho CN còn bất cập. Cụ thể, khi khám phát hiện có bệnh thì không có kinh phí mua thuốc cấp cho CNLĐ nên chưa thu hút CN tham gia. Bởi vì, chủ trương của Sở Y tế là CNLĐ sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để khám và điều trị khi phát hiện bệnh. Đề nghị, cấp trên cần có giải pháp quy định cụ thể về việc CSSKSS định kỳ cho CNLĐ; mở rộng điểm cung cấp dịch vụ CSSKSS cho CNLĐ tại các khu nhà trọ; bố trí kinh phí mua thuốc cấp cho CN khi khám phát hiện có bệnh.

Việc cung cấp các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ cho phụ nữ giúp hạn chế tình trạng mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, giúp phát hiện sớm bệnh để điều trị kịp thời, góp phần nâng cao chất lượng DS. Thiết nghĩ, các doanh nghiệp cần tạo điều kiện về thời gian, địa điểm để ngành chức năng phối hợp triển khai cung cấp dịch vụ CSSK cho CNLĐ. Khi CNLĐ có sức khỏe tốt không chỉ nâng cao năng suất lao động mà còn là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, thể hiện tính nhân đạo và nhân văn sâu sắc của doanh nghiệp./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích